Nhật Bản: 11 cơ quan "bắt tay" lo phát triển IoT

VietTimes -- Các chuyên gia từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho biết, xã hội Nhật Bản có nhu cầu phát triển IoT rất cao, bởi lực lượng lao động ngày càng giảm và số người già ngày càng tăng lên nên cần các hệ thống hỗ trợ người già trong cuộc sống cũng như cần các hệ thống sản xuất đặc thù.
Để thúc đẩy sự phát triển của IoT, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã xây dựng chiến lược phát triển IoT với sự tham gia 11 cơ quan (ảnh minh hoạ)
Để thúc đẩy sự phát triển của IoT, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã xây dựng chiến lược phát triển IoT với sự tham gia 11 cơ quan (ảnh minh hoạ)

Trao đổi tại đối thoại chính sách CNTT-TT Việt Nam – Nhật Bản được tổ chức ngày 15/9 vừa qua, các chuyên gia Nhật Bản nhận định các nước trên thế giới đã nhận thức được xu hướng này và chia sẻ Nhật Bản đã nắm bắt và có những chính sách thúc đẩy từ rất sớm.

Từ năm 1999 đã thử nghiệm kết nối các thành phố với nhau trong dự án Gigabyte Japan Network nhờ mạng trục backbone 2,4Gigabit.Đây là điều kiện để thực hiện một hệ thống kết nối mạng. Vào năm 2009 Mitsubishi đã bán ra thị trường sản phẩm điều hòa tự động tắt bật qua Internet. Năm 2012, Toyota bán ra thị trường ô tô giám sát hành trành, ô tô này có kết nối Internet. “Có thể nói, IoT đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực ở Nhật Bản”, các chuyên gia Nhật khẳng định.

Để thúc đẩy sự phát triển của IoT, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đã xây dựng chiến lược phát triển IoT với sự tham gia 11 cơ quan. Nội các Nhật Bản cũng có một Ủy ban chiến lược IoT để điều phối thực hiện chiến lược IoT. Trên cơ sở điều phối của Ủy ban này việc điều phối thông tin phát triển IoT được thực hiện.

Điểm đặc biệt ở Nhật Bản, IoT do khu vực tư nhân thúc đẩy. Nhật Bản có một consortium về IoT gồm 2500 doanh nghiệp tham gia. Các cơ quan Bộ ngành có vai trò hỗ trợ, thúc đẩy cho các doanh nghiệp trong tổ chức consortium này thực hiện chương trình IoT. Nội các Nhật Bản có Ủy ban chiến lược IoT có vai trò kết nối các Bộ ngành thực hiện chiến lược IoT. Các Bộ, ngành liên quan có nhiệm vụ điều chỉnh các chính sách, quy định kịp thời, thông thoáng để IoT phát triển. Ví dụ, như doanh nghiệp sản xuất ô tô tự hành, Bộ quản lý nhà nước về giao thông sẽ điều chỉnh các quy định liên quan đến giao thông cho phù hợp với loại ô tô này.

Các chuyên gia Nhật Bản khẳng định: “Người đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy IoT là khu vực tư nhân. Phát triển IoT ở Nhật Bản không mang định lượng số lượng, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản đóng vai trò hỗ trợ IoT phát triển”.

Nói một cách đơn giản, IoT là việc sử dụng Internet và phần mềm để các máy trao đổi thông tin rồi quyết định vận hành mà không cần tương tác với con người.

Ví dụ một ngôi nhà thông minh sẽ biết là bạn cần máy sưởi hay máy lạnh vào những giờ giấc nào trong ngày và tự động xử lý. Tủ lạnh thông minh sẽ biết là bạn cần sữa hay bánh mì hay trái cây gì…và tự liên hệ với máy tính của siêu thị để đặt hàng. Chiếc xe thông minh sẽ thông báo là chỗ đậu xe nào trong thành phố còn trống; do đó bạn không phải chạy xe lòng vòng tìm chỗ đậu.

Ở bình diện rộng hơn, một thành phố thông minh sẽ tự tưới cây, lên đèn ban đêm, điều phối traffic, báo động về động đất hay lửa hay lụt, cũng như điều hành xe rác, xe quét đường…đo lượng ô nhiễm, lượng chất thải ra sông biển…để cùng xử lý với các hệ thống máy tính khác.