Nhà đầu tư nội "xếp hàng" xin làm cao tốc Vân Đồn – Móng Cái

VietTimes -- Liên danh các nhà đầu tư đại diện là Công ty TNHH Tiến Đại Phát đã chính thức có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, đề nghị được đầu tư tuyến đường cao tốc từ Vân Đồn đi Móng Cái.
Quàng Ninh không vay vốn Trung Quốc làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Quàng Ninh không vay vốn Trung Quốc làm cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái có tổng chiều dài trên 91km, điểm đầu đấu nối với đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, điểm cuối giao với đường dẫn cầu Bắc Luân II (nối sang thành phố Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).

Dự án đi qua 5 huyện của tỉnh Quảng Ninh gồm Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và Móng Cái. Quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h. Thời gian hoàn thành là trước năm 2020.

Tổng mức đầu tư toàn dự án theo phương án đề xuất của nhà đầu tư là khoảng 13.242 tỉ trong đó phần vốn nhà đầu tư huy động để thực hiện dự án theo hình thức BOT là 11.893 tỉ, chiếm tỉ lệ 89,8% , phần vốn địa phương hỗ trợ để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là 1.349 tỉ chiếm khoảng 10,2% tổng mức đầu tư của dự án. Hiện đã có văn bản cam kết cung cấp đủ tín dụng để thực hiện dự án.

Trước đó, hồi đầu tháng 8/2016, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao địa phương này là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đầu tư tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, thay thế cho phương án đề xuất giao Bộ GTVT thẩm quyền quyết định đầu tư và vận động vay vốn ODA Trung Quốc để thực hiện đầu tư như hồi giữa tháng 2/2016.

Hơn nữa lý do mà Quảng Ninh đưa ra là nếu vận hành thực hiện dự án tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đầu tư bằng nguồn vốn ODA sẽ rất lâu và không hoàn thành theo quy hoạch, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ là trước năm 2020.

Mặt khác, theo tính toán của Bộ GTVT thì  tổng mức đầu tư cho dự án là 810 triệu USD và để giảm thiểu áp lực vay nợ nước ngoài và khả năng đáp ứng vốn cho dự án, Bộ này sẽ tiến hành phân kỳ đầu tư dự án thành 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn I có tổng mức đầu tư 382,2 triệu USD, vừa khít với khoản tín dụng ưu đãi bên mua của China Eximbank (300 triệu USD), phần còn lại sử dụng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Trước đó, Liên danh các nhà đầu tư Cái Mép – Thái Sơn – VINACONEX E&C – Công ty Cổ phần Cầu 12 – Khánh An – Cienco1 cũng có đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ninh về đầu tư dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái theo hình thức đầu tư BOT.