Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Đào Tiến Thi: Ngữ liệu văn bản trong sách giáo khoa thử nghiệm Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục

VietTimes -- Sau khi VietTimes đăng bài "Bộ sách giáo khoa lớp 1 của GS Hồ Ngọc Đại bị loại nhìn từ nguyên lý thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý" của tác giả Lê Thế Mẫu, Tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Để rộng đường dư luận, VietTimes xin tiếp tục giới thiệu cùng bạn đọc bài viết "Ngữ liệu văn bản trong sách giáo khoa thử nghiệm Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục" của nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ Đào Tiến Thi - cựu Ủy viên Ban chấp hành Hội ngôn ngữ học Việt Nam. Bài viết là quan điểm cá nhân của tác giả. 
Nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ, cựu Ủy viên Ban chấp hành Hội ngôn ngữ học Việt Nam - Đào Tiến Thi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nhà nghiên cứu văn học và ngôn ngữ, cựu Ủy viên Ban chấp hành Hội ngôn ngữ học Việt Nam - Đào Tiến Thi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Đào Tiến Thi: Ngữ liệu trong sách giáo khoa thử nghiệm Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục

Văn bản (văn, thơ, truyện, kịch, nghị luận, khoa học thường thức,..) dùng làm ngữ liệu trong môn Tiếng Việt tiểu học thường gọi là bài Tập đọc. Ở sách giáo khoa (SGK) hiện hành từ lớp 2 trở lên, các bài tập đọc này nằm trong phân môn Tập đọc của môn Tiếng Việt. Riêng Tiếng Việt lớp 1 thì không chia phân môn, nhưng dưới đây ta vẫn quy ước gọi các văn bản này là bài Tập đọc (TĐ).

Bài TĐ có thể coi là xương sống của sách Tiếng Việt lớp 1, vì từ đấy triển khai các mạch kiến thức, kỹ năng sử dụng tiếng Việt và thực hiện các mục tiêu giáo dục khác. Đặc biệt, so với ngữ liệu “rời” (từ ngữ), bài TĐ có khả năng cung cấp các kiến thức “thường thức” về lịch sử, địa lý, khoa học tự nhiên, lối sống,… đồng thời dạy cách đọc các kiểu văn bản đó.

Sách giáo khoa thử nghiệm Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục
Sách giáo khoa thử nghiệm Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục

Các bài TĐ trong môn Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục (CNGD) của GS. Hồ Ngọc Đại cũng như mọi sách Tiếng Việt lớp 1 khác luôn gồm hai loại:

- Bài TĐ để luyện đọc âm, vần (từ bắt đầu vào học cho đến khi biết đọc biết viết chữ một cách cơ bản). Bài đọc loại này yêu cầu phải chứa các âm, vần hoặc gần hết các âm, vần cần học trong bài.

- Bài TĐ để luyện tập củng cố, mở rộng (thường gọi là Luyện tập tổng hợp) để củng cố các âm, vần đã học, đồng thời có mục tiêu quan trọng là rèn luyện các kỹ năng đọc hiểu văn bản, cung cấp kiến thức tổng hợp, giáo dục các phẩm chất đạo đức theo yêu cầu của chương trình. Các bài này thường được sắp xếp theo chủ điểm (tổ quốc, nhân dân, thiếu nhi, gia đình, nhà trường, thiên nhiên,…).

Các văn bản trong Tiếng Việt lớp 1 (TV1) – CNGD của GS. Hồ Ngọc Đại có những ưu điểm nhất định, cụ thể là:

a) Phục vụ triệt để mục tiêu luyện đọc âm, vần

Ví dụ, để dạy vần an/ at, trong một bài bị hạn chế về số chữ nhưng tác giả đã đưa được nhiều tiếng chứa 2 vần này:

Quê bé Hoa có nghề đan lá. Già thì hạ tre chẻ lạt. Trẻ thì có nghề đan, đan để bán: đan rổ, đan rá, đan làn,… Ở chợ quê bán đủ thứ rổ rá, tre lạtlàn.

