Chưa cần đề cập đến những mặt trái trong phương pháp mà chính phủ Trung Quốc sử dụng để đạt được mức tăng trưởng khá cao đó, nhưng chỉ sau khi các con số báo cáo khả quan về tăng trưởng quý I đưa ra được đúng một tuần, Trung Quốc lại đang phải đối mặt với một nguy cơ khác: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) họp bàn khả năng nâng lãi suất đồng USD trong 2 ngày 26 và 27.4.
Nếu kịch bản đồng USD tăng giá xảy ra, đó là sẽ là một vấn đề lớn với kinh tế Trung Quốc vốn vừa mới tạm hồi phục. Nó có thể kéo kinh tế Trung Quốc vào tình trạng trì trệ một lần nữa.
Điều hài hước ở đây là một trong những lý do khiến Fed chưa nâng lãi suất trong 3 tháng đầu năm 2016 như đã lên kế hoạch từ cuối năm 2015 là nền kinh tế Trung Quốc rơi vào trì trệ và chưa hồi phục. Nhưng giờ đây, chính sự hồi phục khá mạnh của kinh tế Trung Quốc trong quý I/2016 lại đang trở thành nguyên nhân có thể khiến Fed thay đổi quyết định của mình.
Sở dĩ chủ tịch Fed là Janet Yellen đã cố gắng trì hoãn việc tăng lãi suất đồng USD trong cuộc họp hồi cuối tháng 2 vừa qua là vì mối liên hệ giữa kinh tế Trung Quốc và kinh tế Mỹ. Sự hỗn loạn và sụt giảm không phanh của thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc trong những ngày đầu năm mới 2016 khi chỉ số S&P 500 giảm tới hơn 20%, đã tạo ra tác động lan truyền tới TTCK Mỹ khi chỉ số Dow Jones cũng sụt giảm mạnh khiến nền kinh tế Mỹ cũng bị một phen hoảng hốt.
Sự tác động lan truyền giữa TTCK Trung Quốc với TTCK Mỹ trong sự kiện đó đã cho thấy kinh tế Trung Quốc và Mỹ ở thời điểm hiện tại có những mối liên hệ khá mật thiết, chỉ cần một bên gặp trục trặc thì bên kia cũng có vấn đề. Đó là lý do khiến Janet Yellen trì hoãn việc tăng lãi suất, do lo ngại sự tăng giá của đồng USD vào thời điểm đó có thể đẩy kinh tế Trung Quốc vào một sự giảm tốc nhanh hơn, qua đó gián tiếp tác động tới nền kinh tế Mỹ, bất kể những áp lực từ phía các quan chức khác của Fed đang lo ngại về việc tín dụng và lạm phát trong nền kinh tế Mỹ đang có xu hướng gia tăng khá mạnh.
Sự cố gắng trì hoãn của bà Yellen là một trong những nguyên nhân hàng đầu giúp Trung Quốc ổn định lại nền kinh tế trong quý I đầu năm nay, do tỷ giá USD/nhân dân tệ tương đối ổn định.
Tuy nhiên, xu hướng duy trì lãi suất tương đối thấp của bà Janet Yellen đang đứng trước tình huống không thể tiếp tục tái diễn. Cả nền kinh tế Mỹ lẫn kinh tế Trung Quốc đều đang hồi phục khá mạnh và tạo ra sức ép kép buộc Fed phải tính đến việc tăng lãi suất đồng USD lần đầu tiên trong năm 2016.
Hiện kinh tế Mỹ đã tương đối ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong vòng 8 năm gần nhất với tốc độ tăng trưởng khá cao là trên 2%, giá tiêu dùng đã tăng và nguy cơ lạm phát cao đang quay trở lại. Phe Diều Hâu trong số các quan chức cấp cao của Fed đang tạo áp lực tăng lãi suất để ổn định kinh tế Mỹ tránh rơi vào tình trạng tăng trưởng quá nóng. Một lý do ủng hộ cho phe Diều Hâu trong Fed là nền kinh tế Trung Quốc đã hồi phục với mức tăng trưởng trung bình trong quý I khá cao là 6,7%, đồng nghĩa với việc Fed không cần duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ Trung Quốc do lo ngại sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến kinh tế Mỹ nữa.
Dù khá nhiều chuyên gia kinh tế, điển hình là nhà kinh tế trưởng Aneta Markowska tại Societe Generale, cho rằng Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 26-27.4 tới nhưng sẽ đặt nền móng cần thiết cho việc tăng lãi suất sẽ diễn ra vào tháng 6 tới.
