Người mắc COVID-19 có nguy cơ bị đông máu hiếm gặp cao gấp 100 lần so với bình thường

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nguy cơ xuất hiện huyết khối tĩnh mạch não (hiện tượng đông máu hiếm gặp), sau khi mắc COVID-19 cao gấp khoảng 100 lần so với bình thường và cao hơn nhiều lần nếu không tiêm vaccine phòng COVID-19. 
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tình nguyện viên (Ảnh - Minh Thuý)
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho tình nguyện viên (Ảnh - Minh Thuý)

Đây là ý kiến của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford đưa ra trong báo cáo đánh giá nguy cơ đông máu hiếm gặp đối với người mắc COVID-19.

Theo các nhà nghiên cứu ở Đại học Oxford, cơ xuất hiện huyết khối tĩnh mạch não (CVT), còn được gọi là hiện tượng đông máu hiếm gặp, sau khi mắc COVID-19 cao gấp khoảng 100 lần so với bình thường và cao hơn nhiều lần nếu không tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc sau khi mắc bệnh cúm.

Nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford do GS. Paul Harrison và TS. Maxime Taquet chủ trì đến từ Khoa Tâm thần học của Đại học Oxford và Trung tâm Nghiên cứu Y sinh học Oxford (NIHR) đã đếm số các trường hợp CVT được chẩn đoán trong vòng 2 tuần sau khi được xác định mắc COVID-19, hoặc sau khi được tiêm một liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên. Sau đó các nhà nghiên cứu so sánh những trường hợp này với tỉ lệ xuất hiện CVT sau khi mắc bệnh cúm, và tỉ lệ xuất hiện CVT thông thường trong dân số chung.

Báo cáo cho thấy các trường hợp xuất hiện CVT sau khi mắc COVID-19 có tỉ lệ cao hơn so với bất kỳ nhóm so sánh nào, với 30% các trường hợp này xảy ra ở những người dưới 30 tuổi. So với các vaccine phòng COVID-19 hiện tại, nguy cơ này cao hơn từ 8-10 lần, và so với bình thường thì cao hơn khoảng 100 lần.

Tình trạng đông máu (Ảnh minh hoạ)

Tình trạng đông máu (Ảnh minh hoạ)

So sánh chi tiết giữa các trường hợp CVT ở người mắc COVID-19 và CVT ở những người được tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của các nhà nghiên cứu cho thấy: Trong 500.000 bệnh nhân mắc COVID-19 được nghiên cứu, CVT xảy ra với tỉ lệ 39 người/1 triệu bệnh nhân.

Trong hơn 480.000 người đã tiêm vaccine phòng COVID-19 thuộc công nghệ mRNA (Pfizer hoặc Moderna), CVT xảy ra với tỉ lệ 4/1 triệu người.

Thực tế, CVT xảy ra với tỉ lệ khoảng 5/1 triệu người sau khi tiêm liều đầu tiên vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca-Oxford. So với vaccine được sản xuất bằng công nghệ mRNA, nguy cơ gặp phải CVT do COVID-19 lớn hơn khoảng 10 lần. So với vaccine AstraZeneca-Oxford, nguy cơ gặp phải CVT do COVID-19 lớn hơn khoảng 8 lần. Tuy nhiên, tất cả các so sánh này phải được giải thích thận trọng vì dữ liệu vẫn đang tích lũy.

GS. Paul Harrison – chuyên gia tâm thần học kiêm Trưởng nhóm Sinh học thần kinh tại Đại học Oxford - cho biết: “Có một số lo ngại về khả năng có mối liên hệ giữa các vaccine phòng COVID-19 và CVT, khiến các chính phủ và cơ quan quản lý hạn chế việc sử dụng một số loại vaccine nhất định. Tuy nhiên, có một câu hỏi quan trọng khác chưa được làm rõ trước đây là: Nguy cơ xuất hiện CVT sau khi được chẩn đoán mắc COVID-19 là gì?

Để lý giải vấn đề này, các nhà nghiên cứu đã đưa ra 2 kết luận quan trọng: Thứ nhất, COVID-19 làm tăng rõ rệt nguy cơ CVT, bên cạnh các vấn đề đông máu mà bệnh này gây ra. Thứ hai, nguy cơ từ COVID-19 cao hơn so với nguy cơ từ những vaccine phòng COVID-19 hiện tại, ngay cả đối với những người dưới 30 tuổi. Đây là yếu tố cần được tính đến khi xem xét sự cân bằng giữa lợi ích và rủi ro từ việc tiêm chủng.

Theo TS. Maxime Taquet thuộc nhóm nghiên cứu Sinh học thần kinh - dữ liệu này cần được diễn giải một cách thận trọng vì dữ liệu về vaccine Oxford-Astrazeneca đến từ hệ thống giám sát của Cơ quan Quản lý dược phẩm và Các sản phẩm y tế Anh (MHRA), trong khi những dữ liệu khác được lấy từ mạng hồ sơ y tế điện tử TrinetX. Tuy nhiên, các tín hiệu cho thấy COVID-19 có liên hệ với CVT, cũng như huyết khối tĩnh mạch cửa - một loại rối loạn đông máu trong gan - là rõ ràng, và chúng ta cần lưu ý.

Ngoài ra, một yếu tố quan trọng đòi hỏi phải nghiên cứu thêm khả năng COVID-19 và các vaccine gây ra CVT bằng các cơ chế tương tự hay khác nhau. Vì nhiều trường hợp có thể báo cáo thiếu hoặc mã hóa sai CVT trong hồ sơ y tế, dẫn đến sự không chắc chắn về độ chính xác của kết quả.