Nhật Bản cho Việt Nam vay 1,05 tỷ USD, cấp mới 6 tàu tuần tra

VietTimes -- Ngày 16/1, trong khuôn khổ chuyến công du châu Á, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đến Hà Nội công du Việt Nam trong 2 ngày. Nhân dịp này, thủ tướng Abe thông báo cấp 6 tàu tuần tra mới cho Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe duyệt đội danh dự
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe duyệt đội danh dự

Đây là lần thứ ba ông Shinzo Abe thăm chính thức Việt Nam trong cương vị thủ tướng Nhật. Sau khi duyệt đội quân danh dự, ông Abe đã có cuộc hội đàm với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Theo nhật báo Japan Times, cuộc hội đàm giữa hai vị thủ tướng chủ yếu tập trung vào vấn đề an ninh khu vực và hiệp định tự do mậu dịch Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Theo Reuters, sau khi hội đàm với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng Shinzo Abe thông báo Nhật Bản sẽ cấp tàu tuần tra mới cho Việt Nam để giúp nâng cao khả năng của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam ở khu vực Biển Đông. Trước đó Tokyo đã tặng cho Cảnh sát biển Việt Nam 6 tàu tuần tra nhưng là tàu cũ.

Vào lúc dư luận lo ngại chính quyền của ông Donald Trump sẽ thi hành một chính sách bảo hộ mậu dịch, hai thủ tướng Nhật - Việt cũng bàn về việc thúc đẩy tự do mậu dịch giữa các nước châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có hiệp định TPP do Mỹ khởi xướng.

Ngoài đối thoại an ninh và hợp tác quốc phòng, trong chuyến đi Việt Nam lần này, thủ tướng Abe dự kiến đề nghị hợp tác của Nhật về phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam, trong đó có dự án khu công nghệ cao Hòa Lạc, ở ngoại ô Hà Nội.

Trong buổi thông tin với báo chí sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: “Tôi cảm ơn và đánh giá cao việc Thủ tướng Abe đã cam kết cung cấp cho Việt Nam khoản vay ODA đợt 2 tài khóa 2016 trị giá 123 tỷ yên, tương đương 1,05 tỷ USD cho 4 dự án về bảo đảm an ninh hàng hải, ứng phó với biến đổi khí hậu, xử lý nước thải”.

Việt Nam và Nhật Bản nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, các bên liên quan không có những hành động gây căng thẳng và quân sự hóa dẫn đến thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).