Bản thân chủ tịch Fed cũng đang đứng về phe Bồ Câu, trong đó chủ trương tiếp tục duy trì lãi suất hiện nay và cần quan sát thêm trước khi quyết định. Tuy nhiên, áp lực với bà Yellen đang lớn hơn bao giờ hết, không chỉ đến từ phe Diều Hâu trong Fed đang muốn nâng lãi suất để ổn định nền kinh tế Mỹ, mà còn đến từ cuộc tranh cử tổng thống Mỹ hiện nay. Hầu hết các ứng cử viên đang dẫu đầu như Trump, Sanders hay Clinton đều có xu hướng chỉ trích Fed khá mạnh và muốn giảm bớt quyền tự quyết định của chủ tịch Fed.
Vì thế, cán cân đang có vẻ như nghiêng về phương án Fed có thể sẽ tăng lãi suất ngay trong cuộc họp ngày 26-27 tháng này. Nếu kịch bản này xảy ra sẽ là một tin sét đánh với nền kinh tế Trung Quốc. Vì đồng USD tăng giá sẽ khiến cho những khoản nợ ngắn hạn mà các doanh nghiệp Trung Quốc phải thanh toán trong năm nay sẽ tăng lên đáng kể, qua đó tạo thêm sức ép vào hệ thống tài chính của Trung Quốc vốn cũng đang oằn mình do chính sách tăng cường cho vay để kích thích tăng trưởng kinh tế của chính phủ nước này trong quý I đầu năm.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến con số tăng trưởng trung bình khá cao 6,7% trong 3 tháng đầu năm 2016 của kinh tế Trung Quốc là do chính phủ nước này đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm đã lên tới 2.340 tỷ nhân dân tệ (tương đương 362 tỷ USD), cao hơn rất nhiều so với con số dự kiến 1.400 tỷ nhân dân tệ. Nói cách khác, yếu tố dẫn đến tăng trưởng không phải là do cải cách nền kinh tế mà là do nới lỏng và tăng trưởng tín dụng. Hiểu đơn giản là chính phủ và hệ thống ngân hàng Trung Quốc cho vay nhiều hơn để kích cầu sản xuất và kích cầu tiêu dùng.
Hệ quả của việc lạm dụng tăng trưởng tín dụng này sẽ khiến nợ xấu của Trung Quốc gia tăng mạnh, do không phải tất cả các khoản cho vay đều có khả năng thanh toán cao. Dự trữ tiền trong hệ thống ngân hàng đang ít đi trong khi nợ xấu thì lại tăng cao hơn. Hiện khả năng thanh toán nợ ngân hàng của rất nhiều doanh nghiệp Trung Quốc là rất khó có thể xảy ra và đang khiến cho chính phủ phải dùng đến các biện pháp chữa cháy, như cho phép các doanh nghiệp quy đổi khoản nợ với các ngân hàng thành các cổ phiếu với hy vọng khi có sự tham gia quản trị của ngân hàng thì tình hình hoạt động và cả nợ của doanh nghiệp sẽ được cải thiện.
Vì thế, nếu Fed nâng lãi suất đồng USD ở thời điểm hiện tại, đó sẽ là một tin sét đánh với kinh tế Trung Quốc. Nó sẽ giống như đặt thêm một kiện hàng nặng vào một đôi quang gánh vốn đã quá oằn vì sức nặng đang phải mang.
Và nó sẽ khiến các khoản nợ nước ngoài của các doanh nghiệp Trung Quốc tăng lên và buộc họ sẽ vừa phải bán ra nhân dân tệ để đổi lấy USD để trả nợ vừa phải vay thêm ngân hàng để bù đắp khoản nợ chênh lệch do USD tăng giá. Điều này sẽ dẫn đến 2 tác động nghiêm trọng, trước hết nó sẽ khiến đồng nhân dân tệ sụt giá trầm trọng do nhu cầu mua vào USD của các công ty tăng đột biến, thứ hai nó sẽ khiến áp lực cho vay và nợ xấu của hệ thống ngân hàng gia tăng mạnh. Mà đây thì lại đang là 2 vấn đề sống còn mà chính phủ Trung Quốc đang muốn né tránh nếu như không muốn nền kinh tế rơi vào khủng hoảng.
Theo Reuters, Bloomberg, Một thế giới