Nghiêm cấm cung cấp thông tin không đúng sự thật khi đăng ký hộ tịch trực tuyến

Theo Nghị định 87 về Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến mới được Chính phủ ban hành, cung cấp thông tin không đúng sự thật khi đăng ký hộ tịch trực tuyến là một trong những hành vi bị cấm.

Theo Nghị định 87, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký tài khoản, xác thực người dùng theo hướng dẫn (Ảnh minh họa)

CSDL hộ tịch điện tử được bảo mật, đảm bảo an toàn thông tin


Chính phủ vừa ban hành Nghị định 87 về Cơ sở dữ liệu (CSDL) hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch trực tuyến.

Có hiệu lực từ ngày 15/9/2020, Nghị định 87 quy định việc xây dựng, quản lý, cập nhật, khai thác, sử dụng CSDL hộ tịch điện tử; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL hộ tịch điện tử với CSDL quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, CSDL khác của bộ, ngành, địa phương; cấp bản sao trích lục hộ tịch, xác nhận thông tin hộ tịch; đăng ký hộ tịch trực tuyến.

CSDL hộ tịch điện tử là CSDL được lập trên cơ sở tin học hóa công tác đăng ký hộ tịch nhằm lưu giữ thông tin hộ tịch của cá nhân được đăng ký theo quy định pháp luật, bằng thiết bị số, trong môi trường mạng, thông qua Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung.

Nghị định quy định rõ các nguyên tắc xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác, sử dụng CSDL hộ tịch điện tử, đăng ký hộ tịch điện tử.

Theo đó, CSDL hộ tịch điện tử được xây dựng tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; được cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác; duy trì hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật; đồng thời lưu trữ, bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin.

Việc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng CSDL hộ tịch điện tử và đăng ký hộ tịch trực tuyến phải tuân thủ Luật Hộ tịch, các văn bản quy định chi tiết thi hành; các quy định pháp luật về kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam; quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; các quy định về bảo đảm bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Những hành vi không được làm, theo quy định tại Nghị định 87, bao gồm: Cung cấp thông tin không đúng sự thật khi đăng ký hộ tịch trực tuyến; Phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin hoặc cản trở quá trình vận hành, duy trì ổn định, liên tục của CSDL hộ tịch điện tử;

Truy cập trái phép vào CSDL hộ tịch điện tử; làm sai lệch thông tin, thay đổi, xóa, hủy dữ liệu trái pháp luật trong CSDL hộ tịch điện tử; khai thác, sử dụng hoặc tiết lộ thông tin từ CSDL hộ tịch điện tử không đúng quy định, xâm phạm quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

4 phương thức nhận kết quả đăng ký hộ tịch

Cùng với hướng dẫn xây dựng, cập nhật, khai thác, sử dụng CSDL hộ tịch điện tử, Nghị định 87 cũng quy định cụ thể việc đăng ký hộ tịch trực tuyến, quản lý sổ hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch, văn bản xác nhận thông tin hộ tịch.

Theo đó, với việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến, Nghị định 87 quy định, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến truy cập Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký tài khoản, xác thực người dùng theo hướng dẫn.

Sau khi đăng nhập tài khoản thành công, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến cung cấp thông tin theo biểu mẫu tương tác, đính kèm bản chụp hoặc bản sao điện tử các giấy tờ, tài liệu theo quy định; nộp phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến hoặc bằng cách thức khác theo quy định pháp luật.

Nhận kết quả tại cơ quan đăng ký hộ tịch là 1 trong 4 phương thức nhận kết quả đăng ký hộ tịch (Ảnh: luatvietnam.vn)

Hoàn tất việc nộp hồ sơ, người có yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến được cấp 1 mã số hồ sơ thủ tục hành chính để theo dõi, tra cứu tiến độ giải quyết hồ sơ hoặc truy cập để hoàn thiện hồ sơ khi có yêu cầu của cơ quan đăng ký hộ tịch. Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch có trách nhiệm lưu giữ, bảo đảm bí mật mã số hồ sơ thủ tục hành chính.

Ngay trong ngày làm việc, khi nhận được hồ sơ yêu cầu đăng ký hộ tịch trực tuyến, cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm tra tính đầy đủ, phù hợp quy định pháp luật của hồ sơ.

Người có yêu cầu đăng ký hộ tịch sẽ được nhận kết quả đăng ký hộ tịch theo một trong 4 phương thức gồm: Nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch gửi qua thư điện tử, kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân đó; Nhận bản điện tử giấy tờ hộ tịch gửi vào thiết bị số, thông qua phương pháp truyền số liệu phù hợp, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin; Nhận kết quả là giấy tờ hộ tịch thông qua hệ thống bưu chính; Nhận kết quả là giấy tờ hộ tịch tại cơ quan đăng ký hộ tịch.

Về tiến độ xây dựng CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc, theo Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT, tính đến giữa tháng 7/2020, Hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch dùng chung của Bộ Tư pháp đã được triển khai tại 62/63 tỉnh, thành phố. Hệ thống đã có 9.759.453 dữ liệu đăng ký khai sinh; 2.315.828 dữ liệu đăng ký kết hôn; 3.072.047 dữ liệu giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; 1.551.410 dữ liệu đăng ký khai tử. 

Theo ICTNews