Ngồi trên lửa với Triều Tiên, Mỹ muốn Nhật Bản có “át chủ bài” hạt nhân

VietTimes -- Nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng chính sách cứng rắn đối với Triều Tiên hiện nay của Mỹ không có hiệu quả, do đó Mỹ mong muốn Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân và sửa đổi Hiến pháp để có "át chủ bài" răn đe Triều Tiên.
Nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản. Ảnh: Sina.
Nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản. Ảnh: Sina.

Tờ nguyệt san Voice Nhật Bản gần đây đăng bài viết của nhà nghiên cứu hàng đầu Hidaka Yoshiki đến từ Viện nghiên cứu Hudson Mỹ đề cập đến việc Mỹ đang cân nhắc để cho Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân trong bối cảnh “mối đe dọa” từ Triều Tiên ngày càng gia tăng.

Bài viết dẫn lời một nhân vật chính trị phe bảo thủ có ảnh hưởng đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã đặt câu hỏi với Hidaka Yoshiki rằng Nhật Bản khi nào mới sở hữu vũ khí hạt nhân, trong khi Triều Tiên đang không ngừng tăng cường khả năng tấn công hạt nhân, nhiều lần phóng tên lửa bay qua bầu trời Nhật Bản.

Một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ còn hỏi thêm rằng: "Ở Nhật Bản, những tư tưởng muốn dùng tên lửa và vũ khí hạt nhân để bảo vệ mình không phải là ngày càng mạnh mẽ?".

Ngoài ra, trong một cuộc đối thoại về bảo đảm an ninh gần đây, những câu hỏi về việc Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân và sửa đổi Hiến pháp đã tăng lên rất nhiều.

Không chỉ có vậy, gần đây, trong một hội nghị an ninh, những câu hỏi về việc Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân và sửa đổi Hiến pháp cũng rất nhiều.

Sở dĩ nhiều chuyên gia Mỹ chủ trương để Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân và sửa đổi Hiến pháp chủ yếu là có 3 lý do sau đây:

Thứ nhất, do hiệu quả chính sách cứng rắn của chính quyền Donald Trump đối với Triều Tiên không tốt, không thể tìm được biện pháp khác. Chính quyền Donald Trump đã tập kết lực lượng quy mô lớn nhất từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai đến nay ở xung quanh bán đảo Triều Tiên, muốn thông qua đó để ép được Triều Tiên, nhưng cuối cùng thất bại.

Tên lửa đẩy H-2 Nhật Bản.
Tên lửa đẩy H-2 Nhật Bản.

Thứ hai, tên lửa xuyên lục địa và bom H do Triều Tiên nghiên cứu phát triển đang tiến dần đến thành công, Mỹ ngày càng lo ngại bị Triều Tiên tiến hành tấn công hạt nhân.

Thứ ba, để ứng phó với hai sự thay đổi nêu trên, Mỹ không thể không nghiên cứu lại chiến lược hạt nhân của họ và đã bắt đầu tiến hành chuẩn bị.

Chỉ cần nói chuyện với các chuyên gia Mỹ sẽ ngày càng thấy rõ, căn cứ vào 3 lý do nêu trên, người Mỹ hy vọng Nhật Bản có thể sở hữu vũ khí hạt nhân, sửa đổi Hiến pháp, coi đó là "át chủ bài" để ứng phó với Triều Tiên về ngoại giao.

Trong bối cảnh Triều Tiên và Iran - hai nước "thù địch" kế tiếp Trung Quốc và Nga nắm được lực lượng tác chiến hạt nhân và đang tăng cường khả năng tấn công nước Mỹ, Mỹ bắt đầu nghiên cứu lại chiến lược hạt nhân của họ.

Ngày 14/9/2017, khi thị sát Trung tâm chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược quân đội Mỹ ở Omaha bang Nebraska, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cho biết:

"Chúng ta cần tiến hành đánh giá lại chiến lược hạt nhân của Mỹ đã duy trì 30 năm qua, để ứng phó với tình hình mới của thế giới, không chỉ các chuyên gia của Lầu Năm Góc, mà mọi thành phần ưu tú trên tất cả các lĩnh vực đều cần huy động, xây dựng chiến lược quân sự mới của chúng ta".

