Nguyễn Cơ Thạch với báo chí quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – "Ông Thạch nhiều “vở” lắm, nhưng quan trọng ông không bao giờ cho phóng viên về không mà không có thông tin để viết bài, viết tin”, ông Lương Văn Lý lý giải.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch với báo chí quốc tế. Ảnh Internet.
Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch với báo chí quốc tế. Ảnh Internet.

Trong cuộc hội thảo thứ ba trong Chương trình Hòa bình cho Đông Á của Đại học Upsalla (Na Uy), tổ chức vào 18.10.2013 tại Học viện Ngoại giao, tôi tình cờ gặp được nhà báo Thái Lan Kavi Chongkittavorn. Trước đó, trong một hội thảo ở Thành phố HCM, tôi đã gặp ông, nhưng không thể phỏng vấn được, vì một cô phóng viên Báo Đầu tư xinh đẹp cứ "bám chắc" lấy ông (vì mục tiêu báo chí thôi).

Kavi (viết thế này cho tiện) là phóng viên Báo Nation, một tờ báo khá nổi tiếng của Thái Lan, có mặt ở Hà Nội thuộc loại sớm nhất trong các báo nước ngoài. Chắc chỉ sau Hãng Thông tấn AFP và Hãng Sản xuất Chương trình Truyền hình Nhật Nihon Denpa News (NDN), có mặt ở Việt Nam từ thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành cuộc chiến chống lại những trận đánh bom của Không quân Mỹ ra miền Bắc Việt Nam.

Lần này, chỉ có một số phóng viên tại hội thảo, mà hình như họ chẳng quan tâm đến những nhân vật đáng quan tâm, nên tôi cứ thoải mái phỏng vấn. Ngoài Kavi, tôi còn phỏng vấn được sử gia Stein Tonnesson về tướng Giáp tại quán cà phê 10 Lý Thường Kiệt khi kết thúc hội thảo, sau khi đèo xe máy ông đến chỗ đó với chân thấp chân cao (tôi bị tai biến gần một năm trước).

Không ngờ, kết quả thu được lại hơn mức mong đợi rất nhiều, nhất là với Kavi. Kavi kể cho tôi hết những kỷ niệm của ông với các Thứ trưởng Ngoại giao thời đó, bao gồm Trần Quang Cơ, Lê Mai, và Vũ Khoan. Đặc biệt, kỷ niệm khó quên với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch.

Nhà báo quốc tế đầu tiên kể về kỷ niệm với Bộ trưởng Thạch

Nhà báo "Kavi" của The Nation. Ảnh Huỳnh Phan.

Nhà báo "Kavi" của The Nation. Ảnh Huỳnh Phan.

Kavi kể ông đã đi lập văn phòng thường trú tại Hà Nội năm 1988, sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cuối năm 1986 ở Thành phố HCM. Cùng thành lập tại Hà Nội với The Nation, còn có Kyodo, Reuters và Tạp chí Kinh tế Viễn đông (FEER), những cơ quan báo chí nước ngoài đầu tiên được thành lập văn phòng đại diện tại Hà Nội sau 30.4.1975.

Lúc Kavi sang Việt Nam cuối năm 1986, trở về ông bị cảnh sát Thái Lan gọi lên thẩm vấn. “Họ nghi tôi thân với Cộng sản nên mới được mời (Đại sứ Lê Mai mời) sang Việt Nam. Lúc đó, quan hệ Việt Nam – Thái Lan căng thẳng lắm”, Kavi kể.

“Lúc đó, khi sang Việt Nam làm thường trú, tôi viết rất nhiều về Việt Nam, bởi vì tôi là phóng viên đầu tiên của ASEAN ở Hà Nội, và thông tin về Việt Nam rất cần cho ASEAN để hiểu Hà Nội nhiều hơn”, Kavi kể tiếp.

“Thời đó, Báo Quân Đội Nhân Dân thường cho dịch những bài viết của tôi về Việt Nam. Và người thường xuyên cung cấp tin cho tôi lại là Bộ trưởng Thạch, và ông cũng là người là người mà tôi đưa tin nhiều nhất, trong số những lãnh đạo ngoại giao kể trên, bởi ông dính dáng nhiều đến vấn đề Campuchia, mối quan tâm rất lớn của Đông Nam Á lúc bấy giờ”, Kavi tiếp tục câu chuyện.

Tin “giật gân” nhất mà Kavi đưa chính là tin “Việt Nam sẽ gia nhập ASEAN” vào cuối năm 1986. “Chính Bộ trưởng Thạch cung cấp tin đó cho tôi ở lần gặp đầu tiên, và tôi tin ông hoàn toàn. Nhưng độc giả của báo tôi hầu như không tin, vì tôi đã đưa tin đó sớm hơn khi sự việc xảy ra tới gần 9 năm”, Kavi khoái trá cười.

