Nhật Bản: dùng drone để “đuổi” nhân viên làm việc chăm chỉ về nhà

VietTimes – Kể từ thế chiến thứ hai, Nhật Bản đã hình thành thói quen làm việc không ngừng nghỉ. Người Nhật có thể làm việc đến 16 tiếng một ngày và thời gian nghỉ ngơi rất ít. Để xóa bỏ thói quen này, một công ty đang có ý định sử dụng drone để “đuổi” nhân viên về nhà.
Những nhân viên làm việc quá giờ sẽ bị drone đến "hỏi thăm" (ảnh: The Verge)
Những nhân viên làm việc quá giờ sẽ bị drone đến "hỏi thăm" (ảnh: The Verge)

Dự án sử dụng drone (máy bay không người lái) là sự hợp tác giữa công ty cung cấp dịch vụ an ninh và vệ sinh Taisei với hãng viễn thông NTT. Những chiếc drone sẽ bay trong văn phòng theo lộ trình định sẵn. Hệ thống camera gắn trên drone sẽ ghi lại quang cảnh văn phòng và phát hiện những nhân viên làm việc thêm giờ. Để “xua đuổi” những người này về nhà, drone sẽ phát ra bản nhạc Auld Lang Syne. Đây là bản nhạc thường được phát tại các trung tâm mua sắm của Nhật để thông báo rằng các cửa hàng đang đóng cửa.

“Các nhân viên sẽ không thể làm việc trong tiếng gầm rú của động cơ và bài hát Auld Lang Syne”, Norihiro Kato, Giám đốc Công ty Taisei nói với tờ The Japan Times. Taisei sẽ thử nghiệm hệ thống vào tháng 4/2018, với khoản phí dịch vụ hàng tháng là 50.000 yen (450 USD) cho các công ty sử dụng dịch vụ này.

Tuy nhiên, theo giáo sư Scott North, Đại học Osaka: “Ngay cả khi hành động quấy rối bằng drone này khiến cho nhân viên rời khỏi văn phòng, họ sẽ tiếp tục làm việc ở nhà nếu chưa hoàn thành xong công việc. Để xóa bỏ thói quen làm thêm giờ, cần phải giảm bớt khối lượng công việc, hoặc bằng cách giảm các công việc lãng phí thời gian. Các công ty Nhật cũng nên xóa bỏ hình thức thi đua giữa các nhân viên, cũng như thuê thêm người để giảm tải công việc”.

Thói quen làm việc chăm chỉ là nguyên nhân gây ra hàng nghìn vụ đột tử ở Nhật Bản hàng năm. Người Nhật có một từ để mô tả những vụ đột tử do làm việc quá sức là karoshi. Một báo cáo đưa ra năm ngoái cho thấy 1/5 người Nhật làm việc trung bình 49 giờ hoặc nhiều hơn mỗi tuần. Phần lớn nạn nhân karoshi ở độ tuổi 30 và 40. Các nạn nhân chết vì các bệnh khác nhau như suy tim, kiệt sức, đột quỵ, đói khát, hoặc tự sát do stress và trầm cảm trong công việc.