Người tiêu dùng Trung Quốc mạnh tay chi tiêu, phát tín hiệu vững chắc cho sự phục hồi kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chi tiêu cho các dịch vụ nhà hàng, du lịch và rạp chiếu phim ở Trung Quốc đã tăng mạnh trong tháng 2.
Hoạt động chi tiêu tiêu dùng của người dân Trung Quốc tăng trưởng ấn tượng trong tháng 2/2023 (Ảnh: SCMP)
Hoạt động chi tiêu tiêu dùng của người dân Trung Quốc tăng trưởng ấn tượng trong tháng 2/2023 (Ảnh: SCMP)

Chi tiêu tiêu dùng ở Trung Quốc đã phục hồi nhanh chóng trong những tuần gần đây, đặc biệt là du lịch và nhà hàng, tạo cú hích mới cho đà phục hồi của nền kinh tế vốn phụ thuộc vào nhu cầu nội địa.

Những chỉ số về chi tiêu ở một số khu vực của nền kinh tế Trung Quốc đã cho thấy mức tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các công ty du lịch và bán lẻ hàng đầu của nước này cũng báo cáo mức tăng doanh số ấn tượng tính từ đầu năm đến nay.

Người tiêu dùng Trung Quốc hiện đang gây được sự quan tâm đặc biệt, sau khi giới chức nước này đánh tín hiệu rằng họ sẽ tránh đưa ra các gói kích thích lớn thông qua đầu tư vào cơ sở hạ tầng hay thị trường bất động sản – có nghĩa rằng chi tiêu hộ gia đình sẽ trở thành động lực thúc đẩy nhu cầu chủ yếu trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Doanh thu tại các nhà hàng tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 2 (Anh: BigOne Lab)

Doanh thu tại các nhà hàng tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 2 (Anh: BigOne Lab)

Đà phục hồi tiêu dùng cũng sẽ giúp bù lấp thiếu hụt trong xuất khẩu, khi mà đà tăng trưởng kinh tế trong một số thị trường chủ chốt của Trung Quốc đang suy yếu. Sau 3 năm áp dụng các biện pháp phong toả để phòng dịch COVID-19, các chuyên gia kinh tế đang kỳ vọng rằng người tiêu dùng sẽ là nhân tố nâng đà tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc lên trên 5% trong năm nay.

Dữ liệu mới cho thấy hoạt động đi ăn nhà hàng của người dân Trung Quốc đã tăng mạnh, đặc biệt ở những thành phố lớn như Bắc Kinh. Theo dữ liệu được BigOne Lab công bố, doanh thu trung bình trong 30 ngày của nhà hàng ở các thành phố lớn đã tăng 24% trong tháng 2, so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chỉ số về di chuyển của người dân – như chỉ số mật độ trên các tuyến đường và trạm xe điện ngầm – cũng cho thấy đà tăng trưởng mạnh mẽ trong những tuần gần đây. Một chỉ số đo mật độ giao thông ở 15 thành phố lớn nhất Trung Quốc, được BloombergNEF công bố, đã đạt mức cao nhất trong vòng hơn một năm trong tháng 2 vừa qua.

Hoạt động di chuyển nội đô nhộn nhịp trở lại (Ảnh: BloombergNEF)

Hoạt động di chuyển nội đô nhộn nhịp trở lại (Ảnh: BloombergNEF)

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra hết sức thận trọng về viễn cảnh nền kinh tế do quan ngại về việc thiếu đi gói kích thích kinh tế từ chính phủ. Chính quyền Bắc Kinh hiện đang muốn tránh đưa ra các gói kích thích mà trong đó trao tiền mặt trực tiếp cho người tiêu dùng – như được áp dụng ở một số quốc gia khác – thay vào đó kỳ vọng rằng đà phục hồi trong hoạt động tuyển mộ lao động sẽ giúp cho các hộ gia đình đẩy mạnh chi tiêu.

