Ngô Trọng Văn, Nguyễn Thị Dũng - Cặp đôi đặc biệt của làng gốm phương Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sáng thứ 7, ngày 12/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM sẽ diễn ra triển lãm “Lời thì thầm” của cặp đôi - họa sĩ Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng, trưng bày hàng trăm sáng tác độc đáo với chất liệu gốm.
Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng bên tác phẩm gốm men "Mộng dưới hoa" (Ảnh: HB)
Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng bên tác phẩm gốm men "Mộng dưới hoa" (Ảnh: HB)

Phải khác biệt hoàn toàn

Triển lãm “Lời thì thầm” sẽ kéo dài từ ngày 12/9 đến hết ngày 21/9. Đến với triển lãm, công chúng yêu nghệ thuật sẽ được chiêm ngưỡng cặp bình gốm men cỡ cực lớn được đặt tên “Mộng dưới hoa” và “Mơ hoa”, là công sức sáng tạo chung của cả hai vợ chồng họa sĩ Ngô Trọng Văn – Nguyễn Thị Dũng.

Nói về cặp bình gốm men đặc biệt này, Nguyễn Thị Dũng bảo: “Nung xong, nó co lại thành kích cỡ bây giờ (112x55) chứ lúc chưa nung, nó còn bự hơn nữa, ai cũng bảo bự thế này làm biết đến khi nào mới xong”.

Chiếc bình gốm
Chiếc bình gốm "Mơ hoa" kích cỡ 112x55
Bình gốm
Bình gốm "Mộng dưới hoa" có kích cỡ 112x55

Ngô Trọng Văn kể: “Thời gian giãn cách xã hội vì dịch bệnh COVID-19 vừa rồi, hai vợ chồng tôi có may mắn cùng được đi trại sáng tác gốm. Chúng tôi đăng ký làm bình cỡ lớn vì chỉ ở không gian đó mới đủ điều kiện và có lò nung để hoàn thiện tác phẩm cỡ lớn như vậy. Nhưng đáng tiếc là chiếc bình đầu tiên nung xong vỡ vụn thành hàng trăm mảnh nhỏ. Đứng nhìn đống mảnh vỡ, vừa tiếc, vừa nản. Nhưng cuối cùng, hai vợ chồng cùng quyết chí làm lại. Để chắc ăn thì làm luôn một cặp. Cả hai lao vào làm điên cuồng để kịp thời gian”.

Video ghé thăm xưởng gốm của Ngô Trọng Văn, Nguyễn Thị Dũng ở Thủ Dầu Một (Bình Dương) 
Ngô Trọng Văn - Nguyễn Thị Dũng mãn nguyện hoàn thành
Ngô Trọng Văn - Nguyễn Thị Dũng mãn nguyện hoàn thành "Mộng dưới hoa"


Ngoài cặp bình gốm men làm chung với vợ, Ngô Trọng Văn mang tới triển lãm “Lời thì thầm” bộ tác phẩm “Nguyệt dạ” gồm 8 tác phẩm với nhiều kích cỡ khác nhau.

Họa sĩ bảo không giỏi diễn ngôn cho tác phẩm của mình nên chỉ gửi gắm tự sự chân thành: “Nguyệt dạ đại diện cho tính nữ, cho cái đẹp tròn trịa, dịu dàng, mềm mại, nhưng đặc biệt là luôn ẩn chứa những câu chuyện đầy tính thân phận, nỗi cô đơn, tính kiên nhẫn, sự hy sinh lặng thầm. Phụ nữ như bông hoa quỳnh không dễ phô diễn, lúc nở đẹp nhất, tỏa sáng nhất lại rơi vào những thời khắc ngặt nghèo hoặc những bối cảnh, không gian éo le, vẻ đẹp rực rỡ ấy chưa chắc đã được người đời chiêm ngắm”.

"Nguyệt dạ" của Ngô Trọng Văn
"Nguyệt dạ" của Ngô Trọng Văn
Một tác phẩm trong bộ
Một tác phẩm trong bộ "Nguyệt dạ" với ngôn ngữ tạo hình khác biệt

Bộ 8 tác phẩm “Nguyệt dạ” là sự thể hiện ý niệm về tính nữ trong quan niệm của Ngô Trọng Văn, có những khoảnh khắc thanh xuân tươi trẻ, có cả thời khắc người phụ nữ mang bầu. Mặc dù ý niệm về tính nữ được thể hiện đậm nét nhưng với bộ tác phẩm này, Ngô Trọng Văn đã tìm được một ngôn ngữ tạo hình khác biệt, mới mẻ chứ không phải chỉ là những vuốt ve mềm mại dáng nét phụ nữ thông thường.