(tập 2, tr.21, bản in 2016)

b) Nhiều bài đọc có nội dung vui, ngộ nghĩnh

Đó là những bài đồng dao vui vui, những câu chuyện ngộ nghĩnh, hài hước của Việt Nam hoặc thế giới. Những bài đọc này kích thích HS đọc, do đó việc học được thuận lợi hơn. Ví dụ các bài ở tập 2: Bà mình thế mà nhát (tr.61), Vẽ gì khó (tr.63), May quá (tr.89), Cái mũ, Trên xe buýt (tr.97), Đêm qua con nằm mơ (tr.105), Ơ-rê-ca (tr.115), Mua kính (tr.123), Nói có đầu có đuôi (tr.125). Và ở tập 3: Tôi cũng không biết chữ (tr.20), Con gà cục tác lá chanh (tr.36), Hột mận (tr.44), Ông tiển ông tiên (tr.48), Vè cá (tr.62), Ông giẳng ông giăng (tr.70), Thằng Bờm (tr.72), ((tr.78),…

Số lượng bài TĐ rất lớn và phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu, do đó, không cuốn SGK Tiếng Việt lớp 1 nào mà tất cả các bài TĐ đều hoàn hảo về mọi mặt. Tuy nhiên, những hạn chế, thậm chí những bài khó chấp nhận, thì có lẽ không cuốn sách Tiếng Việt lớp 1 nào có nhiều như TV1 – CNGD. Chúng tôi xin nêu mấy kiểu lỗi và hạn chế dưới đây (tất cả theo bản in 2016, trước khi tác giả chỉnh sửa theo ý kiến của Hội đồng Quốc gia Thẩm định (HĐTĐ).

Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Đào Tiến Thi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Đào Tiến Thi. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

1. Bài tập đọc bị ép âm, vần phải chứa

Ở những bài đầu, trong khi số lượng âm, vần đã học còn rất ít, trong khi đó tác giả lại muốn luyện âm, vần cần học trong nhiều tiếng đã dẫn đến nhiều trường hợp khiên cưỡng, hoặc gây khó cho HS. Ví dụ:

 - Để luyện âm /h/: Bé Hà kể. Bà để bé kể, bà hả hê. (tập 1, tr.32)

“Hả hê” mang nghĩa trừu tượng, khó với HS lớp 1. Mặt khác, “hả hê” là trạng thái thỏa mãn về chính mình. Văn bản quá ngắn nên ta không biết bà nghe vì thích thú hay là vì chiều cháu mà buộc phải nghe (nghiêng về nghĩa thứ hai hơn, vì có từ “để” – tức là chấp nhận, ví dụ: Để nghe tôi nói đã). Sau thẩm định, tác giả đã sửa “bà” thành “bé”, nghe “lọt tai” hơn.

- Để luyện âm /ng//nh/: Hè, cả nhà đi bể nghỉ. Khi bà đã nghỉ, bé đi nhè nhẹ, khe khẽ. (tập 1, tr.47)

Ở đây có hai điểm không ổn: 1. Từ “bể” bị dùng ép, khó chấp nhận, vì “bể” ngày nay không dùng để chỉ biển nữa (chúng tôi đã nói ở phần 1 – đăng Viet Times kỳ trước). 2. Hai từ “nghỉ” với hai nghĩa khác nhau: “nghỉ” thứ nhất là “nghỉ mát” – nghỉ để dưỡng sức ở nơi có khí hậu mát mẻ; “nghỉ” thứ hai là tạm dừng công việc, hoạt động. Dùng cả hai từ “nghỉ” đó trong văn cảnh này sẽ khó cho HS lớp 1. Sau thẩm định 2017, tác giả đã sửa (xem Phụ lục).

2. Bài tập đọc không phù hợp độ tuổi, có thể dẫn đến lệch lạc trong tiếp nhận

Bài TĐ trong Tiếng Việt lớp 1 không những phải chứa những điều cần dạy về tiếng Việt mà còn phải đạt các yêu cầu về mặt nhận thức, tình cảm, cảm xúc. Trong TV1 – CNGD có một số bài có thể gây tổn thương hoặc lệch lạc tình cảm. Dưới đây đây là một số ví dụ:

Họ nhà dế (tập 2, tr.45): Bài miêu tả một “họ nhà dế” chẳng một ai ra gì. Đặc biệt hình ảnh cụ dế già “nghễnh ngãng, dềnh dàng, chả chú ý ăn mặc, cứ lếch thếch, nhếch nhác”. Hình ảnh cụ dế già như thế dễ khiến các cháu liên hệ đến ông bà nội ngoại của mình hoặc các ông bà già nói chung, tạo định kiến không hay. Sau thẩm định lần 2 (2018) tác giả đã sửa tiêu đề thành “Nhà dế nọ”, có ý đây chỉ là trường hợp cá biệt, cũng đỡ phản cảm một phần.

Cá gỗ (tập 2, tr.101): Câu chuyện kể một nhà nghèo nọ làm một con cá gỗ, đến bữa bảo các con khi ăn hãy nhìn vào con cá gỗ, làm động tác mút mút thì cũng không khác gì ăn cá thật. Đứa con út vừa nhìn vừa mút chùn chụt, liền bị thằng anh tố là “ăn tham”. Nhưng người mẹ bảo “cứ để cho nó ăn mặn, lát nữa tha hồ mà khát”. Câu chuyện Cá gỗ đã được lưu truyền trong dân gian từ lâu, tùy từng dị bản mà dẫn đến ý nghĩa khác nhau, nhưng tựu chung có hai loại: hoặc ca ngợi sự tiết kiệm, nhẫn nại chịu gian khổ (nhân vật là ông đồ Nghệ); hoặc chế giễu thói keo kiệt (nhân vật là một anh hà tiện). Với văn bản câu chuyện trong TV1 – CNGD kể trên thì ý nghĩa của nó gần với loại thứ hai[i], hoặc là chỉ để mua cười. Nhưng tiếng cười ở đây thật không đúng chỗ, có thể nói là tàn nhẫn. Đành rằng nhà nghèo nhưng sao nỡ lừa dối đứa con bé bỏng như vậy?

Cháo rìu (tr.129, tập 2): Một anh thợ săn lỡ bữa vào nhà một bà cụ xin ăn, nhưng bà cụ bảo chẳng còn gì ăn được. Tuy vậy anh ta vẫn mượn một cái xoong rồi cho cái rìu của mình vào nấu. Lát sau anh ta nếm, kêu loãng, xin bà cụ chút bột mì. Lát sau anh ta lại xin miếng thịt, rồi xin muối, xin hành, cuối cùng anh ta được một nồi cháo ngon. Lúc ăn anh ta mời bà cả bà cụ; bà cụ khen cháo rìu mà ngon!

Truyện có thể hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa 1: bà cụ keo kiệt nhưng gặp phải anh thợ rừng đáo để khôn ngoan và bà cụ đã bị thua cuộc; Nghĩa 2: anh thợ rừng là tay láu cá, biết lợi dụng lòng tốt và sự cả tin của người khác để được lợi cho mình.

Ban đầu, trong sách thiết kế (STK) không có dòng nào nói về ý nghĩa của truyện. Sau thẩm định 2018, tác giả bổ sung: “Câu chuyện là một bài học về sự chia sẻ. Khi chia sẻ, chúng ta cùng tìm được niềm vui, và cũng được hưởng thành quả” (STK tập 2, tr.247).

Thiết nghĩ ý nghĩa trên là gán ghép theo chủ quan, không căn cứ vào văn bản và thực tế. Thực tế, xu hướng chọn nghĩa thứ 2 ngày càng rõ. Đã xuất hiện thành ngữ “nấu cháo rìu” để chỉ những tay làm ăn bằng mưu mẹo, bằng “phù phép”, để “biến không thành có”. Nhà thơ Đặng Huy Giang phân tích: “Nói theo cách nói dân gian hiện nay thì “nấu cháo bằng rìu” chính là một kiểu “tay không bắt giặc”. Trong sáng tác văn chương nói chung, không phải là không có những trường hợp “nấu cháo bằng rìu”. Ấy là khi mượn ý tưởng của người khác, mượn cảm xúc của người khác mà… sàng sê thành tác phẩm của mình và ngang nhiên cho công bố trên mặt báo, tạp chí[ii].

Vì nó trống rỗng (tr.22, tập 3): Một cậu bé đau bụng vì đói, bà mẹ nói do bụng trống rỗng. Cậu lấy luôn logic đó để nói với người thủ trưởng của mẹ khi ông này kêu đau đầu: “Tại vì trong đầu bác trống rỗng đấy”. Văn bản câu chuyện trong TV1 - CNGD không có bối cảnh, chi tiết để nói ông thủ trưởng này là người “trống rỗng”, vậy sao có thể cậu bé trêu chọc một người đang bị bệnh tật hành hạ như vậy?

Con chim manh manh (tập 3, tr.32): Con chim manh manh/ Nó đậu cành chanh/ Tôi ném mảnh sành/ Nó quay lông lốc/ Tôi làm một chốc/ Được ba mâm đầy/ Ông thầy ăn một/…

Đây là một bài đồng dao truyền thống. Thời xưa nó chỉ là bài hát mang tính vui vẻ, đồng thời có chút chế giễu các hạng người tham lam, “ăn không chừa cái gì”, dù là một miếng bé xíu do người nông dân kiếm được. Tuy nhiên ngày nay với chủ trương bảo vệ động vật hoang dã thì bài này không thể đem ra dạy trẻ nữa. Nhất là càng không nên vẽ một cậu bé ở tư thế chuẩn bị tấn công con chim. Sau thẩm định 2018, tác giả đã thay bài (xem Phụ lục).