“Câu nói thường lệ của Nguyễn Cơ Thạch mỗi khi gặp tôi: Kavi, tôi nói với anh nhiều chuyện cơ mật, nhưng anh chỉ được đưa tin, chứ không được trích dẫn tôi là nguồn tin đâu nhé. Nếu anh trích dẫn tôi, tôi nghe được, tôi sẽ nói là anh nói láo. Độc giả sẽ không tin anh nữa”, Kavi lại tiếp tục cơn khoái trá của mình.

Kết thúc câu chuyện kể của mình, Kavi tung ra một bí mật về Bộ trưởng Thạch: “Mỗi lần đến Bangkok, ông đều tìm mua thuốc nhuộm tóc của Nhật, bởi vì tóc ông lúc ấy bạc nhiều. Vì vậy, rời Bangkok trở về Việt Nam, tóc ông lại đen trở lại.”

Câu chuyện của người phiên dịch của ông Nguyễn Cơ Thạch trong các cuộc họp báo quốc tế

Ông Lương Văn Lý, nguyên Phó GĐ Sở Ngoại vụ TP HCM, hiện đang làm công ty luật tư nhân. Ảnh Huỳnh Phan

Ông Lương Văn Lý, nguyên Phó GĐ Sở Ngoại vụ TP HCM, hiện đang làm công ty luật tư nhân. Ảnh Huỳnh Phan

Nếu Kavi có những kỷ niệm về thông tin rất thú vị về ông Thạch, thì với ông Lương Văn Lý, chỉ là những kinh nghiệm về cách tiếp xúc báo chí nước ngoài của ông Bộ trưởng Thạch. Ông Lý, khi lần đầu tiếp xúc ông Thạch vào đầu năm 1980, mới chỉ là nhân viên Phòng Lễ tân – Báo chí, thuộc Sở Ngoại vụ TP HCM, trước khi lên Trưởng phòng Báo chí, khi phòng này tách ra làm đôi.

Ông Lý gặp ông Thạch với vai trò phiên dịch trong các cuộc họp báo quốc tế, hoặc phỏng vấn riêng với báo chí nước ngoài.

Trước khi diễn ra Lễ Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Cố Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (15.5.1921 – 15.5.2021), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh được yêu cầu viết bài cho Học viện Ngoại giao về người đã đưa bà về Bộ Ngoại giao năm 1980, Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Nhưng ngoài bài về ngoại giao đa phương là lĩnh vực bà nắm ở Bộ Ngoại giao khi làm Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế và suốt ngày đi tranh biện tại Liên Hợp Quốc, bà Ninh còn muốn viết một bài nữa về tài năng và trí tuệ của cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

Bà đã trao đổi cùng với ông Lương Văn Lý, một người từng học công pháp quốc tế ở Thụy Sỹ, và từng cùng phiên dịch với bà, khi lãnh đạo Việt Nam tiếp các nhà báo quốc tế, mùa đông năm 1980.

Ông Lý nói với bà Ninh: “Viết về tài năng và trí tuệ của cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch mà không nói đến mối quan hệ giữa ông Thạch và báo chí quốc tế, không nói đến kỹ năng làm chủ cuộc chơi của ông, khi được họ phỏng vấn, là thiếu đi một phần không nhỏ về tài năng và trí tuệ của ông.”

Ông Lý nói thêm: “Tôi không biết chị cảm nhận thế nào, chứ riêng tôi, đã phiên dịch cho rất nhiều lãnh đạo cấp cao, tôi chưa thấy có ai làm chủ hoàn toàn cuộc chơi với giới báo chí quốc tế, như ông Thạch.”

Ông Lý gặp ông Thạch lần đầu hồi ông Thạch mới đi từ Campuchia về, và bắt đầu tiến hành trả lời phỏng vấn báo chí quốc tế vào đầu năm 1980, khi ông Thạch lên làm Bộ trưởng Ngoại giao (1.1980). Sau lần đó, ở tất cả những lần họp báo quốc tế sau đó, ông Lý đều được ông Thạch gọi đích danh. Ngay cả những cuộc họp báo quan trọng ở Hà Nội, ông Lý cũng được gọi ra.

Hồi đó, những phóng viên được cử vào Việt Nam thường là cựu phóng viên chiến trường Việt Nam, hoặc Campuchia, hiểu rất rõ tình hình hai nước. Đa số họ tìm hiểu xem tình hình Campuchia thế nào, xu hướng Việt Nam có rút quân không, và khi nào.

Họ cũng quan tâm tới kinh tế Việt Nam sẽ phát triển thế nào. “Có thể họ chưa hiểu về chế độ mới, nhưng về bối cảnh xã hội, kinh tế và văn hóa, họ hiểu rất rõ. Vì vậy, trả lời họ rất khó”, ông Lý nêu những khó khăn khi trả lời báo chí nước ngoài.

