Nghiên cứu khoa học cũng... phân biệt giới tính?

Các nghiên cứu luôn được các nhà khoa học thực hiện theo một quy trình chuẩn mực và nghiêm khắc nhất có thể để đảm bảo độ chính xác của các kết quả đầu ra. Nhưng có những “sai số” ảnh hưởng đến nghiên cứu mà chính họ cũng không ngờ tới: giới tính của chính họ.
Mùi của nam giới khiến chuột căng thẳng hơn nữ giới (Ảnh: AFT)
Mùi của nam giới khiến chuột căng thẳng hơn nữ giới (Ảnh: AFT)

Mùi của nam giới khiến chuột căng thẳng hơn nữ giới

Một nhóm nhà khoa học ở Trường đại học McGill thực hiện một nghiên cứu để tìm ra loại thuốc có thể làm giảm đau ở người bằng cách gây một số khó chịu cho chuột. Nhưng có những điều kì lạ xảy ra: đôi khi, những con chuột không phản ứng như mong đợi khi bị tiêm vào các chi - đáng lẽ gây ra đau đớn.

Ban đầu, các nhà thực nghiệm nghĩ rằng có điều gì đó không ổn với loại thuốc mà họ dùng. Tuy nhiên, khi họ rời khỏi phòng thí nghiệm thì những con chuột bắt đầu cho thấy những dấu hiệu đau đớn. Điều đó chứng tỏ rằng bản thân những nhà thí nghiệm, bằng cách nào đó, đã đóng vai trò như một tác nhân giảm đau ở động vật.

Các nhà khoa học đã lặp đi lặp lại điều này để xem nghi ngờ của họ có chính xác không. “Đây là một sự ngạc nhiên lớn đối với chúng tôi vì nó là sự thật, nhưng chỉ là một nửa sự thật. Bởi vì chỉ những người làm thí nghiệm là nam (chứ không phải nữ) thì mới ảnh hưởng đến mấy con chuột,” Mogil - người dẫn đầu cuộc nghiên cứu, cho biết.  

Trong nghiên cứu của mình được xuất bản trực tuyến trên tạp chí Nature Methods, nhóm nhà khoa học của Mogil cho biết rằng: các loài gặm nhấm trong phòng thí nghiệm trở nên stress khi có mặt các nhà nghiên cứu nam. Căng thẳng dẫn đến việc giải phóng các hóa chất trong cơ thể có tác dụng như thuốc giảm đau.

Và lý do cơ bản cho phản ứng này là gì? Là bởi vì nam giới có mùi khác với nữ giới.

"Chúng tôi nhận thấy rằng phản ứng này có liên quan đến khứu giác bởi vì chỉ cần một người nữ làm thí nghiệm mặc một chiếc phông của nam giới thì cơ thể của chuột cũng có thể sản xuất ra thuốc giảm đau,” Mogil nói. "Nguyên nhân tạo ra hiệu ứng này chính là những mùi kích thích khứu giác được giải phóng từ nách, đặc biệt mùi được giải phóng từ nách đàn ông thì có nồng độ cao hơn phụ nữ."

Phát hiện này rất quan trọng vì các nhà nghiên cứu cần phải nhận thức được rằng giới tính của một người thử nghiệm có thể làm thay đổi kết quả của các xét nghiệm - và điều đó có thể làm mất hiệu lực các kết luận nghiên cứu.

Kết quả bài kiểm tra IQ cũng phụ thuộc vào giới tính

Nhà nghiên cứu Colin Chapman đã phát hiện ra sự ảnh hưởng về mặt giới tính đến kết quả nghiên cứu một cách đầy khó khăn. Ông đã đến Thụy Điển nhờ học bổng Fulbright để khởi đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực khoa học thần kinh. Và ông quyết định nghiên cứu xem liệu thuốc xịt mũi có chứa một hormone gọi là oxytocin có giúp kiểm soát chứng béo phì hay không. Hormone này ảnh hưởng đến sự thèm ăn và hành vi bốc đồng ở những người đàn ông béo phì.

"Tôi thực sự vui mừng về dự án này, từ những gì tôi hiểu về cách thức hoạt động của bộ não, tôi nghĩ đây sẽ là một nghiên cứu tuyệt vời," ông nói.

Nghiên cứu khoa học cũng... phân biệt giới tính? - 2

Giới tính của các nhà khoa học ảnh hưởng đến kết quả nghiên cứu (Ảnh: Getty Image)

Chapman thiết lập thí nghiệm và sau đó tiếp tục theo học trường Luật Harvard. Khi ông trở lại, kết quả hoàn toàn trái ngược với những gì ông mong đợi, "và tôi đã thực sự thất vọng vì đây là “đứa con” của tôi, đó là dự án lớn của tôi trong lĩnh vực khoa học thần kinh."

Nhưng Chapman hóa ra lại hoàn toàn đúng.

"Có một nhóm nghiên cứu khác đã đưa ra ý tưởng tương tự cùng thời điểm với tôi," ông nói. "Về cơ bản họ đã khởi động cùng một dự án giống tôi nhưng họ nhận được chính xác kết quả mà tôi mong đợi."

Điều đó khiến ông tự hỏi điều gì đã xảy ra với thử nghiệm của mình. Một khả năng là hormone mà ông đang sử dụng, oxytocin, có thể truyền qua không khí và ảnh hưởng đến các tương tác xã hội, đặc biệt là giữa những người dị tính với người ở giới tính khác. Vì vậy, ông lo lắng rằng hormone chính là nguyên nhân làm rối tung các kết quả của ông.

Trong thí nghiệm thành công của nhóm nghiên cứu kia, họ đã thí nghiệm với một người đàn ông và hai người phụ nữ, nhưng khi Chapman bày tỏ băn khoăn của mình về vấn đề giới tính trong thí nghiệm thì: "không ai theo dõi điều đó, bởi vì đó không phải là thứ thường được theo dõi trong khoa học, nói chung."

Chapman và hai đồng nghiệp của mình cho rằng đó là một sai lầm lớn. Trong bài báo xuất bản trên tạp chí Science Advances, họ tìm hiểu về lịch sử khoa học và tìm thấy nhiều ví dụ khác về các nghiên cứu bị ảnh hưởng bởi giới tính của người làm thí nghiệm.

"Ngay cả một thứ được cho là có tính ổn định như chỉ số IQ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi giới tính của người thử nghiệm," ông nói, đề cập đến một nghiên cứu tiến hành trong những năm 1970. "Nếu bạn cho một sinh viên nữ thí nghiệm cùng với một sinh viên nam, thì bạn sẽ thấy họ được điểm số IQ cao hơn so với bình thường."

Đây cũng là một vấn đề lớn trong nghiên cứu nỗi đau. Một người đàn ông dị tính khi tham gia vào một thử nghiệm nỗi đau sẽ thấy đau nhiều hơn khi người thí nghiệm là nam và ngược lại, Chapman nói. Ông nghi ngờ nguyên nhân của điều này một phần là do người đàn ông - trong tiềm thức - luôn cố gắng gây ấn tượng với người phụ nữ, và nó khiến họ cảm thấy bớt đau đớn.

Theo Khám Phá

http://khampha.vn/tin-quoc-te/nghien-cuu-khoa-hoc-cung-phan-biet-gioi-tinh-c5a688836.html