Nghịch lý từ doanh thu “khủng” của NXB Giáo dục

VietTimes -- Một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước kinh doanh có lãi đáng ra phải là việc nên mừng. Nhưng chuyện ăn nên làm ra của Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam – đơn vị nhiều năm liền giữ thế độc quyền trong lĩnh vực xuất bản sách giáo khoa – lại đang đặt ra những vấn đề khác, thậm chí đâu đó đã có ý kiến xem đây như nghịch lý…
Ảnh minh họa (Nguồn: NXBGDVN)
Ảnh minh họa (Nguồn: NXBGDVN)

Trước tiên, cần ghi nhận rằng, căn cơ câu chuyện xoay quanh việc độc quyền Sách giáo khoa của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam - hay được biết đến với tên gọi phổ biến hơn là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) - đã xuất phát từ cách đây hơn 12 năm.

Cụ thể, khi Luật giáo dục năm 2005 ra đời, theo đuổi phương thức “một chương trình, một bộ sách giáo khoa”, nên chỉ còn chương trình (hiện hành) của Bộ Giáo dục và Đào tạo (BGD) được áp dụng trong dạy và học. NXBGDVN, - công ty được BGD nắm giữ 100% vốn điều lệ - đã tự nhiên trở thành đơn vị độc quyền phát hành sách giáo khoa kể từ đó.

Có lẽ nhờ lợi thế này, NXBGDVN đã vươn lên vị trí nhà xuất bản lớn nhất, chiếm đến 80% thị phần phát hành sách trong cả nước. Tính đến 31/12/2017, công ty này đang được tái cơ cấu theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con bao gồm 8 đơn vị trực thuộc, 10 công ty con và nhiều công ty liên kết khác.

Hiệu quả từ lợi thế “độc quyền”, nhìn từ nhà xuất bản

Kết quả kinh doanh của NXBGDVN trong 3 năm gần nhất (2015 – 2017) khá khả quan. Doanh thu tăng trưởng hàng năm từ 5 – 10%; lợi nhuận cũng ghi nhận đà tăng mạnh, từ 32 tỷ đồng năm 2015 đã đạt mức 150 tỷ đồng năm 2017 (tăng trưởng 468%). Sản lượng sản phẩm chủ lực là sách giáo khoa cũng đạt bình quân 105 triệu bản mỗi năm.

Lợi nhuận của NXBGDVN, xin lưu ý, có phần được cải thiện, vì công ty này đang trong quá trình tái cơ cấu. Cụ thể, giai đoạn (I) từ năm 2014 – 2016 và giai đoạn (II) từ năm 2017 – 2023, đã ghi nhận doanh thu tài chính từ việc tiến hành thoái vốn tại một số công ty thành viên, với tổng giá trị vốn đã thoái từ năm 2014 tới nay là 75,75 tỷ đồng.

Để tìm hiểu rõ hơn tác động đến doanh thu, lợi nhuận của NXBGDVN từ việc bán sách giáo khoa, cần phải xét đến các phần thuyết minh về khoản mục này trên báo cáo tài chính, dù điều này có phần khập khiễng, vì chưa có đủ thông tin của riêng công ty mẹ.

Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất đã soát xét năm 2016, doanh thu từ bán sách giáo khoa, sách tham khảo đạt 1.093 tỷ đồng, chiếm 69,8% tổng doanh thu; giá vốn hàng bán từ sản phẩm này đạt 791 tỷ đồng. Bằng phép tính trừ đơn giản, có thể thấy lợi nhuận gộp thu về từ mặt hàng này là 302 tỷ đồng.

Để tìm ra mức lợi nhuận thu về cuối cùng, cần phải tính đến chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp có liên quan, mà hai chi phí này năm 2016 có tổng giá trị lên tới 331 tỷ đồng.

Cũng cần lưu ý, đây là kết quả kinh doanh tổng hợp cả của công ty mẹ và các công ty con, và bên cạnh sách giáo khoa, và sách tham khảo, NXBGDVN còn bán các thiết bị giáo dục, thiết bị dạy học khác có liên quan tới việc giảng dạy theo chương trình của BGD, nên tổng nguồn doanh thu đem lại (thực chất) sẽ còn cao hơn.

Năm 2017, BCTC riêng đã được kiểm toán của công ty mẹ lại “thiếu” phần thuyết minh chi tiết về cơ cấu doanh thu và giá vốn hàng bán ở trang số 40. Dù rằng, bản thuyết minh báo cáo tài chính riêng phải là một bộ phận không tách rời với báo cáo này.

