Người tiêu dùng Mỹ thận trọng trước nỗi lo suy thoái

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Người tiêu dùng Mỹ đã bắt đầu chi tiêu với tâm lý thận trọng dù suy thoái vẫn chưa tới.
Người tiêu dùng Mỹ đang có xu hướng cắt giảm chi tiêu như trong thời kỳ suy thoái (Ảnh: Reuters)
Người tiêu dùng Mỹ đang có xu hướng cắt giảm chi tiêu như trong thời kỳ suy thoái (Ảnh: Reuters)

Người tiêu dùng Mỹ được cho là ngày càng cân nhắc hơn với từng đồng chi tiêu. Đa số họ đều có việc làm, có khoản tiền tiết kiệm, và được hưởng lợi từ việc tăng lương. Song, bị 'vắt kiệt' bởi lạm phát và lãi suất cao, họ ngày càng có xu hướng hạn chế chi tiêu hơn.

Niềm tin của người tiêu dùng đang có nhiều tín hiệu suy giảm, theo Chỉ số Niềm tin Tiêu dùng của Ủy ban Hội nghị thường niên các nhà doanh nghiệp (The Conference Board).

Chỉ số này đã giảm 2 tháng liên tiếp cùng với kỳ vọng thấp trong 6 tháng tới. Quan điểm của người tiêu dùng về tình hình kinh doanh và việc làm hiện tại đang trở nên tiêu cực hơn.

Đây là điều đáng chú ý, bởi phần lớn người tiêu dùng đều bắt đầu năm 2022 với tâm lý lạc quan do thị trường lao động khỏe mạnh và lương cơ bản tăng cao.

Nhưng sự biến động của thị trường chứng khoán, tình trạng sa thải nhân viên hàng loạt trong giới công nghệ và lạm phát đã khiến tâm lý thất vọng lan tràn. Nền kinh tế gặp khó khăn và giá chứng khoán giảm là tin tức không tích cực đối với hoạt động kinh doanh và việc làm.

Trong khi đó, chỉ số kỳ vọng mà nghiên cứu đưa ra tiếp tục cho thấy tín hiệu về một cuộc suy thoái sắp xảy đến. Chỉ số ở mức dưới 80 cho thấy người tiêu dùng dự đoán trước về một cuộc suy thoái diễn ra trong vòng nửa năm tới, và tình trạng đó sẽ tiếp tục kéo dài trong khoảng 9 tháng liên tiếp. Bởi vậy, chỉ số này – thường là chính xác – chỉ ra một cuộc suy thoái bắt đầu ngay ở hiện tại hoặc trong đầu năm 2023.

Tâm lý thất vọng này đã phản ánh lại quan điểm tiêu cực về những điều kiện kinh doanh và việc làm trong tương lai, và cả về vấn đề tài chính cá nhân của người tiêu dùng Mỹ.

Chỉ số niềm tin người tiêu dùng cho thấy kỳ vọng về lạm phát (ở mức 7,2% trong tháng 11 vừa qua) vẫn cao hơn mức trung bình của năm 2009 là 4,6%. Mức kỳ vọng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của người dân trong vấn đề chi tiêu và tài chính cá nhân.

Cùng lúc, kế hoạch chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ trước kỳ nghỉ lễ cũng bị cắt giảm.

Nghiên cứu thường niên của Conference Board về chi tiêu dịp nghỉ lễ cho thấy các hộ gia đình Mỹ dự định chi ít tiền hơn cho quà tặng và các vật dụng không phải quà tặng như thực phẩm, nguyên nhân là do lạm phát.

Nhiều người tiêu dùng cho hay họ sẽ mua ít đồ trên mạng hơn, quay trở lại với các siêu thị để mua sắm, điều này có thể tạo nên mức tăng đột biến trong lĩnh vực dịch vụ cá nhân. Nhưng nhìn về phía trước, nhu cầu mua các loại hàng hóa như xe hơi, đồ nội thất và đồ gia dụng nhà sẽ suy giảm.

Người tiêu dùng Mỹ cũng không dám chi tiền mua nhà, do lãi suất vay thế chấp tăng mạnh và giá nhà vẫn ở mức cao hơn so với giai đoạn tiền đại dịch.

