Nhà nước “đánh bại” thị trường

Các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với giá 39.000 đồng/cổ phiếu năm ngoái cho đến giờ vẫn có thể “ăn ngon ngủ kỹ” vì bất chấp các đợt điều chỉnh của chứng khoán, thị giá VPB trên sàn vẫn còn cao hơn tương đối so với giá họ mua.
Tổ chức nước ngoài giàu tiềm lực tài chính như trong thương vụ thoái vốn Sabeco cũng phải “ngả mũ” chào thua Nhà nước! Ảnh: VĂN NAM
Tổ chức nước ngoài giàu tiềm lực tài chính như trong thương vụ thoái vốn Sabeco cũng phải “ngả mũ” chào thua Nhà nước! Ảnh: VĂN NAM
Tương tự là trường hợp họ giải ngân vào cổ phiếu HDBank, VietJetAir (VJC) hoặc Vincom Retail (VRE). Riêng các nhà đầu tư, cả nội và ngoại, tham gia các đợt IPO doanh nghiệp nhà nước hay các đợt Nhà nước thoái vốn khỏi các “ông lớn” lại không may mắn như vậy.

Công ty TNHH Vietnam Beverage bỏ ra 109.966 tỉ đồng mua 53,59% cổ phần của Tổng công ty Rượu - Bia - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) cuối tháng 12-2017 và từ đó đến nay nhìn khoản đầu tư “tụt áp” giá trị còn 75.258 tỉ đồng (tính theo giá đóng cửa cổ phiếu SAB ngày 4-5-2018), giảm 34.708 tỉ đồng - một mức chiết khấu quá nặng tính theo số tuyệt đối. Tuy thế, tỷ lệ chiết khấu của SAB mới có... 31,6%, vẫn còn phải nhường vị trí dẫn đầu cho một đối tác khác cũng đến từ Thái Lan.

The Nawaplastic Industries Co. Ltd. đầu tháng 3 vừa qua nhận chuyển nhượng 21,16 triệu cổ phiếu Nhựa Bình Minh (BMP-Hose) từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với giá 2.331 tỉ đồng, tương đương 96.500 đồng/cổ phiếu. Niềm vui trở thành cổ đông chi phối, sở hữu hơn 50,1% cổ phần BMP “ngắn chẳng tày gang” vì đến nay thị giá cổ phiếu này chỉ còn 52.000 đồng, chiết khấu 46,1%. Nhựa Bình Minh vẫn “ăn nên làm ra” nhưng biên lợi nhuận đang thu hẹp đáng kể do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Ngay cả việc đầu tư vào Vinamilk, một doanh nghiệp luôn mang lại lợi nhuận cho nhà đầu tư từ nhiều năm nay, cũng không là ngoại lệ. Tháng 11-2017, Quỹ Platinum Victory Pte Ltd. mua trọn lô 48,33 triệu cổ phiếu Vinamilk từ SCIC với giá 186.000 đồng/cổ phiếu. Qua nửa năm hiện thị giá Vinamilk ở mức 184.000 đồng/cổ phiếu.

Đấy là với những doanh nghiệp được Nhà nước thoái vốn. Các doanh nghiệp IPO thì sao?

Nhà nước đã trở thành nhà đầu tư “thiện chiến”, chọn đúng thời điểm để bán ra. Nếu các đợt thoái vốn hoặc IPO chỉ chậm vài tháng, Nhà nước có thể đã mất tiền tỉ tỉ đồng.

Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR - UpCom) phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng ngày 17-1-2018 với giá bình quân 23.043 đồng/cổ phiếu, Nhà nước “bỏ túi” 5.566 tỉ đồng. Ba tháng rưỡi sau thị giá cổ phiếu BSR quanh quẩn ở 18.500 đồng, giảm gần 20%. Cổ phiếu của Tổng công ty Phát điện 3 (PGV - UpCom) sụt mạnh hơn từ 24.600 đồng của lần IPO thành công về 12.500 đồng, tức giảm 49%. Cổ phiếu của Tổng công ty Dầu (OIL - UpCom) cũng có thời điểm xuống 15.500 đồng trong khi giá IPO tới 20.196 đồng. Cho dù đã lên lại, hiện tại thị giá của OIL vẫn chưa về mức giá IPO. Cổ phiếu Tổng công ty Điện lực Dầu khí (POW - UpCom) không tránh khỏi giảm giá, rớt về 13.500 đồng từ mức 14.938 đồng của đợt IPO.