Tìm đến BCTC giữa niên độ 6 tháng đầu năm 2017, tổng doanh thu ghi nhận của NXBGDVN là 856 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu sách giáo khoa đạt 621 tỷ đồng, sách tham khảo đạt 2,6 tỷ đồng và doanh thu từ thu phí quản lý xuất bản, sách bổ trợ là 91 tỷ đồng.

Số liệu này mang tính chất thời vụ, nên chưa thể phản ánh chính xác tác động từ việc bán sách giáo khoa tới doanh thu của NXBGDVN.

Chỉ biết rằng, trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 và kế hoạch 5 năm giai đoạn 2017 – 2022, NXBGDVN nhiều lần đề cập tới việc tăng giá bán sách giáo khoa vì lĩnh vực kinh doanh này là "đang thua lỗ”.

Tới nguồn lực xã hội

Để lập nên kế hoạch kinh doanh năm 2018, ban lãnh đạo NXBGDVN, bên cạnh các căn cứ pháp lý và tài chính, còn dựa vào số liệu mang tính chất đặc thù ngành là nguồn dữ liệu của BGD để dự báo số liệu học sinh, trường, lớp, giáo viên cho năm học mới.

Cụ thể, tổng doanh thu năm 2018 dự kiến đạt 1.180 tỷ đồng, bằng 106% so với năm 2017. Dự kiến lợi nhuận trước thuế dự kiến năm 2018 đạt 82 tỷ đồng, tăng trưởng 4% so với năm 2017. Chỉ tiêu sản lượng sách giáo khoa phát hành năm 2018 được NXBGD giảm 1 triệu bản so với năm 2017, xuống mức 105 triệu bản.

Mức sản lượng giảm được ban lãnh đạo NXBGDVN lý giải, do thời điểm lập kế hoạch (tháng 8/2017), chưa có thông tin chính thức về chủ trương thay mới SGK nên các công ty phát hành có tâm lý e dè trong việc đặt hàng (gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng phát hành dự kiến).

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng thực hiện chủ trương chung của BGD về việc sách giáo khoa tồn kho cuối năm ở mức thấp nhất, đặc biệt là sách giáo khoa lớp 1.

Cơ sở để thực hiện được kế hoạch kinh doanh phụ thuộc chủ yếu vào việc điều chỉnh tăng bìa sách giáo khoa lên 10%.

Yếu tố này cũng góp phần thực hiện mục tiêu doanh thu tăng trưởng bình quân 4%/năm, hướng đến mốc 1.500 tỷ đồng năm 2022. Bên cạnh đó, mức lợi nhuận mục tiêu năm 2022 là 90 tỷ đồng, mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 2%.

Đối với một doanh nghiệp nhà nước, việc kinh doanh có lãi và tiếp tục phát triển là điều đáng mừng. Tuy nhiên, ở góc độ khác, sự lãng phí nguồn lực xã hội lại xuất phát từ sản phẩm sách giáo khoa do NXBGDVN phát hành, vì học sinh chỉ sử dụng được một lần.

Lắng nghe nhiều ý kiến cử tri, có lẽ Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội - bà Nguyễn Thanh Hải - là người nắm rõ về vấn đề này.

Ngày 12/9/2018, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi, bà Hải đã thẳng thắn đề cập đến tình trạng lãng phí đang diễn ra bằng cách trích dẫn các số liệu về hoạt động kinh doanh của NXBGDVN và số lượng hơn 100 triệu bản sách giáo khoa in mới hằng năm.

“Trung bình mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa. Việc sử dụng một lần chỉ do viết bài tập vào sách mà không phải lý do gì khác” - bà Hải phát biểu.

Cũng cần lưu ý, với phương thức “một chương trình, một bộ sách giáo khoa” áp dụng như hiện nay, quá trình xuất bản 1 bộ sách giáo khoa từ khâu biên soạn, thẩm định, phê duyệt, xuất bản, in và phát hành đều có sự tham gia của BGD, đơn vị chủ quản của NXBGDVN.

Khách quan mà nói, con số lãng phí 1.000 tỷ đồng hàng năm có thể được coi là lớn, nếu đặt số tiền ấy cùng với các dự án nghìn tỷ khác cũng trong ngành giáo dục, hay với doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước cũng có lợi thế độc quyền. Đó là điều rất đáng suy ngẫm.

Sắp tới đây, vị thế độc quyền của NXBGDVN sẽ bị phá vỡ khi triển khai phương châm giáo dục mới "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa". Khi ấy. khả năng điều tiết thị trường của doanh nghiệp nhà nước này là đang bỏ ngỏ. 

Đó là chưa kể đến việc, giá bán sách giáo khoa cũng đã được NXBGDVN giữ ổn định, bất chấp vật giá leo thang sau nhiều năm./.