Người Pháp tái hiện “Kim Vân Kiều” nhiều màu sắc

VietTimes – Vở nhạc kịch “Kim Vân Kiều” bằng tiếng Pháp (phụ đề tiếng Việt) được người xem cả hai đêm diễn 20 và 21/9 xếp hàng dài để mua vé. Cả hai đêm diễn tại TP.HCM, khán phòng không còn một chỗ trống.
Phân cảnh nàng Kiều nhớ Từ Hải ra trận
Phân cảnh nàng Kiều nhớ Từ Hải ra trận

Vở nhạc kịch “Kim Vân Kiều” hát bằng tiếng Pháp, với sự tham gia của các nghệ sĩ opera và nghệ sĩ biểu diễn thuộc Nhà hát L’Attrape Theấtre (Paris - Pháp), dưới sự chỉ đạo của đạo diễn tài năng Christophe Thiry.

Đây là lần đầu tiên “Kim Vân Kiều” được đưa lên sân khấu nhạc kịch, chuyển thể và soạn kịch bản bằng tiếng Pháp từ những nghiên cứu, phân tích nhiều bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Khắc Viện. Tác phẩm đã ra mắt thành công tại Paris với 5 đêm diễn vào tháng 6/2017 và được khán, thính giả Việt-Pháp tại Paris, nhất là giới chuyên môn đánh giá cao.

Thật khó tin đạo diễn Christophe Thiry đã có thể gói gọn “Kim Vân Kiều” trong một vở nhạc kịch súc tích 90 phút đồng hồ, với các lớp lang được trình bày sắc nét và rõ ràng, làm nổi bật bi kịch cuộc đời Kiều cũng như sự cứu rỗi cho số phận nàng.

Bố cục tác phẩm tập trung vào ba giai đoạn tình yêu của Kiều: với Kim - tình yêu đầu tiên lỡ làng, Thúc Sinh - người đàn ông đã có gia đình và Từ Hải - người đã yêu nàng và đã chết vì nàng.

Thúy Kiều và Thúy Vân
Thúy Kiều ((Sarah Bloch) và Thúy Vân (Odile Heimburger - diễn viên đồng thời đóng vai Đạm Tiên)

Vị đạo diễn đã sắp đặt rất khéo ở những chi tiết nhỏ, trong những bài hát và âm nhạc hòa quyện, khi thì thầm tiếc nuối, khi than vãn thảm thương, khi cất lên hy vọng. Christophe Thiry đã thể hiện sự tinh tế và thấu hiểu sâu sắc tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam.

Ở buổi ban đầu, tình yêu của Kiều và chàng Kim chỉ như cơn gió thoảng, bởi chàng quá yếu đuối và phụ thuộc vào gia đình, không thể theo sát người con gái mà mình yêu. Khi tai họa ập đến với nàng, chàng không hề hay biết, bởi vậy, tình yêu của chàng cũng chẳng thể làm gì cho nàng và cứu vớt nàng khỏi số phận trớ trêu.

Ở giai đoạn thứ hai, giữa cơn bi kịch lầu xanh, tình yêu của Kiều và Thúc Sinh hiện lên đẹp như một bài thơ và được mô tả đầy thuần khiết. Cảnh Thúc Sinh gặp Kiều thậm chí còn đẹp hơn cảnh Kiều gặp Kim, hay nên thơ hơn cảnh Kiều gặp chàng dũng sĩ Từ Hải rất nhiều lần. Thúc Sinh đã quỳ xuống dưới chân Kiều ngay lần đầu gặp mặt, như hình ảnh kinh điển của nam giới phương Tây khi dành sự ngưỡng mộ cho người phụ nữ của mình. 

Chàng chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh của Tú Bà. Khi ở bên nhau, họ cùng sáng tác thơ, nhạc, hát những bài ca dịu dàng. Tình yêu của chàng là tình yêu của người đàn ông trưởng thành, biết nâng niu, trân trọng. 

Bài hát của Thúc Sinh và Kiều cũng có thể coi là bài hát đẹp nhất vở diễn. Âm nhạc đã vang lên như một lời cầu nguyện bình yên giữa bão tố cuộc đời Kiều. Đó cũng là khoảnh khắc đầu tiên mà những tràng pháo tay giòn giã của khán giả vang lên một cách bất ngờ cho dàn diễn viên.

Phân cảnh nàng Kiều gặp Kim Trọng
Phân cảnh nàng Kiều gặp Kim Trọng

Tính thơ trong cách dàn dựng và sự lãng mạn của người Pháp được thể hiện rất rõ trong cách đạo diễn tập trung vào sự mềm mại của bối cảnh Kiều gặp Thúc Sinh. Đây có thể xem là phân cảnh đáng nhớ nhất của vở.

Nhưng Thúc Sinh một mặt nào đó cũng là một người đàn ông phản bội vợ, nên Kiều không thể yên ổn nơi chàng. Đó không phải là một mối tình đáng tiếc với Kiều. Khiến Kiều day dứt nhất chính là mối tình với Từ Hải, người đã giã từ vũ khí và sức mạnh - thứ đã mang lại cho chàng vinh quang và giúp Kiều rửa nhục, và chàng đã hy sinh.

Tình yêu với Từ Hải để lại sự hối hận cho Kiều, dẫn nàng đến bước quyên sinh. Từ Hải, có lẽ chàng đã sống trọn vẹn với cuộc đời mình, tình yêu và niềm đam mê tự do chinh phạt; nhưng cái chết của chàng đã ám ảnh Kiều bởi chính nàng đã đẩy chàng vào chỗ chết, dù chàng là người đàn ông duy nhất đã mang lại vinh quang và danh dự cho nàng.

Bởi Kiều giờ đây không còn là Kiều trước khi tai họa của gia đình nàng ập đến. Kiều khi gặp Từ Hải đã là một người đàn bà bị ám ảnh bởi quá khứ, đã thua những cám dỗ vật chất và tin theo sự an toàn giả tạo.

Ở những cảnh cuối cùng của vở khi Kiều được cứu và gặp Kim, một lần nữa ta lại thấy được Kim yếu đuối thật sự, thể hiện qua bài hát của chàng, rằng ở chàng chỉ là nỗi tiếc nuối không thể làm gì được cho Kiều.

Một lần nữa, cái tài của đạo diễn Christophe Thiry lại được bộc lộ ở đây, trong cách ông đã kỹ lưỡng chọn những ca khúc phù hợp nhất với tính cách nhân vật và bối cảnh câu chuyện, bóc tách được phân lớp tâm lý sâu kín của nhân vật.

Khán giả xếp hàng dài tại Idecaf (Thành phố Hồ Chí Minh)
Khán giả xếp hàng dài tại Idecaf (Thành phố Hồ Chí Minh) vào xem vở diễn 

Sau hai buổi biểu diễn tại thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 20 & 21/9, “Kim Vân Kiều” sẽ được đoàn nghệ sĩ mang ra Hà Nội trình diễn tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace vào ngày 25/9.