Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Trung Quốc chịu được siêu bão "10.000 năm có 1"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Trung Quốc có thể chống chịu được với thời tiết cực đoan “10.000 năm có 1”, theo các kỹ sư hàng hải tham gia thử nghiệm.
Ảnh đồ họa nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Trung Quốc (Ảnh: CGN)
Ảnh đồ họa nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên của Trung Quốc (Ảnh: CGN)

Lò phản ứng hạt nhân nổi công suất 60 megawatt hiện đang được xây dựng để cung cấp năng lượng cho các giàn khoan dầu và đảo ngoài khơi bờ biển phía Đông Trung Quốc, thuộc biển Bột Hải. Tại một cơ sở thử nghiệm giả định thời tiết cực đoan ở tỉnh Hồ Bắc, kỹ sư hàng hải Kong Fanfu và một nhóm khoa học đến từ Viện Nghiên cứu và Thiết kế tàu số 2 Vũ Hán đã tạo ra một mô hình thu nhỏ của nhà máy hạt nhân này.

Sau quá trình thử nghiệm giả định, họ kết luận rằng nhà máy điện này vẫn đủ khả năng sản sinh ra điện năng trong điều kiện sức gió lên tới 37 m/giây – tương đương với một trận siêu bão hoặc cấp cao nhất theo thang Beaufort.

Các nhà nghiên cứu đã tăng cường sức gió nhân tạo thêm hơn 50% và thêm nhiều điều kiện bão khác, như sóng cực cao và các dòng biển cực mạnh, những thứ rất hiếm khi xảy ra cùng một thời điểm.

Trong suốt nhiều giờ thử nghiệm, mô hình nhà máy điện hạt nhân vẫn trụ vững, theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, được đăng tải trên Tạp chí Kỹ thuật Thiết bị Hậu cần hồi tháng trước. Họ nói rằng khu vực trung tâm của nền tảng này – nơi đặt lò phản ứng hạt nhân – trải qua ít biến động hơn nhiều so với những phần khác.

Mô hình nhà máy điện hạt nhân nổi được đem ra thử nghiệm (Ảnh: CGN)

Mô hình nhà máy điện hạt nhân nổi được đem ra thử nghiệm (Ảnh: CGN)

Mặc dù những sự kiện thời tiết cực đoan như vậy chưa từng được ghi nhận trên một vùng biển khá lặng như Bột Hải, nhưng khả năng như vậy vẫn phải được đem ra xem xét bởi “thân của con tàu không được bị lật nghiêng dưới bất kỳ tình huống nào”, ông Kong và đội ngũ của mình viết.

Lò phản ứng nổi thường có rất nhiều cơ chế an toàn – bao gồm một quy trình làm mát nhờ nước biển, trong trường hợp bị mất điện – nhưng nếu nó bị lật nghiêng, những đặc tính này có thể sẽ không hoạt động, bởi vậy mà gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng; theo nhóm nghiên cứu.

Lò phản ứng hạt nhân nổi 30.000 tấn dự kiến sẽ được hoàn thiện trong năm 2022 và sẽ là nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trong số hàng loạt nền tảng tương tự mà Trung Quốc dự định xây dựng nhằm phục vụ cho khu vực rộng lớn đang khát năng lượng ở bờ biển phía Đông.

CGN, một công ty hạt nhân có trụ sở tại Quảng Đông, đã khởi công dự án nhà máy điện hạt nhân nổi, còn được biết đến với cái tên ACPR50S, trong năm 2016 như một giải pháp cho tình trạng thiếu hụt năng lượng trong các hoạt động hàng hải của Trung Quốc.

Phần cần trục của con tàu này được thiết kế để chống chịu được sức ép khoảng 600 tấn. Nhưng một sự kiện thời tiết cực đoan có thể khiến nó chịu sức ép lên tới 2.000 tấn, và đây là điểm yếu của con tàu này, theo các nhà nghiên cứu. Giải pháp được đưa ra là chế tạo cần trục lớn hơn và mạnh hơn, tuy nhiên sẽ cần thêm các cuộc thử nghiệm.

Một nhà máy hạt nhân nổi có kích thước gần gấp đôi nhà máy ở biển Bột Hải cũng đang được chế tạo để cung cấp năng lượng cho Yên Đài, tỉnh Sơn Đông. Thực hiện dự án này là Tập đoàn Nguyên tử Quốc gia Trung Quốc (CNNC). Nó sẽ có 2 lò phản ứng hạt nhân và dự kiến sẽ trở thành nhà máy điện nguyên tử nổi có công suất lớn nhất thế giới, 250 megawatt. Nó dự kiến sẽ được hoàn thiện vào năm 2023, cung cấp điện cho một khu công nghiệp quy tụ những nhà máy hóa học lớn nhất Trung Quốc.

Nhà máy điện hạt nhân nổi đầu tiên trên thế giới có công suất 10 megawatt, được Mỹ chế tạo để phục vụ cho căn cứ quân sự của họ ở Kênh Panama vào những năm 1960. Hiện tại, Nga là quốc gia duy nhất còn đang vận hành một nhà máy điện hạt nhân nổi; theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA).