Nhà lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov: “Nếu được ủy quyền, tôi sẽ sáp nhập Ukraine vào nước Nga!”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Căng thẳng giữa Nga và NATO về vấn đề Ukraine vẫn tiếp tục, thái độ của các bên ở Nga ngày càng cứng rắn. Thái độ của nhà lãnh đạo Cộng hòa Chechnya, ông Ramzan Kadyrov càng đặc biệt cứng rắn.
Hãng tin TASS đưa tin về tuyên bố của ông Ramzan Kadyrov (Ảnh: Sina).
Hãng tin TASS đưa tin về tuyên bố của ông Ramzan Kadyrov (Ảnh: Sina).

Theo Hãng thông tấn Nga TASS ngày 27/12, ông Ramzan Akhmadovich Kadyrov, nhà lãnh đạo nước Cộng hòa Chechnya (Chechen) thuộc Liên bang Nga, cùng ngày đã tuyên bố công khai trong cuộc họp báo cuối năm rằng Nga sẽ không cho phép phương Tây thiết lập các căn cứ quân sự ở Ukraine. Nếu Tổng thống Ukraine Zelensky tiếp tục theo đuổi chính sách chống Nga, không cần đến Tổng thống Nga Putin ra tay, chỉ cần được ủy quyền, ông sẽ đưa Ukraine sáp nhập vào Nga. Kadyrov tuyên bố: “Chỉ cần Điện Kremlin đưa ra mệnh lệnh, chúng tôi (người Chechnya) sẵn sàng được triển khai như những người lính bộ binh để thực hiện bất kỳ mệnh lệnh nào”.

Ông Kadyrov nói: "Vấn đề Ukraine thậm chí không cần đến Tổng thống Liên bang Nga giải quyết, mà đó là vấn đề được giải quyết ở cấp độ của tôi. Nếu được ủy quyền, tôi đã giải quyết vấn đề Ukraine từ lâu rồi: hoặc Ukraine sẽ được sáp nhập vào Nga, hoặc tôi đã đưa Ukraine quay trở lại từ lâu, vấn đề này sẽ được giải quyết triệt để. Tôi đã nói vào thời điểm xảy ra sự kiện Crimea là cần phải giành lấy Kiev!”

Các chiến binh Chechnya nổi tiếng thiện chiến (Ảnh: Sina).

Các chiến binh Chechnya nổi tiếng thiện chiến (Ảnh: Sina).

Kadyrov nói: “Các nước phương Tây đang âm mưu thiết lập các căn cứ quân sự ở Ukraine và sử dụng điều này làm điều kiện để tiến hành các cuộc đàm phán vô trách nhiệm với Nga, nhưng Tổng thống Nga sẽ không cho phép các kế hoạch đó thành công. Chỉ cần Điện Kremlin ra lệnh, chúng tôi (người Chechnya) sẵn sàng triển khai như những người lính bộ binh chấp hành mệnh lệnh ở bất cứ nơi đâu, bởi vì sự toàn vẹn của đất nước và an toàn của người dân chúng ta là quan trọng nhất."

Là người đứng đầu nước Cộng hòa Chechnya trong Liên bang Nga, ông Kadyrov luôn được biết đến là người "mạnh miệng". Năm 2017, khi được đài truyền hình HBO của Mỹ phỏng vấn, ông thậm chí tuyên bố rằng Mỹ đang áp dụng chính sách thù địch chống lại Nga, nhưng không cần phải lo lắng, ngay sau khi quả bom hạt nhân của Nga được tung ra, "cả thế giới sẽ quỳ xuống."

Ông Kadyrov và các chỉ huy Quân đội Cộng hòa Chechnya (Ảnh: Sina).

Ông Kadyrov và các chỉ huy Quân đội Cộng hòa Chechnya (Ảnh: Sina).

Hiện tại, thái độ của tất cả các bên ở Nga đều tương đối cứng rắn. Theo hãng tin Mỹ AP, ngày 26/12 theo giờ địa phương, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng nếu phương Tây không đáp ứng các yêu cầu an ninh để ngăn NATO mở rộng sang Ukraine, ông sẽ xem xét một loạt các lựa chọn khác, cụ thể “sẽ phụ thuộc vào các chuyên gia quân sự của chúng tôi đưa ra đề xuất nào".

Ông Putin nhắc lại rằng Nga đưa ra những yêu cầu này cũng hy vọng rằng phương Tây có thể đưa ra câu trả lời mang tính xây dựng. “Họ đã đẩy chúng tôi đến đường cùng, nơi chúng tôi không thể rút lui”.

Cùng ngày, ông Peskov Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Putin tuyên bố, việc NATO mở rộng sang Ukraine hoặc các nước thuộc Liên Xô cũ khác là "vấn đề sinh tử" đối với Nga và vụ bắn thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh Zircon trước đó của Nga là nỗ lực "có sức thuyết phục hơn" cho việc đảm bảo an ninh cho mình.

