Nhà máy điện Mặt trời dùng muối nóng chảy của Trung Quốc chính thức hoạt động

Nhà máy điện Mặt trời kiểu mới dùng công nghệ muối nóng chảy đầu tiên của châu Á đã kết nối thành công vào lưới điện và bắt đầu hoạt động vào ngày 2.1.2017 ở Đôn Hoàng, một huyện ở phía tây tỉnh Cam Túc của Trung Quốc
Nhà máy điện Mặt trời kiểu mới dùng công nghệ muối nóng chảy
Nhà máy điện Mặt trời kiểu mới dùng công nghệ muối nóng chảy

Theo gbtimes, Công ty Shouhang Resources Saving là đơn vị xây dựng nhà máy điện này. Nhà máy có thể sản xuất ra điện hoàn toàn từ năng lượng Mặt trời 24 giờ/ngày và cung cấp điện cho 30.000 hộ gia đình. Tại thời điểm này, công suất của nhà máy chỉ mới đạt khoảng 10 MW nhưng trong tương lai con số này sẽ tăng lên 300 MW.

Đây là một hướng mới của năng lượng sạch. Một tòa tháp năng lượng Mặt trời, được một lượng lớn gương tự động chuyển ánh sáng Mặt trời tới để hội tụ nhiệt. Nhưng nó không đun nóng nước thành hơi để phát điện ngay mà sử dụng nhiệt để làm nóng chảy muối. Các phần tử muối lưu trữ nhiệt rất lâu, rất hiệu quả và không gây ô nhiễm. Sau đó, muối nóng được đưa vào bể chứa nước, biến nước thành hơi để quay tuabin sản xuất điện với lợi thế là hoạt động sản xuất được tiến hành liên tục trong suốt cả ngày đêm.

Nhà máy điện đầu tiên theo mô hình này là Crescent Dunes, được đưa vào hoạt động cuối năm 2015 ở bang Nevada (Mỹ). Công ty SolarReserve đang có kế hoạch xây dựng thêm 10 nhà máy tương tự ở Mỹ với tên gọi chung là Sandstone.

Theo Một Thế giới