Ngoại trưởng Mỹ Blinken thừa nhận chính sách cứng rắn với Trung Quốc của Tổng thống Trump đúng đắn!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngoại trưởng Mỹ Blinken ngày 9/2/2021 tuyên bố, cựu Tổng thống Trump đã đúng đắn khi có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc; đồng thời chỉ ra vấn đề trọng tâm trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden.
Tân ngoại trưởng Antony Blinken cho rằng cựu Tổng thống Donald Trump đã đúng khi có thái độ cứng rắn với Trung Quốc (Ảnh: Reuters).
Tân ngoại trưởng Antony Blinken cho rằng cựu Tổng thống Donald Trump đã đúng khi có thái độ cứng rắn với Trung Quốc (Ảnh: Reuters).

Đài CNN ngày 9 tháng 2 đưa tin, Ngoại trưởng Antony Blinken khi bình luận về thái độ cứng rắn của cựu Tổng thống Trump đối với Trung Quốc trong cuộc trả lời phỏng vấn, nói rằng cách làm của ông Trump là hoàn toàn sai lầm, nhưng nguyên tắc cơ bản là đúng đắn. Ông đã phát biểu như trên khi tham dự chương trình “Wolf Blitzer War Room”, trả lời các câu hỏi của người dẫn chương trình Wolf Blitzer.

Cụ thể, ông Blitzer hỏi: "Chúng ta hãy nói về Trung Quốc. Tổng thống Biden nói, ‘Tôi sẽ không làm như ông Trump’. Nhưng, thưa ông Ngoại trưởng, liệu cách tiếp cận của Trump có được tiếp tục củng cố? chẳng hạn, có lập trường cứng rắn hơn về các hành vi thương mại không công bằng và việc đánh cắp công nghệ mạng của Mỹ? Ông nói gì đi?”. Ngoại trưởng Blinken trả lời: “Tôi cho rằng cần xem xét một cách công bằng Tổng thống Trump. Việc ông ấy áp dụng thái độ mạnh mẽ hơn với Trung Quốc là đúng đắn. Đây là cách làm rất đúng. Theo phán đoán của tôi, cách tiếp cận toàn diện của ông ấy hoàn toàn sai, nhưng nguyên tắc cơ bản là đúng đắn".

Ông Blinken nói: "Công bằng mà nói, tôi cho rằng Tổng thống Trump đã đúng khi có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc; đó là sự lựa chọn đúng đắn. Nhưng điều này cần chúng ta phải làm gì? Chúng ta cần phải tiếp xúc với Trung Quốc ở vị thế mạnh hơn họ. Dù đó là khía cạnh thù địch, khía cạnh cạnh tranh hay khía cạnh hợp tác phù hợp với lợi ích chung của chúng ta, chúng ta đều phải ứng phó với vị thế mạnh hơn”.

Ngày 4/2, khi đến Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã lần đầu tiên phát biểu về chính sách đối ngoại, coi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất" của Mỹ (Ảnh: AP).

Ngày 4/2, khi đến Bộ Ngoại giao Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã lần đầu tiên phát biểu về chính sách đối ngoại, coi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh gay gắt nhất" của Mỹ (Ảnh: AP).

Ông Blinken giải thích rằng điều này có nghĩa là cần có một liên minh mạnh mẽ, "Đây là ưu thế của chúng ta, chứ không phải làm mất đi liên minh của chúng ta. Điều này có nghĩa là, như chúng tôi đã nói trước đây, chúng ta tái xuất hiện trên thế giới này một lần nữa và tham gia vào nó. Bởi vì nếu chúng ta không làm điều này, khi chúng ta rút lui, người Trung Quốc sẽ tới tham gia”.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã áp dụng chính sách đối đầu toàn diện chống lại Trung Quốc, bao gồm phát động chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ra tuyên bố về Biển Đông, thúc đẩy phát triển quan hệ Mỹ - Đài Loan, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức Trung Quốc về vấn đề Tân Cương, và gọi coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2) là "virus Trung Quốc", v.v.

Ông Blinken nói: "Chúng ta phải bảo vệ các quan niệm giá trị của mình chứ không phải từ bỏ chúng. Điều này có nghĩa là chúng ta đảm bảo rằng chúng ta sử dụng tư thế quân sự để kiềm chế sự xâm lược, đầu tư cho người dân của chúng ta để họ có thể cạnh tranh hiệu quả".

Ngoài ra, ông Blinken cũng chỉ ra rằng Tổng thống Biden đã nói rất rõ ràng rằng ông sẽ đặt nhân quyền và dân chủ làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. “Cho dù đó là Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác mà chúng ta có mối quan tâm sâu sắc và nghiêm túc, đây cũng sẽ là điều hàng đầu và trung tâm".

Vào ngày 6/2, theo giờ Bắc Kinh, ông Blinken đã nói chuyện điện thoại với ông Dương Khiết Trì, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và là Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác Đối ngoại Trung ương Trung Quốc. Các thông cáo báo chí sau đó của Trung Quốc và Mỹ cho thấy cả hai bên đều bày tỏ quan điểm cứng rắn và đưa ra nhiều cảnh báo đối phương.

Ngày 6/2, hai ông Antony Blinken và Dương Khiết Trì đã có cuộc đàm thoại đầu tiên, đấu khẩu gay gắt với nhau (Ảnh: Getty, AFP).

Ngày 6/2, hai ông Antony Blinken và Dương Khiết Trì đã có cuộc đàm thoại đầu tiên, đấu khẩu gay gắt với nhau (Ảnh: Getty, AFP).

Theo thông cáo báo chí do phía Trung Quốc đưa ra, ông Dương Khiết Trì tuyên bố rằng: “Trung Quốc kêu gọi Mỹ sửa chữa những sai lầm đã gây ra trong thời gian vừa qua. Trung Quốc và Mỹ cần tôn trọng lợi ích cốt lõi của nhau, chế độ chính trị và con đường phát triển mà mỗi nước lựa chọn. Không ai có thể ngăn cản được sự nghiệp phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Quốc. Đồng thời, vấn đề Đài Loan là vấn đề cốt lõi quan trọng nhất và nhạy cảm nhất trong quan hệ Trung - Mỹ; Mỹ cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc một Trung Quốc và ba bản Thông cáo chung Trung - Mỹ. Những chuyện liên quan đến Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng đều là công việc nội bộ của Trung Quốc, không cho phép bất cứ thế lực bên ngoài nào được phép can thiệp. Bất cứ âm mưu nào vu khống, bôi đen Trung Quốc cũng sẽ không thành công”.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Blinken nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ nhân quyền và các giá trị dân chủ, bao gồm cả ở Tân Cương, Tây Tạng và Hồng Kông; đồng thời kêu gọi Trung Quốc cùng cộng đồng quốc tế lên án cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar. Ngoài ra, Mỹ sẽ cùng nỗ lực với các đồng minh để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những nỗ lực của họ đe dọa sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có hai bên bờ eo biển Đài Loan và các hành động phá hoại hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ.

Cuộc đối thoại này diễn ra vào thời điểm chính sách Trung Quốc của chính quyền Joe Biden chưa được xác định. Tờ The Hill của Mỹ hôm 6/2 đưa tin và phân tích rằng ông Biden đã có quan điểm cứng rắn đối với hành động "đàn áp nhân quyền" và gây sức ép kinh tế đối với Mỹ của Trung Quốc.