Người được cách ly cần phải trả phí và xử lý nghiêm người khai báo y tế gian dối và bất hợp tác!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mỗi ngày đang có tới 3-4.000 người từ nước ngoài trở về Việt Nam cùng hàng chục ngàn người đã nhập cảnh trước đó và toàn bộ số người này đều được miễn phí toàn bộ từ ăn ở, xét nghiệm đến điều trị khi cách ly tập trung. Đây thực sự là gánh nặng rất lớn với đất nước ta vào thời điểm này, khi đang phải dồn sức người, sức của để chống dịch COVID-19

1. Cách ly tập trung những người từ nước ngoài về, mà đại đa số từ vùng dịch về, là biện pháp vô cùng cần thiết, để tránh "thả gà ra đuổi", không để lây lan ra cộng đồng. Nhưng số người cách ly tập trung hiện đã tăng cao hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu, khi đã tiếp nhận, cách ly 36.767 người tại 110 điểm cách ly và vẫn đang cách ly 18.009 người. Mới đây, Quân đội đã đưa ra kịch bản có tới 40.000 người cùng 20.000 chỗ dự phòng.

Đây quả là gánh nặng rất lớn với hoàn cảnh đất nước còn nghèo, nhất là 2 lực lượng “đứng mũi chịu sào” là ngành y tế và quân đội. Đặc biệt, gánh nặng này đến vào lúc đáng ra chúng ta cần dồn lực cho mua sắm thuốc men, trang thiết bị y tế phục vụ công tác điều trị, để có thể khống chế được dịch cũng như hạn chế số người mắc và tử vong.

Đất nước còn nghèo, nên nếu kinh phí bị phân tán, rất khó để có được điều kiện cho y tế như mong muốn, thậm chí, nếu để quá tải, thì nguy cơ vô cùng tai hại.

Trong khi đó, đại đa số những người từ nước ngoài về giai đoạn 2 đều kinh tế khá giả, lại chưa phải là bệnh nhân, nên việc để họ được nuôi ăn ở, được khám chữa bệnh miễn phí là bất hợp lý. Luật Truyền nhiễm cũng chỉ quy định miễn phí cho bệnh nhân nhóm A, mà hầu hết những người cách ly chưa phải bệnh nhân. Nhất là trong khi còn bao nhiêu bệnh nhân thực sự đang nằm ở các bệnh viện, điều kiện rất khó khăn vẫn phải tự chi trả hoàn toàn.

Vì thế, trừ những người không có khả năng chi trả thì có thể miễn phí một phần, còn lại, những người cách ly phải trả phí toàn bộ, vì nếu không cách ly, họ vẫn phải sinh hoạt, ăn uống! Tuy nhiên, có thể xã hội hóa các địa điểm cách ly, để cho phép người cách ly được lựa chọn nơi cách ly phù hợp với túi tiền, như bệnh nhân chọn giường dịch vụ trong bệnh viện và Nhà nước đáp ứng yêu cầu bằng việc sử dụng các khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang vắng khách làm khu cách ly, tổ chức tập huấn cho nhân viên các đơn vị này kiến thức cần thiết về COVID-19 để bảo vệ vv…

Người tiếp tế tập trung đông ở các khu vực cách ly là nguy cơ lây truyền, đồng thời, tạo gánh nặng cho đội ngũ phục vụ (ảnh: MXH)
Người tiếp tế tập trung đông ở các khu vực cách ly là nguy cơ lây truyền, đồng thời, tạo gánh nặng cho đội ngũ phục vụ (ảnh: internet)

Cho người cách lý được chọn chỗ và trả tiền ăn ở, Nhà nước sẽ tiết giảm được kinh phí, để tập trung cho chống dịch.  

Để đưa người về khu cách ly theo yêu cầu, đương nhiên sẽ làm tăng số người canh gác, phục vụ, chăm sóc y tế… và mọi phát sinh đều phải được tính vào chi phí mà người yêu cầu phải chịu. Như vậy, sẽ công bằng với những người cách ly không lựa chọn địa điểm.  

Giờ đây, nhiều khách sạn, khu nghỉ đang “chết lâm sàng”, thì việc để các nơi này thành nơi cách ly với giá cả hợp lý, là một cách giúp họ  đỡ khó khăn, đồng thời, là lối mở cho cả 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người cách ly.

2. Bên cạnh đó, có thể xem xét cho phép một số doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người có nhu cầu trong khu cách ly, nhằm chấm dứt ngay việc để gia đình người bị cách ly đến tiếp tế rất đông như vừa qua. Vì việc để tập trung đông người ở cổng các khu cách ly đang tạo ra nhiều hệ lụy, khi vừa là nguy cơ lây lan dịch bệnh, vừa tạo thêm gánh nặng không đáng có cho đội ngũ phục vụ vốn đã rất vất vả, vì họ sẽ phải vận chuyển những khối thực phẩm tổng cộng cả chục tấn đến từng phòng cách ly, khi có người còn gửi cả tủ lạnh cho người thân; rồi phải thu dọn lượng rác thải rất lớn do người đến tiếp tế để lại.

3. Một vấn đề nữa cũng cần phải quan tâm. Trong thông báo mới đây của Bộ Y tế cho thấy bệnh nhân mắc COVID-19 thứ 113 đã được cách ly tại khách sạn Hòa Bình (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Điều này khiến nhiều người giật mình, lo sợ, bởi khách sạn Hòa Bình nằm ở trung tâm Hà Nội, ngay giữa ngã tư với lượng người đi lại đông đúc, mà lại được chọn là khu cách ly thì rất nguy hiểm. Do đó, đề nghị chỉ cho phép những khách sạn, khu nghỉ nằm xa khu dân cư và có các điều kiện đáp ứng đủ việc phòng, chống dịch mới được làm nhiệm vụ cách ly.

4. Điều rất quan trọng song song với việc tổ chức cách ly tập trung, là xử lý ngay hành vi khai báo y tế thiếu trung thực hay không chịu hợp tác việc cách ly, vì điều này gây bất ổn cho toàn xã hội, tạo tiền lệ xấu khi việc chống dịch chắc còn kéo dài. Không nên đánh đồng việc vi phạm trong phòng chống dịch với việc điều trị, rồi đưa ra lý do “nhân đạo” để trì hoãn việc xử lý, dẫn đến tác động xấu cho việc chống dịch.

Nếu việc xử lý ngay và nghiêm với bệnh nhân 17, thì chắc gì đã có việc bệnh nhân 34 gây khó khăn cho cơ quan chức năng, rồi tiếp đến bệnh nhân 100 tự cách ly mà vẫn mỗi ngày 5 lần đi lễ nhà thờ? Mà chỉ 3 người này thôi đã mang đến bao hậu họa cho xã hội! Nếu 3 người này bị xử lý nghiêm, thì cũng không có chuyện một số du học sinh từ châu Âu về dám bất hợp tác với cơ quan chức năng, khiến phải cưỡng chế đến địa điểm cách ly, như phản ánh của thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô.

Mặt khác, cũng cần xem xét và xử lý những người đã không làm tròn nhiệm vụ, nhất là ở cửa khẩu, khi việc phòng ngừa các trường hợp về từ đầu tháng 3 tới nay lỏng lẻo ở một số điểm như tướng Duyệt cho biết.