Hãng bán lẻ trực tuyến JD.com đã cảnh báo về đà phục hồi chậm chạp. Trong khi hoạt động tiêu dùng liên quan tới quan hệ xã hội, như nhà hàng và du lịch, đang phục hồi nhanh chóng, thì hoạt động tuyển mộ lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ “sẽ mất thêm đôi chút thời gian” để chờ sự phục hồi niềm tin của người tiêu dùng, CEO Xu Lei của JD.com đưa ra nhận định.

Doanh số bán lẻ tăng trở lại

Sau khi suy giảm liên tiếp trong quý cuối cùng của năm 2022, doanh số bán lẻ trong 2 tháng đầu năm 2023 được dự báo tăng trưởng khoảng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, theo nghiên cứu của Bloomberg.

Dữ liệu này có thể không phản ánh đúng hoạt động chi tiêu tiêu dùng trong thời gian qua ở Trung Quốc bởi nó bao gồm cả dữ liệu của tháng 1, thời điểm mà nước này vẫn đang chịu ảnh hưởng của một làn sóng dịch COVID-19 trước khi chính phủ gỡ bỏ chính sách zero-COVID. Một chỉ số đo niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc trong tháng 2 vừa qua, được Morning Consult – một hãng tư vấn của Mỹ - công bố cho thấy mức tăng cao nhất trong vòng 9 tháng qua.

Doanh số bán xe hơi ở Trung Quốc phục hồi trong tháng 2 (Ảnh: Bloomberg)

Doanh số bán xe hơi ở Trung Quốc phục hồi trong tháng 2 (Ảnh: Bloomberg)

“Tháng 2 trông có vẻ tốt hơn rất nhiều so với tháng 1,” đặc biệt là doanh số bán xe hơi, theo Larry Hu, trưởng kinh tế gia Trung Quốc đến từ Macquire Group Ltd.

Doanh số bán xe hơi ở Trung Quốc, một thành phần quan trọng của doanh số bán lẻ, đã tăng trưởng 10,4% trong tháng 2, so với cùng kỳ năm ngoái, theo Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc. Thị trường xe hơi được dự báo sẽ trải qua “một giai đoạn tăng trưởng bền vững”, theo Tổng thư ký của hiệp hội, ông Cui Dongshu.

Hoạt động du lịch nội địa ở Trung Quốc cũng bắt đầu phục hồi nhanh chóng, với số lượng các chuyến bay nội địa trong tháng 2 tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2022, theo dữ liệu của VariFlight Technology Co.

Số lượng các chuyến du lịch ngắn ngày ở Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi so với giai đoạn tiền đại dịch, theo Jane Sun, giám đốc điều hành công ty du lịch trực tuyến Trip.com.

Một số chuỗi bán lẻ cũng bắt đầu báo cáo về doanh số tăng. Hãng bán lẻ Miniso Group Holding Ltd. Ngày 28/2 cho hay doanh số bán của họ tại các cửa hàng đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, tính đến thời điểm này của quý.

Doanh thu phòng vé ở Trung Quốc tăng trở lại (Ảnh: Maoyan Entertainment)

Doanh thu phòng vé ở Trung Quốc tăng trở lại (Ảnh: Maoyan Entertainment)

Người tiêu dùng Trung Quốc cũng bắt đầu đổ tới các rạp chiếu phim. Tổng doanh thu của các phòng vé trong 9 tuần đầu tiên của năm 2023 đã tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2022, đạt hơn 14 tỉ NDT (2 tỉ USD), theo dữ liệu của Maoyan Entertainment.

Mặc dù lạm phát giá tiêu dùng của Trung Quốc đã giảm tới mức thấp là 1% trong tháng 2, nhưng điều đó không có nghĩa rằng đà phục hồi tiêu dùng đã giảm, theo các chuyên gia kinh tế đến từ Citigroup Inc. “Mức tăng giá thuê nhà và dữ liệu vững chắc về di chuyển trong nước dường như cho thấy rằng đà phục hồi đang dần hình thành,” họ nói.

Theo Bloomberg