Điều này buộc nhiều người – đặc biệt là người trẻ và những người mua nhà lần đầu – trở lại với thị trường nhà cho thuê, gây khó khăn cho nỗ lực kiềm chế chi phí nhà ở đang tăng cao.

Hạ nhiệt thị trường nhà ở là điều cần thiết để bình ổn nhu cầu trong nước và kiềm chế lạm phát.

Giảm bớt dự án xây nhà ở mới và giao dịch mua bán nhà ở hiện hữu sẽ trực tiếp làm giảm đà tăng trưởng GDP. Hơn nữa, giá nhà thấp hơn sẽ làm giảm tài sản, ảnh hưởng tới tăng trưởng tiêu dùng.

Khi các khoản chi tiêu như vậy giảm, các doanh nghiệp sẽ phải giảm giá, từ đó tạo điều kiện cho Fed đạt được các mục tiêu giảm lạm phát.

Nhiều hộ gia đình Mỹ có kế hoạch cắt giảm chi tiêu trong mùa nghỉ lễ (Ảnh: AP)

Nhiều hộ gia đình Mỹ có kế hoạch cắt giảm chi tiêu trong mùa nghỉ lễ (Ảnh: AP)

'Viên thuốc đắng' của Fed

Nhiều người trẻ tuổi ở Mỹ lần đầu tiên trải qua tình trạng lạm phát cao, trong khi những người lớn tuổi vẫn nhớ rõ những thời kỳ lạm phát đầy khó khăn.

Tâm lý suy thoái ảnh hưởng tiêu cực nhất tới những hộ gia đình có thu nhập dưới 50.000 USD/năm – vốn là nhóm nhạy cảm nhất đối với các đợt tăng giá và khó có khả năng chịu đựng được những cú sốc về thu nhập, như mất việc làm.

Cảm nhận thấy một cuộc suy thoái, người tiêu dùng cũng hành động tương xứng, và xu hướng này sẽ càng khiến cho tình hình tồi tệ hơn. Có thể thấy rõ điều này trong dữ liệu về nhà ở: Chi tiêu cho nhà ở đã giảm hơn 16% trong 3 quý đầu năm 2022. Doanh số bán nhà đã giảm từ 6,49 triệu đơn vị trong tháng 1 xuống còn 4,43 triệu trong tháng 10.

Trong khi đó, các hoạt động chi tiêu khác của người tiêu dùng, ngoài nhà ở, cũng suy giảm. Nhu cầu đối với các loại hàng hóa khác đã giảm, khi nhiều hộ gia đình Mỹ dành chi tiêu cho các dịch vụ cá nhân. Giá cả các mặt hàng thiết yếu (như thực phẩm, năng lượng và nhà ở) gia tăng, chi phí tài chính tăng, và doanh số bán nhà thấp hơn cũng làm giảm nhu cầu mua các loại hàng hóa lâu bền của người dân Mỹ.

Chi tiêu thực tế cho dịch vụ cũng trở lại xu hướng tiền đại dịch, nhưng còn tùy vào từng danh mục và tình hình tài chính trong tương lai. Người tiêu dùng hiện có xu hướng chi tiêu nhiều hơn vào những trải nghiệm chọn lọc, như đi nhà hàng và du lịch.

Tuy nhiên, chi tiêu vào các hình thức nghỉ ngơi, giải trí khác (như thể thao, xem phim và thăm viện bảo tàng…), các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc cá nhân và thuê xe vẫn chưa thể trở lại mức độ tiền đại dịch. Một số dịch vụ trong số này có sự thay thế rẻ hơn, ví dụ như dịch vụ streaming hay giao thông công cộng.

Giới chức Fed từng cảnh báo rằng kiềm chế lạm phát sẽ gây ra những đau đớn trong ngắn hạn. Lạm phát cao làm suy giảm thu nhập của tất cả các hộ gia đình và có thể trở thành nỗi ám ảnh trong tâm lý của người tiêu dùng, gây ra những thách thức lớn hơn cho nền kinh tế.

Giảm nhu cầu của người tiêu dùng chính là một phần trong kế hoạch kiềm chế lạm phát của Fed, nhưng nó sẽ là "viên thuốc đắng" mà các hộ gia đình Mỹ rất khó nuốt trôi./.

Theo Barron's