3. Bài tập đọc khó hiểu với trẻ em lớp 1

Thầy bói xem voi (tập 2, tr.121): Truyện ngụ ngôn này có hai tầng nghĩa: 1. Chế giễu cách nhận thức phiến diện; 2. Nhận thức là chuyện khôn cùng. Ngay tầng nghĩa thứ nhất đã khó với HS lớp 1. Theo chương trình và SGK hiện hành thì lớp 6 mới học.

Mùa xuân (tr.14, tập 3). Đây là một đoạn trích trong Truyện Kiều, từ câu 39 đến câu 44 (Ngày xuân con én đưa thoi… Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh). SGK có thể lấy 1, 2 câu trong Truyện Kiều thì được (như sách CCGD những năm tám mươi đã lấy câu Ngày xuân con én đưa thoi và câu Cỏ non xanh tận chân trời), nhưng cả đoạn như đoạn này thì nó liên quan đến nhiều kiến thức khác (lễ tảo mộ, hội đạp thanh là những tập quán xưa bên Trung Quốc), với những từ Hán Việt như thiều quang, thanh minh, tảo mộ, đạp thanh (và cũng không có một dẫn dắt, một chú thích nào) thì quả là khó với HS lớp 1.

Chiếu dời đô (tập 3, tr.52): Đó là một đoạn trích trong Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn. Muốn hiểu bài văn phải hiểu bối cảnh lịch sử, phải biết sơ bộ về Hoa Lư, về Thăng Long, tất cả còn quá xa lạ với đứa trẻ học lớp 1.

Nam quốc sơn hà (tập 3, tr.54): Muốn hiểu bài thơ cần có kiến thức lịch sử. Với HS lớp 1 kiến thức lịch sử còn quá ít. Chưa kể, tác giả còn cho học nguyên văn chữ Hán là bản chính, sau đó mới đến bản dịch. Tác giả giải thích: để như vậy cho dễ đọc, dễ nhớ, vừa trang trọng, thiêng liêng (?). Chắc ý tác giả muốn “tái hiện” không khí huyền thoại: đang đêm, tiếng đọc thơ vang lên từ đền thờ hai anh em Trương Hống, Trương Hát, giữa lúc trận chiến trên sông Như Nguyệt đang căng thẳng). Nếu vậy là nhầm học tác phẩm với “diễn” tác phẩm (một số tác phẩm có thể để HS diễn, nhưng phải để sau khi học). Vả lại, với HS lớp 1, học hay diễn thì tác phẩm này đều là quá khó.

 4. Bài tập đọc còn “sạn”

Bài TĐ trong SGK phải được viết (hoặc chọn) và biên tập rất kĩ. Với sách lớp 1 càng phải kĩ về mọi phương diện: sự chính xác của tri thức, sự trong sáng của từ ngữ, sự mạch lạc của văn phạm,… Nhưng nhiều bài trong TV1 – CNGD đã để lại khá nhiều “sạn”. Ví dụ:

Nghề đan lát (tập 2, tr.21): “Quê bé Hà có nghề đan lát. Già thì hạ tre chẻ lạt. Trẻ thì có nghề đan…” (xem văn bản ở phần đấu bài viết).

Bài này có ưu điểm như đã nói ở phần đầu bài viết, nhưng có hai lỗi:

- Lỗi logic: “Hạ tre chẻ lạt” vẫn nằm trong nghề đan lát. Không thể đặt vế so sánh với “Trẻ thỉ có nghề đan” (quan hệ hình thức qua cặp từ “thì…thì”).

- Lỗi kiến thức thực tế: Sao có chuyện ngược đời: già thì hạ tre (một công việc nặng nhọc, cần nhiều sức), còn trẻ lại ngồi đan (cần quen tay và kiên nhẫn)? Quan sát các làng quê xưa ta thấy các cụ già mới là người ngồi đan. Lẽ ra phải là: “Trẻ thì hạ tre, chẻ lạt (nan), già thì đan lát”.