Căn cứ vào tiết lộ của các chuyên gia Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng James Mattis đang tiến hành đánh giá nghiêm túc đối với chiến lược hạt nhân "tam vị nhất thể" - lực lượng đã đặt nền tảng cho lực lượng tấn công chiến lược của Mỹ cho đến nay.

Điều mà ông James Mattis xem xét không chỉ là xây dựng lại chiến lược hạt nhân tam vị nhất thể để ứng phó với tình hình quân sự mới, mà còn muốn tiếp tục nâng cao khả năng tấn công chính xác các mục tiêu của kẻ thù trong khi tránh được các cuộc tấn công từ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa phóng từ tàu ngầm của đối phương.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis. Ảnh: Reuters.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (phải). Ảnh: Reuters.

Lực lượng tấn công hạt nhân của Mỹ là lực lượng chiến đấu cơ bản để Mỹ đóng vai trò là siêu cường quân sự. Khả năng tấn công hạt nhân "tam vị nhất thể" cũng là nhằm vào những nước lớn sở hữu vũ khí hạt nhân, thậm chí còn nhằm vào một số nước sở hữu vũ khí hạt nhân khác.

Hơn nữa, không chỉ có Mỹ, khi các nước thù địch muốn tiến hành tấn công hạt nhân đối với đồng minh của Mỹ, Mỹ cũng muốn thông qua ưu thế của mình để đánh đòn phủ đầu. Đây chính là chiến lược răn đe của Mỹ.

Mỹ sở dĩ đánh giá lại lực lượng tấn công hạt nhân, nghiên cứu lại khả năng tấn công hạt nhân "tạm vị nhất thể" vào lúc này là do Mỹ có thể bị tấn công bởi tên lửa xuyên lục địa đến từ Triều Tiên.

Quan điểm cho phép Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân, sửa đổi Hiến pháp để có được "át chủ bài" đối phó Triều Tiên xuất hiện vào lúc này phải chăng sẽ trở thành chính sách của Mỹ hay không thì vẫn còn chưa biết được, nhưng có nguồn tin cho biết:

"Điều mà Mỹ mong muốn là bây giờ Nhật Bản đề cập đến vấn đề sở hữu vũ khí hạt nhân, sửa đổi Hiến pháp, Triều Tiên sẽ suy nghĩ việc họ tăng cường lực lượng tấn công hạt nhân bất chấp hậu quả liệu có gây phản tác dụng đối với an ninh của họ hay không. Trung Quốc và Nga có thể cũng sẽ nghĩ như vậy, qua đó gây sức ép với Triều Tiên".

Cho đến nay, người Nhật luôn coi việc sở hữu vũ khí hạt nhân và sửa đổi Hiến pháp là công việc nội bộ và do bản thân họ quyết định. Phía Mỹ cũng luôn nói như vậy. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã nhiều lần nói đến điểm này trong chương trình phỏng vấn trên truyền hình.

Cựu Ngoại trưởng ỹ Henry Kissinger và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Business Insider.
Cựu Ngoại trưởng ỹ Henry Kissinger và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Business Insider.

Ông Henry Kissinger cũng đã chỉ ra một điểm: "Nếu Nhật Bản muốn sở hữu vũ khí hạt nhân, muốn sửa đổi Hiến pháp, sẽ đối mặt với cục diện rất khó khăn. Rất nhiều nước phản đối Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân, sẽ gây sức ép".

Nhưng tình hình hiện nay đã hoàn toàn khác trước đây. Mỹ đang can thiệp vào 2 vấn đề nội bộ của Nhật Bản, đó là sở hữu vũ khí hạt nhân và sửa đổi Hiến pháp.

Những vấn đề nói trên xem ra còn rất xa xôi, nhưng đối mặt với "mối đe dọa" từ Triều Tiên hiện nay, Mỹ thực sự bắt đầu cân nhắc đến việc cho phép Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân, sửa đổi Hiến pháp để có "át chủ bài" tiến hành răn đe Triều Tiên.