Ông Lý kể tên những tên tuổi mà ông còn nhớ sau mấy chục năm như Barbara Crosssette của New York Times, Ron Moreau của Newsweek, Peter Arnett của CNN, Murray Hiebert của FEER, rồi Jean-Claude Pomonti, hay Neil Sheehan, hay David Halberstam…

Với tư cách người phiên dịch mặc nhiên cho Bộ trưởng Thạch, ông Lý thấy rất rõ ông Thạch đã làm chủ các cuộc họp báo, hay các cuộc phỏng vấn riêng thế nào.

“Lúc nào ông Thạch cũng tải được thông điệp ông muốn chuyển đến độc giả ngoài nước, cho dù phóng viên có đặt câu hỏi kiểu gì đi chăng nữa”, ông Lý nói.

“Còn những điều chưa muốn nói, hoặc không muốn nói, ông cũng không hề bị động vì câu hỏi của phóng viên. Ông Thạch không bao giờ dùng từ “no comment” thô thiển, mà ông thường trả lời bằng một câu đùa hóm hỉnh, và phóng viên vốn “sạn đời” hiểu rằng câu hỏi đó chưa đến thời điểm trả lời”, ông Lý tiếp tục.

Hoặc ông Thạch có thể “né” một câu hỏi bằng cách chuyển sang một vấn đề khác mà phóng viên cũng quan tâm, và hài lòng vì cách “né” của ông, vì họ vẫn có thông tin để viết bài. “Ông Thạch nhiều “vở” lắm, nhưng quan trọng ông không bao giờ cho phóng viên về không mà không có thông tin để viết bài, viết tin”, ông Lý lý giải.

Là người phiên dịch cho nhiều lãnh đạo cấp cao trong giai đoạn 1980-2000, ông Lý cho rằng không ai đạt được hiệu quả cao như ông Thạch khi tiếp xúc với phóng viên. “Tức là ông Thạch chủ động trong cách truyền thông tin Việt Nam cần đưa cho phóng viên, để họ đăng tải trên các phương tiện truyền thông của họ”, ông Lý nói tiếp.

Kinh nghiệm phiên dịch với Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch để lại cho ông Lương Văn Lý những bài học quí giá, để ông tiếp tục sử dụng với tư cách Trưởng phòng Báo chí, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ, hay Phó Giám đốc Sở Kế hoạch – Đầu tư TP HCM, khi tiếp xúc, hay trả lời báo chí, nhất là báo chí nước ngoài.

“Tôi hiểu rõ báo chí là rất quan trọng, và từ chối tiếp xúc báo chí là một sai lầm lớn. Nhưng mình phải tính tận dụng họ một cách hiệu quả nhất”, ông Lý nói điều đầu tiên ông học được ở Bộ trưởng Thạch.

“Thứ hai, không có quà cho không, họ đạt được hiệu quả về nghề nghiệp, mình cũng phải có thông điệp được chuyển cho độc giả”, ông Lý nói điều thứ hai ông học được từ ông Thạch.

“Điều thứ ba là, trước mỗi cuộc họp báo, hay trả lời phỏng vấn riêng, đều phải chuẩn bị nghiêm túc, theo quan điểm của đất nước, hay cơ quan mình đang làm việc, nhưng với cách thể hiện sinh động nhất”, ông Lý nói điều thứ ba ông học được.

Và ông Lý kết luận bằng điều cuối cùng: “Nói ‘No comment’ là một thất bại với người trả lời, và tôi cố gắng sử dụng sử cụm từ đó bằng khả năng nắm vững điều mình phải nói và nghệ thuật chuyển tải.”

Câu chuyện của người viết

Bản thân người viết đã được chứng kiến sự thành công của ông Lương Văn Lý cả ở Báo Nikkei, cả ở báo Việt như Sài Gòn Tiếp Thị, Nhịp Cầu Đầu Tư, hay Vietnamnet. Và sắp tới, có thể ở VietTimes, khi viết về cuộc đời ông vào dịp kỷ niệm Ngày Thành lập Bộ Ngoại giao.

Bản thân người viết có một kỷ niệm với cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch với báo chí nước ngoài, khi được cựu phóng viên chiến trường Mike Morrow kể lại dịp 30.4.2010, rằng ông là người phóng viên nước ngoài đầu tiên phỏng vấn được Bộ trưởng Thạch, khi ông mới nhậm chức đầu năm 1980.

Mike Morrow còn nhớ mãi thông điệp mà Bộ trưởng Thạch muốn chuyển cho độc giả Mỹ, trong đó có các nhà lãnh đạo Nhà Trắng, rằng “Việt Nam chấp nhận Mỹ tiếp tục giúp Trung Quốc phát triển về kinh tế, nhưng không quên tiếp tục giúp Việt Nam bằng cách bỏ cấm vận kinh tế”.

“Rất tiếc là Jimmy Carter và sau đó là Ronald Reagan không nghe được thông điệp của ông Thạch, vì câu chuyện Campuchia và ý đồ thâm hiểm của Trung Quốc. Việt Nam phải đợi tới 14 năm sau mới được gỡ bỏ cấm vận, và, hơn một năm sau nữa, mới được bình thường hóa quan hệ”, Mike Morrow kết luận, giọng man mác.