Cặp đôi Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng hồi đầu năm 2020 đã gây ấn tượng với làng nghề phương Nam tại triển lãm chung “Gốm Sài Gòn” cùng với 5 họa sĩ khác, lần này cũng xuất hiện với hình ảnh mới mẻ hơn.

Nguyễn Thị Dũng bên tác phẩm
Nguyễn Thị Dũng bên tác phẩm "Mẫu đơn tím" cỡ lớn (112x55)


Thế mạnh men, màu và sáng tạo với những cánh hoa của Nguyễn Thị Dũng đã đưa các sản phẩm gốm thông dụng trở thành những tác phẩm nghệ thuật. Đồng thời, tác phẩm nghệ thuật gốm của Dũng luôn mang tính hữu dụng thực tế, phải sử dụng được chứ không phải chỉ để trưng bày.

Ở triển lãm lần này, Dũng sẽ mang tới hàng chục bộ bình trà độc đáo, với kỹ thuật chế tác khó nhất trong các kỹ thuật gốm, vì phải nhanh, nhất quán, không được bỏ qua các “giai đoạn vàng” trong chế tác.

Đặc biệt, chiếc bình trà kiểu cổ có hình dáng búp sen không đổ nước vào từ bên trên mà lật đáy bình lên để châm trà đã được Nguyễn Thị Dũng nghiên cứu, chế tác thành công.

Ấm trà búp sen được chế tác cầu kỳ
Ấm trà búp sen mẫu cổ được chế tác cầu kỳ
Mỗi bộ tác phẩm có vẻ đẹp khác nhau
Mỗi bộ tác phẩm có vẻ đẹp khác nhau
Ấm trà búp sen không có nắp như ấm thông thường, phải lật ngược ấm lên để chế nước
Ấm trà búp sen không có nắp như ấm thông thường, phải lật ngược ấm lên để chế nước
Bình châm trà mẫu xưa độc đáo hoàn toàn có công dụng thực sự
Bình châm trà mẫu xưa độc đáo hoàn toàn có công dụng thực sự

Nguyễn Thị Dũng kể: “Cách đây mấy năm, những người chơi đồ cổ cho tôi xem ảnh của chiếc bình châm trà xưa này, hỏi tôi có làm được không. Nghe họ tả hoài nhưng vẫn không hiểu phải làm thế nào. Lúc đầu chế tác thử, chỉ có cái quai ấm thôi cũng phải cắt gọt 2 ngày mới xong, nghĩ cực quá mà đến lúc vào lò nung xong, thành phẩm nhìn đẹp mắt nhưng không xài được vì cái vòi nó bị bít. Làm vài lần vẫn hỏng nhưng tôi không nản, mà ngưng lại để suy nghĩ. Tôi không chịu thua. Nghĩ cho chín rồi mới làm lại, và những lần gần đây đã thành công rồi. Bình châm trà mẫu xưa độc đáo hoàn toàn có công dụng thực sự”.

Quyền lực và quyến rũ của hỏa biến

Cả hai vợ chồng Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng đều theo học ngành gốm, nhưng đi làm gốm cực quá, cuộc sống với gánh lo cơm áo gạo tiền cuốn trôi cũng khiến cả hai từng bỏ gốm, rẽ hướng hoạt động. Nhưng sau khi thử sức trong lĩnh vực khác, bên trong hai người vẫn đau đáu nỗi niềm máu thịt nhức nhối với ngôn ngữ của hỏa biến, khiến họ quay lại đắm đuối với đất, với lửa.

Ngô Trọng Văn bên tác phẩm
Ngô Trọng Văn bên tác phẩm "Hạt trời"


“Hạt trời” của Ngô Trọng Văn có màu sắc của hạt cà phê Tây Nguyên, có hình dáng của tượng gỗ Tây Nguyên, nặng khoảng 100 kg, kích cỡ gần bằng người thật, sức một người khó bê nổi.

