Nhà báo Trương Anh Ngọc: “Áp lực thành công khiến Olympic Việt Nam vuột mất huy chương“

VietTimes -- Sau thất bại đáng tiếc trên chấm 11 mét trước Olympic UAE, VietTimes đã có cuộc trao đổi với nhà báo Trương Anh Ngọc về màn trình diễn của đội tuyển tại Jakarta vừa qua.
Nhà báo Trương Anh Ngọc (ảnh: báo Lao động)
Nhà báo Trương Anh Ngọc (ảnh: báo Lao động)

PV: Đầu tiên, sau thất bại đáng tiếc của Olympic Việt Nam trước Olympic UAE, cá nhân anh có cảm xúc như thế nào?

Tôi có rất nhiều cảm xúc, trước tiên là buồn bởi trận đấu này Olympic Việt Nam đã chơi tốt hơn, có nhiều cơ hội hơn và ở tư thế khác hơn Olympic UAE rất nhiều nhưng cuối cùng vì những sai lầm của cá nhân, chúng ta đã để thủng lưới bàn đầu tiên và dẫn tới loạt luân lưu định mệnh khi các cầu thủ của chúng ta đã mệt mỏi và tâm lý rất căng thẳng rồi. Tôi nhận thấy khi hiệp hai trôi qua và chúng ta vẫn chưa thể tìm kiếm được bàn cân bằng tỷ số, các cầu thủ thực sự quyết tâm dồn lên để tạo nên sự khác biệt.

Nhiều người hâm mộ đã thắc mắc tại sao HLV Park-seo không sử dụng Công Phượng. Nhưng HLV Park chắc chắc có lý do chính đáng, có thể là vấn đề về thể lực, kỷ luật hoặc ý đồ chiến thuật.

PV: Anh nhận định thế nào về phong độ của đội tuyển trong suốt giải ASIAD 2018?

Tâm thế của đội tuyển Olympic ở ASIAD 2018 và giải đấu hồi tháng 1 ở Thường Châu hoàn toàn khác nhau. Ví dụ ở Thường Châu, chúng ta đã thể hiện được sự bền bỉ và mạnh mẽ. Đội tuyển sẵn sàng giải quyết trận đấu kể cả trong thời gian thi đấu chính thức, hiệp phụ hay loạt sút Penalty.

Nhà báo Trương Anh Ngọc: “Áp lực thành công khiến Olympic Việt Nam vuột mất huy chương“ ảnh 1

 (ảnh: Soha)

Mọi thứ trở nên khác hẳn tại ASIAD 2018, tôi có cảm giác nước chủ nhà đã không phân bổ khoa học lịch thi đấu và mật độ thi đấu. Đặc biệt ở giai đoạn cuối, các cầu thủ chỉ có 1 ngày chuẩn bị cho trận đấu kế tiếp. 3 trận trong vòng 5 ngày đã vắt kiệt thể lực, cũng như ý chí của các cầu thủ. Cuối cùng, khi họ bước lên chấm Penalty tôi đã có linh cảm không lành.

Về mặt kỹ chiến thuật, ASIAD 2018 là giải đấu khắc nghiệt, giàu tính cạnh tranh và các đối thủ cũng biết tới Olympic Việt Nam nhiều hơn. Áp lực thành công đã khiến đội tuyển của chúng ta vuột mất chiếc huy chương đồng ASIAD 2018 và những vị trí được ca ngợi ở giải U23 Châu Á như Quang Hải, Xuân Trường, Văn Thanh… cũng không thể hiện được hết khả năng của mình.

Sự thất bại của Việt Nam từ trận đấu gặp Olympic Hàn Quốc xuất phát từ trung tuyến. Hàng tiền vệ vốn được đánh giá là tốt nhất ở Thường Châu đã trở thành tử huyệt chỉ vì sự vắng bóng của Hùng Dũng, không cầu thủ nào có thể đảm đương nhiệm vụ đánh chặn. Hệ quả là 3 bàn thua trước Hàn Quốc và bàn thua trong trận đấu với Olympic UAE.

PV: Anh đánh giá thế nào về màn thể hiện của đội tuyển giữa Vòng chung kết U23 Châu Á hồi tháng 1 và giải đấu lần này?