Bộ trưởng phụ trách Ủy ban An ninh và Quốc phòng Ukraine (RNBO) Oleksiy Danilov tuyên bố Nga đã triển khai 122.000 binh sĩ trong phạm vi 200 km tính từ biên giới và 143.500 binh sĩ Nga trong phạm vi 400 km tính từ biên giới Ukraine - Nga.

Binh sỹ lực lượng đặc biệt Chechnya (Ảnh: Sina).

Binh sỹ lực lượng đặc biệt Chechnya (Ảnh: Sina).

Trên thực tế, quân đội Nga nếu muốn ra tay, chỉ cần tiến hành một cuộc chiến hỗn hợp là có thể đánh bại Ukraine mà cả Mỹ và NATO đều không thể can thiệp. Vũ khí hạng nặng chủ yếu của quân đội Ukraine đều là những sản phẩm cũ từ những năm 1970-1980. Thậm chí phiên bản đầu tiên của tên lửa S-300 của Ukraine cũng chỉ có thể tấn công 6 mục tiêu, trong khi tên lửa S-300 phiên bản mới của Nga có thể tấn công 36 mục tiêu cùng lúc.

“Sự thật nằm trong tầm bắn của đại bác”, câu này hoàn toàn là sự thật. Nó cũng cho thấy vai trò quan trọng của pháo tầm xa và các dàn pháo phản lực trong chiến tranh. Tấn công đối phương một cách an toàn ngoài tầm phản công của pháo binh đối phương rõ ràng là một mục tiêu thiết kế lý tưởng cho hệ thống pháo binh.

Tại chiến trường miền Đông Ukraine năm 2014-2015, quân đội Nga đã huy động khoảng 4-6 tổ hợp pháo tầm xa trực tiếp hỗ trợ lực lượng vũ trang Đông Ukraine đánh bại ít nhất 7 lữ đoàn lính dù và cơ giới tinh nhuệ ở Ukraine.

Quân đội Nga chỉ cần hỗ trợ tác chiến điện tử để làm gián đoạn hệ thống liên lạc và gây nhiễu thiết bị radar của quân đội Ukraine. Đồng thời, các máy bay chiến đấu đã được huy động để kiểm soát trên không. Sau đó, cung cấp cho người Chechnya một số tổ hợp pháo binh tầm xa và dàn pháo phản lực, các lực lượng vũ trang Chechnya thực sự có khả năng đánh bại quân đội Ukraine.

Ông Kadyrov thị sát một đơn vị quân đội Chechnya (Ảnh: Sina).

Ông Kadyrov thị sát một đơn vị quân đội Chechnya (Ảnh: Sina).

Trong Chiến tranh Đông Ukraine 2014-2015, lực lượng cơ giới Ukraine đã hành quân đến nơi đánh cho lực lượng vũ trang miền Đông ly khai thua tơi tả. Khi đó Nga đã điều động khoảng 6-8 đơn vị chiến đấu cấp tiểu đoàn, được hỗ trợ bởi các cụm pháo binh đã được nâng cấp với đạn pháo dẫn đường chính xác và liên kết dữ liệu, máy bay trinh sát không người lái và lực lượng đặc biệt của Nga. Lực lượng vũ trang miền Đông Ukraine đã nhanh chóng lật ngược tình thế và gây thiệt hại nặng nề cho quân đội Ukraine. Sau một loạt trận chiến, Ukraine đã mất tới 65% số vũ khí hạng nặng và hơn 70% số xe tăng, thiết giáp này đã bị dính đòn kiểu “tấn công chặt đầu” bằng loại đạn dẫn đường chính xác của Nga.

Hơn nữa, quân đội Ukraine tuy nói rằng có 300.000 quân, nhưng lực lượng chủ lực thực tế chỉ có không quá 12 lữ đoàn, quân thực chiến tương đối yếu. Phần lớn quân số là quân nhân dự bị và ở căn cứ hậu phương.

Quân đội Nga chỉ cần cung cấp pháo và các dàn pháo hỏa tiễn tầm xa, liên kết dữ liệu và hỗ trợ tác chiến điện tử, máy bay không người lái, lực lượng đặc biệt và vũ khí dẫn đường chính xác. Trên thực tế, các lực lượng vũ trang Chechnya và miền Đông Ukraine hoàn toàn có khả năng đánh bại quân đội Ukraine mà không cần đến lực lượng chủ lực của quân đội Nga tham chiến. Sẽ không có lý do gì để Mỹ can thiệp trên quy mô lớn.

Ukraine thực sự là một trận địa tiền duyên chống Nga của châu Âu và Mỹ. Nhưng đối với Nga, Ukraine rất quan trọng, giống như nước Đức mất Phổ (Prussia). Chỉ với Ukraine, Nga mới là một nước lớn ở Châu Á và Châu Âu, mất đi Ukraine thì Nga sẽ suy yếu, xuống cấp thành một cường quốc trong khu vực.