Bánh chưng bánh giầy (tập 2, tr.131):

- “Hoàng tử Liêu được truyền ngôi, lên làm vua, lấy hiệu là Tiết Liêu Vương”. Hiện nay chỉ có rất ít dị bản có chi tiết nói đến tên hiệu “Tiết Liêu Vương”. Truyện này hiện có ở SGK Ngữ văn 6 cũng chỉ nói Lang Liêu được lên làm vua. Mặt khác, cái tên hiệu Tiết Liêu Vương có cần cho HS lớp 1 hay không?

- Nếu tên bài không có từ “sự tích” và cũng không chú dưới là truyền thuyết/ cổ tích thì nghiễm nhiên coi đây là sự thực lịch sử?

Nước Việt Nam ta (tập 3, tr.4): “Cách đây khoảng bốn nghìn năm, các vua Hùng dựng nước, đặt tên là Văn Lang”. Thông tin về lịch sử đã không được cập nhật. Từ mấy chục năm qua, giới nghiên cứu lịch sử đã khẳng định thời điểm vua Hùng lập nước Văn Lang là vảo khoảng thế kỷ VII trước công nguyên (TCN), tức cách ngày nay khoảng 2700 năm. Điều này đã phản ánh trong Lời nói đầu của Hiến pháp sửa đổi 1992, từ “Trải qua bốn nghìn năm lịch sử” (Hiến pháp 1980) đã sửa thành “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử”. Sau TĐ 2017 tác giả đã sửa.

Hai Bà Trưng (tập 3, tr.24):

- “Thục Phán làm vua được năm mươi năm thì Triệu Đà đánh chiếm nước ta”: Thời gian 50 năm là theo sử cũ (sử thời phong kiến). Còn theo sử mới (Viện sử học biên soạn) thì chỉ gần 30 năm (208 TCN – 179 TCN).

- “Trưng Trắc và Trưng Nhị, chị em sinh đôi, vốn dòng dõi Hùng Vương…”: Đây là bài đọc lịch sử, không phải huyền thoại, truyền thuyết, cho nên sự kiện, nhân vật cần chính xác. Trong chính sử, cả sử cũ lẫn sử mới, đều không ghi chi tiết này. Tìm trong các truyền thuyết về Hai Bà Trưng, chỉ thấy có 1/8 dị bản[iii] có  chi tiết “sinh đôi”. Như vậy, chi tiết này không đủ tin cậy.

Chiến thắng Bạch Đằng (tập 3, tr.40): Văn bản thiếu tính hoàn chỉnh khiến người đọc chẳng biết vì sao “Cách đây hơn 1000 năm, Ngô Quyền cho chặn cọc nhọn dưới đáy sông Bạch Đằng”. Lẽ ra cần một, hai câu mở đầu, đại loại như: “Thuở ấy, quân Nam Hán sang xâm lược nước ta. Đạo quân thủy đi theo đường sông Bạch Đằng…”.

Đinh Bộ Lĩnh (tập 3, tr.46): Câu kết bài: “Có lần thắng trận, cậu mổ trâu của chú đem khao quân”. Chi tiết này thuộc dã sử, nhưng không chú dưới thể loại văn bản, cho nên HS sẽ coi là sự thực lịch sử. Vả lại, chi tiết ấy, nếu có là sự thật, cũng chưa nên dạy cho trẻ lớp 1. Tác giả đã bỏ sau thẩm định 2017.

Nhà Trần ba lần đánh tan quân Nguyên (tập 3, tr.60):

- Một mình triều đình nhà Trần không thể đánh tan quân xâm lược Nguyên.

- Khi đã nói “ba lần” thì phải gọi quân giặc là Mông – Nguyên. Bởi lần thứ nhất, năm 1258, ta đánh giặc Mông Cổ. Nhà Nguyên do người Mông Cổ lập nên ở Trung Quốc, sau khi chiếm xong Trung quốc, năm 1271.

- Bản sửa 2017 chú thêm bên dưới văn bản là “Theo Đại Việt sử ký toàn thư”, nhưng trong Đại Việt sử ký toàn thư không có một “khúc” nào như văn bản trang 60 cả. Thực chất đây là văn bản do tác giả soạn. Một văn bản thì phải đảm bảo tính hoàn chỉnh của nó, không thể bắt đầu bằng “Lần đầu, triều đình nhà Trần và nhân dân rút đi”. Không biết vì lẽ gì mà “nhân dân rút đi”? Lẽ ra đầu tiên phải có một câu mở đầu, chẳng hạn, “Thuở ấy, quân Mông – Nguyên ba lần sang xâm lược nước ta”.

- Cấu trúc bài gồm ba đoạn, với Lần đầu, Lần thứ hai, Lần thứ ba, nhưng Lần đầu không tương đương với Lần haiba. Bởi không chỉ có lần đầu ta làm “vườn không nhà trống”, mà lần hai, lần ba cũng vậy. Viết như thế hóa ra hai lần sau không làm vườn không nhà trống?

- Chi tiết cuối bài: (trận Bạch Đằng lần thứ ba) “tiêu diệt toàn bộ thủy quân của giặc”. Đại Việt sử ký toàn thư không viết như vậy mà chỉ viết: “quân Nguyên chết đuối không kể xiết”. Cũng không có tài liệu nào viết “tiêu diệt toàn bộ thủy quân của giặc” cả. Lịch sử Việt Nam, tập 2 (Viện Sử học) viết: “thủy quân giặc bị giết, bị chết đuối và bị bắt vô số”. Sau thẩm định 2017, tác giả sửa thành “phá tan thủy quân của giặc”.

5. Có sự lẫn lộn khái niệm trong các bài tập đọc sử

TV1 – CNGD đưa vào một loạt bài TĐ lịch sử, điểm qua lịch sử Việt Nam từ khởi thủy lập nước cho đến 1945. Phần lớn kể về nhân vật và sự kiện lịch sử. Một vài bài ghi bên dưới là “truyền thuyết”, còn lại không ghi gì, tức là người soạn SGK viết và như là một bài tập đọc sử. Trong một số trường hợp, tác giả đã đánh đồng huyền thoại (truyền thuyết) với sự thực lịch sử, ví dụ: Dòng giống Tiên Rồng (tập 2, tr.113), An Dương Vương (tập 3, tr.16), Đinh Bộ Lĩnh ((tập 3, tr.46). Các tình tiết đẻ trăm trứng, rùa vàng, nỏ thần rõ ràng là hoang đường, kỳ ảo. Tình tiết Đinh Bộ Lĩnh mổ trâu của người chú để khao đám trẻ mục đồng không được ghi trong chính sử, kể cả Đại Việt sử ký toàn thư, có nghĩa, tình tiết này chỉ là “tục truyền” (dã sử). Nếu kể với tư cách sự tích thì phải ghi chú dưới là thần thoại, truyền thuyết hay cổ tích. Nếu không ghi gì, nghiễm nhiên nó là lịch sử. Nói cách khác, phải phân biệt lịch sử (sự thực) với huyền thoại (hư cấu), chính sử với dã sử, sử học với văn học.

6. Sự ít ỏi bài tập đọc thường thức về khoa học tự nhiên, về lối sống

Bài TĐ thường thức về khoa học tự nhiên, về lối sống là một phần quan trọng (của văn bản thông tin, theo cách gọi ngày nay), theo chương trình mới ban hành (2018) là bắt buộc phải có. TV1 – CNGD được soạn trước chương trình mới, nhưng theo truyền thống, nội dung này có từ lâu, trong  Quốc văn giáo khoa thư (trước 1945), trong sách Học vần lớp Vỡ lòng những thập niên sáu mươi, bảy mươi [iv]. Muc đích không chỉ dạy kiến thức khoa học thường thức, lối sống, mà trong môn Tiếng Việt (môn có tính công cụ) còn dạy cách đọc văn bản.

Trong TV1 – CNGD chỉ có một số bài ở tập 3, thực ra là văn bản nghệ thuật, nhưng có tính khoa học thường thức: Mẹ con cá chuối (tr.64), Con bù nhìn (tr.30), Vè chim, tr.78), Chim rừng Tây nguyên (tr.80). Nghĩa là nội dung này ít được tác giả chú ý, hoặc là chưa ý thức.

Phụ lục: Một số chỉnh sửa văn bản sau thẩm định (2017,2018)
Phụ lục: Một số chỉnh sửa văn bản sau thẩm định (2017,2018)


[i]
Xem thêm: http://vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/mot-su-that-ve-cau-chuyen-ca-go-va-ong-do-nghe

[ii] http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/Nau-chao-bang-riu-329883/

[iii] Theo Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 4, NXB KHXH, 2004.

[iv] Ví dụ bài về vệ sinh phòng bệnh trong sách Học vần: Con ruồi đậu ở chuồng phân/ Rồi bay đến đậu thức ăn vật dùng/ Đem theo bao giống vi trùng/ Ăn vào mắc bệnh vô cùng nguy nan/ Thức ăn phải đậy lồng bàn.