Ngoại trưởng Mỹ: nếu Philippines bị tấn công trên Biển Đông, Mỹ sẽ hành động để bảo vệ!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa án trọng tài Quốc tế năm 2016 về tranh chấp Biển Đông, cảnh báo nếu tàu, máy bay Philippines bị tấn công trong vùng biển tranh chấp, Mỹ sẽ bảo vệ.
Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ tàu thuyền, máy bay Philippines nếu bị tấn công trong vùng biển tranh chấp (Ảnh: AP).
Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định Mỹ sẽ bảo vệ tàu thuyền, máy bay Philippines nếu bị tấn công trong vùng biển tranh chấp (Ảnh: AP).

Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức, phiên bản tiếng Trung), hôm thứ Ba (12/7), Đại sứ quán Mỹ tại Philippines đã công bố tuyên bố ngày 11/7 của Ngoại trưởng Antony Blinken. Vào ngày này 6 năm trước, Tòa án trọng tài ở The Hague, Hà Lan, đã ra phán quyết theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển rằng tuyên bố về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các vùng rộng lớn bên trong cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn” ở Biển Đông là không có hiệu lực.

Trung Quốc đã không tham gia trình tự tố tụng vụ kiện trọng tài và từ chối công nhận phán quyết của tòa. Trong những năm gần đây, tranh chấp lãnh thổ đã thỉnh thoảng xảy ra giữa Trung Quốc với Philippines và các bên tranh chấp khác ở Đông Nam Á về Biển Đông.

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương, ông Antony Blinken cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào lực lượng quân sự, tàu hoặc máy bay của Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt Mỹ thực hiện cam kết phòng thủ chung của Mỹ theo Điều 4 của “Hiệp ước Phòng thủ Hoa Kỳ-Philippines” ký kết năm 1951. Ông thúc giục Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, chấm dứt các hành vi gây hấn và khiêu khích ở Biển Đông, nói Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh, đối tác và các tổ chức khu vực như ASEAN để bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ.

Philippines nhiều lần tố cáo Trung Quốc cho tàu dân quân biển tập kết dài ngày tại vùng biển tranh chấp (Ảnh: Đông Phương).

Philippines nhiều lần tố cáo Trung Quốc cho tàu dân quân biển tập kết dài ngày tại vùng biển tranh chấp (Ảnh: Đông Phương).

Ông Blinken nhắc lại rằng Tòa án Trọng tài Quốc tế The Hague vào năm 2016 đã bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với Biển Đông; nói rằng Trung Quốc không có yêu sách hợp pháp nào đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines. Mỹ và các đồng minh ở Ấn Độ - Thái Bình Dương quyết tâm duy trì các vùng nước cởi mở cho phép hàng hóa và con người lưu thông tự do, điều này mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia.

Hiện Bắc Kinh vẫn chưa phản hồi về tuyên bố của Blinken. Tuy nhiên ngày 12/7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, người đang ở thăm Malaysia, lên tiếng trong cuộc họp báo cùng ngày rằng Trung Quốc “phản đối đối đầu phe cánh và tư duy Chiến tranh Lạnh”, đồng thời hy vọng sẽ đẩy nhanh các cuộc đàm phán với các nước ASEAN để đạt được một "Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” để biến Biển Đông trở thành “vùng biển hòa bình và hợp tác”.

Hai ông Antony Blinken và Vương Nghị gặp gỡ nhau tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 ở Bali, Indonesia (Ảnh: AP).

Hai ông Antony Blinken và Vương Nghị gặp gỡ nhau tại Hội nghị Ngoại trưởng G20 ở Bali, Indonesia (Ảnh: AP).

Một ngày trước đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khi phát biểu tại Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, thủ đô Indonesia, cũng cảnh báo các nước ASEAN “đừng trở thành ‘con tốt’ của các cường quốc”. Ông ta nói, khá nhiều quốc gia trong khu vực đã phải chịu áp lực có thể phải "định hình lại nhân tố chính trị" và buộc phải chọn phe. Ông nói: “Tương lai của khu vực cần được nằm trong tay chúng ta.”

Ngoại trưởng Philippines: “Phán quyết Trọng tài là điều không thể tranh cãi”

Trong chuyến đi Đông Nam Á của ông Vương Nghị lần này còn có chuyến thăm Thái Lan và Philippines. Hôm Thứ Bảy tuần trước (9/7), ông Vương Nghị đã hội đàm 5 giờ với Ngoại trưởng Mỹ Blinken trong thời gian tham dự Hội nghị các ngoại trưởng G20 tại Bali, Indonesia. Ông Blinken nói sau cuộc gặp rằng ông hy vọng Tổng thống Joe Biden và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có cơ hội nói chuyện với nhau trong vài tuần tới. Hiện phía Trung Quốc vẫn chưa bình luận gì về việc này.

Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo: phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông là không thể phủ nhận (Ảnh: Philstar).

Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo: phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông là không thể phủ nhận (Ảnh: Philstar).

Tân Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo người vừa nhậm chức ngày 1/7, hôm thứ Ba (12/7) tuyên bố: phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông là không thể phủ nhận, phản bác, mang tính kết luận và không thể tranh biện, sẽ là một trụ cột về chính sách và hành động của chính phủ Philippines mới nhằm giải quyết tranh chấp khu vực. Ông nói rằng Philippines kiên quyết phản đối mọi mưu đồ nhằm phá hoại phán quyết "không thể tranh cãi" này, thậm chí định loại bỏ nó ra khỏi pháp luật, lịch sử và kí ức tập thể.

Tổng thống mới của Philippines, Ferdinan Marcos Jr., nhậm chức vào ngày 30/6. Người tiền nhiệm của ông là Duterte, sau khi nhậm chức vào năm 2016 đã gác lại phán quyết trọng tài này trong nhiều năm và tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc trong khi chỉ trích chính sách an ninh của Mỹ. Vào năm 2019, ông Duterte nói rằng ông cuối cùng đã yêu cầu ông Tập Cận Bình tuân theo phán quyết, nhưng phía Trung Quốc thông báo rằng họ "sẽ không nhượng bộ.”

Người dân Philippines biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila hôm 12/7 (Ảnh: AP).

Người dân Philippines biểu tình trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila hôm 12/7 (Ảnh: AP).

Vào dịp kỷ niệm 6 năm ngày Tòa trọng tài ra phán quyết, hàng chục nhà hoạt động cánh tả Philippines hôm thứ Ba (12/7) đã biểu tình trước tòa lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila, yêu cầu Bắc Kinh tuân theo phán quyết của trọng tài và kêu gọi Tổng thống Marcos bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của quốc gia ở Biển Đông.