“Cuộc sống là vậy. “Hạt trời” được gieo xuống, thì cho dù đất đai màu mỡ hay khô cằn đá sỏi hạt cũng phải nảy mầm, phải vươn lên, đón ánh sáng, chiến đấu với tất cả các thế lực xung quanh để sinh tồn” – Ngô Trọng Văn chia sẻ.

Ngoài ra, Ngô Trọng Văn còn mang đến triển lãm những tác phẩm khác như “Nữ hoàng”, “Hề xiếc” (Bộ 2 tác phẩm)…,

Tác phẩm gốm
Tác phẩm gốm "Nữ hoàng" của Ngô Trọng Văn
Nguyễn Thị Dũng-Ngô Trọng Văn tại lò gốm ở Thủ Dầu Một (Bình Dương)
Hai vợ chồng Nguyễn Thị Dũng-Ngô Trọng Văn tại lò gốm ở Thủ Dầu Một (Bình Dương)


“Tính tôi, chỉ thích làm đồ khó, nhất là màu và men. Phải để tác phẩm trong một phòng riêng, chờ khô tự nhiên trong 2-3 tháng, đạt đủ độ ẩm mới bắt đầu làm men. Tôi thường làm rất nhiều màu men, lúc dày lúc mỏng, có độ đậm nhạt khác nhau, nếu nung các mẻ khác nhau thì màu men sẽ không đều, nên có những bộ tác phẩm phải chờ nhau từ đầu năm đến cuối năm mới được chuyển đi nung” – Họa sĩ Nguyễn Thị Dũng cho biết.

Quá trình hỏa biến rất khó kiểm soát, mỗi mẻ gốm ra lò đều mang lại những bí mật bất ngờ, nhưng chính thách thức của hỏa biến lại là sự thu hút, quyến rũ các họa sĩ theo đuổi dòng tác phẩm đặc biệt này.

Xin giới thiệu tới công chúng yêu nghệ thuật bộ tác phẩm gốm của Nguyễn Thị Dũng: 

Tác phẩm tranh gốm Hoa Cúc xanh
Tác phẩm tranh gốm Hoa Cúc xanh
Tác phẩm tranh gốm Hoa Mẫu đơn
Tác phẩm tranh gốm Hoa Mẫu đơn
Tranh gốm Hoa Mẫu đơn
Tranh gốm Hoa Mẫu đơn
Bình gốm Hoa mẫu đơn
Bình gốm Hoa mẫu đơn 
Cửu ngư mẫu đơn
Cửu ngư mẫu đơn
Tác phẩm trong bộ Cửu ngư mẫu đơn
Tác phẩm trong bộ Cửu ngư mẫu đơn
Mẫu đơn đón ánh bình minh
Mẫu đơn đón ánh bình minh
Hoa Mẫu đơn
Hoa Mẫu đơn màu men rạng rỡ đón bình minh 
Tác phẩm trong bộ Hoa Mẫu đơn
Tác phẩm trong bộ Hoa Mẫu đơn
Một tác phẩm trong bộ Hoa Mẫu đơn
Một tác phẩm có màu men sáng trong bộ Hoa Mẫu đơn đón bình minh 
Hoa cúc giao thoa
Bình gốm hoa cúc giao thoa
Tác phẩm trong bộ Hoa cúc giao thoa
Tác phẩm trong bộ Hoa cúc giao thoa
Hoa cúc ngẫu hứng
Bộ tác phẩm hoa cúc ngẫu hứng của Nguyễn Thị Dũng 

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi nhận xét: “Ngô Trọng Văn và Nguyễn Thị Dũng biết kết hợp học thuật, các khái niệm gốm hiện đại và cả tinh thần phi câu nệ để mang đến một diện mạo gốm mới hơn. Về mặt tình tự, kỹ thuật và chất men, gốm của họ vừa chuyên chở hồn cốt, thẩm mỹ của tinh thần gốm Biên Hòa, Lái Thiêu ngày trước, vừa kết hợp với các vật liệu gốm mới, trào lưu gốm lạ, trang trí nội thất và thời trang ngày nay.

Nếu gốm trước đây hướng nhiều đến tính hiệu dụng, thì gốm của họ hướng nhiều đến tính vô dụng. Vì vô dụng mà tăng tính khả dụng, nơi họ muốn rời xa khái niệm “đồ dùng gốm” để tiệm cận “tác phẩm gốm” và “nghệ thuật gốm”.

Bài, ảnh, video: Hòa Bình