Giải đấu U23 ở Thường Châu, Trung Quốc là giải đấu rất mới của Châu Á và vừa sức hơn cho lứa cầu thủ của mình hơn. Giải ASIAD 2018 tập hợp rất nhiều đội tuyển mạnh của châu lục và không chỉ ở lứa cầu thủ U23.

Chiến thắng của chúng ta ở vòng đấu đầu tiên đã tạo nên những ảo tưởng, không phải cho các cầu thủ mà cho chính người hâm mộ. Olympic Việt Nam đã giành chiến thắng trước Olympic Pakistan và Nhật Bản bởi lứa cầu thủ họ mang tới là U21. Lực lượng của họ rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu. Trong khi lứa cầu thủ của chúng ta về mặt nòng cốt gần như đã là đội tuyển quốc gia rồi.

Tuy nhiên, các đối thủ mà đội tuyển phải chạm trán từ vòng loại trực tiếp ở đẳng cấp hoàn toàn khác. Chấn thương của Hùng Dũng đã làm đứt gãy tuyến giữa của đội tuyển. Khi chúng ta thắng Bahrain và Syria, một số chuyên gia đã nhận định Olympic Việt Nam sở hữu hàng thủ rất mạnh, chưa hề để thủng lưới một lần. Tuy nhiên, tôi cho rằng thành tích này đến từ nhiều yếu tố khác nhau. Thứ vô tình khiến chúng ta ảo tưởng về sức mạnh và nghĩ rằng có thể vượt qua Hàn Quốc.

5 trận đấu không để thủng lưới vì nhiều lý do khách quan. Bạn có thể thấy Olympic Syria và Bahrain đã tạo ra rất nhiều cơ hội nhưng những chân sút của họ có thể thiếu sự may mắn, non kinh nghiệm và bị tâm lý.

Trận đấu với Olympic Hàn Quốc khiến Olympic Việt Nam bộc lộ rất nhiều điểm yếu của đội tuyển. Người Hàn đã khai thác đúng điểm yếu còn tồn tại của chúng ta ở hàng tiền vệ giải quyết gọn gàng trận đấu. Theo cách nói của các chuyên gia bóng đá Ý, kết quả trận đấu trước Olympic UAE là “con đẻ” của trận thua trước Hàn Quốc.

Ngay sau giải ASIAD 2018, Việt Nam cần hướng tới giải đấu tiếp theo như AFF Cup và ASIAN Cup (tháng 1/2019). Chắc chắn là HLV Park sẽ tìm ra phương án để bổ sung hàng tiền vệ của tuyển Việt Nam.

(ảnh: Dân Việt)
 (ảnh: Dân Việt)

PV: Theo anh, tuyên bố của HLV Park Hang-seo trước trận đấu rằng Olympic Việt Nam có thể giải quyết trận đấu trong 90 phút liệu có vô tình tạo nên áp lực cho các cầu thủ không?

Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của HLV Park. Bạn có thể thấy cái cách mà Olympic UAE tiến tới vòng đấu này thì không có gì quá đặc biệt, họ toàn thắng nhờ Penalty và HLV Park có cơ sở để tuyên bố như vậy. Trên thực tế, Olympic Việt Nam đã tổ chức thế trận khá tốt và tạo được nhiều cơ hội rõ ràng.

Tuyên bố của ông Park không hề tạo ra áp lực mà chính sự thành công của đội tuyển tại giải U23 Châu Á đã vô tình tạo ra áp lực cho chính các cầu thủ từ trước khi bước vào ASIAD 2018.

Ở giải đầu tại Thường Châu, chúng ta không hề đặt nhiều kỳ vọng thì đội tuyển lại có thể tiến tới trận đấu cuối cùng. Nhưng tại giải đấu lần này, Olympic Việt Nam đã là một hiện tượng được kiểm chứng và trong mắt của người hâm mộ họ là một lứa cầu thủ vô cùng xuất sắc.

Trong trận đấu hôm nay, bàn thua trước Olympic UAE xuất phát từ sai lầm không đáng có của hàng tiền vệ, còn bàn gỡ của Văn Quyết cũng không hẳn mang dấu ấn chiến thuật mà là sự xuất sắc của Văn Toàn và sự phối hợp nhuần nhuyễn của các cá nhân.

PV: Xin chân thành cảm ơn anh!