Những đợt thoái vốn và IPO đã mang về cho Nhà nước hàng trăm ngàn tỉ đồng bởi chúng diễn ra trong cao trào thị trường tăng trưởng và tâm lý hồ hởi mua cổ phiếu lan rộng. Nhà nước đã trở thành nhà đầu tư “thiện chiến”, chọn đúng thời điểm để bán ra. Nếu các đợt thoái vốn hoặc IPO chỉ chậm vài tháng, Nhà nước có thể đã mất tiền tỉ tỉ đồng.

Dẹp qua một bên thăng trầm của thị trường, câu chuyện thoái vốn và IPO còn chứa đựng những khúc mắc khiến giới đầu tư không khỏi lo ngại. Những ai sở hữu cổ phiếu BSR liên tiếp đón nhận thông tin như một phó tổng giám đốc bị khởi tố, bắt tạm giam; Kiểm toán Nhà nước xác định tổng giá trị thực tế của doanh nghiệp so với khi cổ phần hóa tăng thêm gần 8% tức 5.359 tỉ đồng. Điều đó có nghĩa là giá trị vốn nhà nước ở doanh nghiệp có thể sẽ điều chỉnh tăng.

Thêm nữa báo cáo tài chính 2017 vừa công bố của BSR cho thấy lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp năm ngoái giảm 950 tỉ đồng, thấp hơn nhiều mức mà chính Bình Sơn công bố trước IPO. Một số nhà đầu tư đã bắt đầu đặt câu hỏi: phải chăng doanh nghiệp công bố lợi nhuận cao trước IPO để hỗ trợ cho đợt bán cổ phần ra công chúng thành công?

Giới đầu tư cũng không khỏi chạnh lòng khi mới đây Sabeco tạm nộp 2.500 tỉ đồng vào ngân sách theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Đây là số tiền trả cổ tức năm 2016 mà cổ đông nhà nước được hưởng. Cũng là cổ đông, nhưng chỉ có Nhà nước được nhận cổ tức, còn các cổ đông nhỏ lẻ không được nhận gì cho năm đó. Đáng lẽ họ cũng phải được nhận cổ tức như Nhà nước chứ? Luật đâu có phân biệt cổ đông to hay nhỏ. Doanh nghiệp chia cổ tức thì cổ đông nào cũng được nhận.

Những số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quí 1-2018 chỉ ra Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Sabeco đều có lợi nhuận sau thuế thấp hơn so với cùng kỳ. Chi phí nguyên liệu đầu vào tăng gần 20% trong ba tháng đầu năm và giá vốn bán hàng tăng nhanh hơn doanh thu đã khiến tỷ suất lợi nhuận gộp của Vinamilk giảm so với cùng kỳ. Lợi nhuận Sabeco giảm mặc dù những ngày lễ lớn như Tết (tiêu thụ bia tốt) rơi vào quí 1. Lợi nhuận là động lực mạnh tác động lên giá cổ phiếu. Dẫu biến động của lợi nhuận doanh nghiệp theo chiều hướng đi xuống được nhìn thấy trước hay bất ngờ, nhà đầu tư vẫn gánh chịu rủi ro.

Hiện tại các đợt IPO hoặc thoái vốn nhà nước đang tạm dừng. Những nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu Nhà nước bán ra vừa qua tạm thời lỗ. Một lần nữa bài học trong quá khứ khi tham gia IPO năm 2006-2007 những tưởng đã chìm vào dĩ vãng, lại nổi lên và chưa hẳn đã không còn thời sự. Nhà nước đang là một “tay chơi” chủ đạo trên thị trường và ngày càng trở nên dạn dầy kinh nghiệm bán hàng hóa chứng khoán. Bằng chứng là tổ chức nước ngoài giàu tiềm lực tài chính như trong thương vụ thoái vốn Sabeco cũng phải “ngả mũ” chào thua Nhà nước! 

Theo TBKTSG