Nguy cơ chậm tiến độ cảng nước sâu Dung Quất

Cảng Dung Quất hiện tại chỉ đón được những tàu có tải trọng 100.000 DWT nên chưa khai thác hết tiềm năng vốn có của vùng biển nước sâu.
Cảng chuyên dụng của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (ẢNH: HIỂN CỪ)
Cảng chuyên dụng của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (ẢNH: HIỂN CỪ)

Ngày 7.11, ông Lê Viết Chữ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi có công văn hỏa tốc gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường về việc xem xét cấp phép nhận chìm vật liệu nạo vét dư thừa (bùn, cát nhiễm mặn) của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát.

Bế tắc đầu ra cho bùn, cát nhiễm mặn

Theo chuyên gia Tô Văn Trường, để xử lý việc này tận gốc, Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần khẩn trương ban hành quy hoạch vùng bờ biển, trong đó nêu rõ các khu vực được quy hoạch để nhận chìm mà không gây ảnh hưởng tới các vùng bảo tồn. Ban hành các quy chuẩn tiêu chuẩn về việc nạo vét và nhận chìm vật chất nạo vét, đảm bảo việc theo dõi giám sát nạo vét và nhận chìm có sự tham gia của các cộng đồng dân cư và các tổ chức bảo tồn liên quan...
Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Văn bản số 152/TTg-CN ngày 25.1.2017, tổng diện tích là 366,4 ha, trong đó đất xây dựng nhà máy là 339,5 ha và đất xây dựng cảng chuyên dùng là 26,9 ha; công suất thiết kế 4 triệu tấn/năm; công suất của cảng cho tàu có trọng tải đến 200.000 DWT. Dự án có ý nghĩa rất quan trọng giúp tỉnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho khoảng hơn 8.000 lao động, tăng nguồn thu ngân sách địa phương khoảng 4.500 - 5.000 tỉ đồng/năm. “Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là xử lý khối lượng bùn, cát nhiễm mặn khi thực hiện việc nạo vét luồng, vùng quay tàu của cảng Hòa Phát Dung Quất”, ông Chữ nêu thực trạng.

Cảng Dung Quất hiện tại chỉ đón được những tàu có tải trọng 100.000 DWT nên chưa khai thác hết tiềm năng vốn có của vùng biển nước sâu. Công ty Hòa Phát Dung Quất quyết định điều chỉnh nâng công suất cảng chuyên dụng từ 150.000 DWT lên 200.000 DWT và được Bộ GTVT chấp thuận. Sau khi được nạo vét, cảng Hòa Phát Dung Quất sẽ là một trong hai cảng nước sâu lớn nhất VN có khả năng đón tàu trọng tải 200.000 DWT.

Việc nâng công suất cảng đã làm tăng khối lượng nạo vét lên đến khoảng 19 triệu m3. Chủ đầu tư dự án đã tính đến các phương án xử lý vật liệu nạo vét, tuy nhiên những phương án này gặp nhiều khó khăn về mặt khách quan. Cụ thể phương án sử dụng vật chất nạo vét dư thừa để san lấp mặt bằng cho các dự án ở trong nước hoặc tích trữ trên đất liền. Thế nhưng ngoài khối lượng khoảng 3,5 triệu m3 chủ đầu tư tự sử dụng san lấp dự án của mình, phần còn lại các dự án khác không mua với nhiều lý do khác nhau. Xuất khẩu được cho là phương án thuận lợi và hiệu quả nhất về mặt kinh tế, môi trường nhưng hiện nay Chính phủ đang yêu cầu tạm dừng xuất khẩu mọi loại cát nên không xuất được.

Bán không ai mua, xuất khẩu không được, công tác nạo vét đang phải dừng lại do bế tắc đầu ra của chất thải nạo vét khiến dự án cảng nước sâu Dung Quất đứng trước nguy cơ chậm tiến độ.

Đánh đồng nhận chìm với đổ trộm chất thải

Trước tình hình đó, Công ty cổ phần Hòa Phát Dung Quất đề xuất vị trí nhận chìm ở phía ngoài khơi vịnh Dung Quất, cách đảo Lý Sơn 28,3 km về phía đông, cách vùng trút chất nổ của hải quân khoảng 800 m tính từ điểm gần nhất và cách khu vực nạo vét luồng tàu khoảng 6.875 m, cách Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản tiềm năng vùng biển ven bờ vịnh Dung Quất - Quảng Nam 10 km. Diện tích khu vực nhận chìm khoảng 1,8 km2 có độ sâu từ -51 đến -55 m, độ dốc khoảng 2%.

Theo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi, chủ đầu tư đã khẩn trương hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có bổ sung hạng mục nhận chìm vật chất nạo vét có thành phần chủ yếu là cát nhiễm mặn (chiếm 86,4%, cát mịn pha màu xám nâu lẫn vỏ sò và bùn sát pha (13,6%); khối lượng nhận chìm khoảng 15 triệu m3) theo quy định của pháp luật.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại Thông báo số 155 (ngày 8.10.2018): Giao Bộ TN-MT, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Quảng Ngãi quyết định giao khu vực biển thích hợp để cấp phép nhận chìm vật liệu nạo vét dư thừa. Ngày 26.10, Bộ TN-MT chủ trì tổ chức cuộc họp tại UBND tỉnh Quảng Ngãi lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan. Cuộc họp đã thống nhất đề nghị Bộ TN-MT cho phép nhận chìm vật chất nạo vét ở biển của dự án. Bên cạnh đó, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng có văn bản thống nhất nội dung nhận chìm vật chất nạo vét của dự án. Thế nhưng mọi việc vẫn dừng ở đó.

Theo chuyên gia TS Tô Văn Trường, các công ước và thông lệ quốc tế đều có quy định rõ ràng và chi tiết về việc nạo vét và nhận chìm vật chất nạo vét. Tuy nhiên ở VN dường như đang có sự đánh đồng việc nạo vét và nhận chìm đặc thù này với các hoạt động “đổ trộm chất thải”, “xả chất thải (độc hại) ra biển” hoặc “hút trộm cát”, dẫn tới việc phản đối quyết liệt để ngăn cấm nhận chìm vật chất nạo vét. Không cho nhận chìm đồng nghĩa với việc phải đổ lên bờ, nghĩa là có rủi ro lớn về môi trường, như gây nhiễm mặn vùng đất và nguồn nước. Cho nên phải so sánh phương án đổ ngoài khơi hay trong bờ tùy theo địa hình và yêu cầu thực tế của từng khu vực.

Theo Thanh Niên

Link gốc: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/nguy-co-cham-tien-do-cang-nuoc-sau-dung-quat-1021959.html