Nghi án bán tranh danh họa giá “khủng” khó xác định thật giả

VietTimes – Nhiều bức tranh của các bậc danh họa tiền bối thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương đang được rao bán với những mức giá cao ngất ngưởng trên thị trường thế giới, nhưng rất khó xác định được thật giả với các bức tranh này.
Tranh sơn mài “Dân quê Việt” được ghi tên Nguyễn Sáng sẽ bán ra trong phiên đấu giá ngày 6/10/2019
Tranh sơn mài “Dân quê Việt” được ghi tên Nguyễn Sáng sẽ bán ra trong phiên đấu giá ngày 6/10/2019

Sắp tới, trong phiên đấu giá ngày 5 và 6/10/2019, tại sàn đấu giá Sothebys (Hong Kong) sẽ bán ra các bức tranh của các danh họa Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng và Nguyễn Gia Trí.

Thông tin trên trang Sothebys cho biết sàn đấu giá này sẽ bán ra bức “Lá thư” của danh họa Tô Ngọc Vân, với giá khởi điểm từ 800.000 đến 1.500.000 HKD; tranh lụa “Hai cô gái” của Trần Văn Cẩn giá khởi điểm từ 60.000 đến 90.000 HKD; tranh sơn mài “Dân quê Việt” của Nguyễn Sáng giá khởi điểm từ 100.000 đến 150.000 HKD và bức tranh sơn mài “Tranh phong cảnh” của danh họa Nguyễn Gia Trí với mức giá khởi điểm từ 1.200.000 đến 1.800.000 HKD (tương đương 153.366 USD đến 230.000 USD).

Với những mức giá khởi điểm như thế này, thường là tranh danh họa thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương sẽ về tay chủ mới với những mức giá rất “khủng”, gấp đôi giá đề xuất, có thể gõ búa lên tới hơn 500.000 USD.

"Tranh phong cảnh" được ghi tên của danh họa Nguyễn Gia Trí sẽ bán ra với mức giá khởi điểm từ 1.200.000 đến 1.800.000 HKD (tương đương 153.366 USD đến 230.000 USD)
"Tranh phong cảnh" được ghi tên của danh họa Nguyễn Gia Trí sẽ bán ra với mức giá khởi điểm từ 1.200.000 đến 1.800.000 HKD (tương đương 153.366 USD đến 230.000 USD)

Còn nhớ cách đây hai năm, bức tranh được ghi tên là của danh họa Lê Phổ không hiểu sao lại có tới… hai bàn tay trái bị giới chuyên môn phát hiện, nhưng cuối cùng bức tranh vẫn được bán ra thành công.  

Đó là bức tranh lụa khổ 63x46cm có tên “Gia đình” (The Family) được ghi là của danh họa Lê Phổ (vẽ khoảng 1938-1940) đã được nhà đấu giá Sotheby's Hong Kong bán ra với giá khởi điểm từ 1.500.000 — 2.500.000 đôla HK (khoảng 191.730 – 319.550 USD) trong phiên đấu giá “Nghệ thuật Hiện đại và Đương đại” diễn ra chiều tối ngày 30/9/2017 tại Hong Kong.

Bức tranh lụa của danh họa Lê Phổ đã bán thành công với mức giá gõ búa “khủng” lên tới 4.180.000 HKD, gần gấp đôi mức đề xuất ban đầu, tương đương 534.266 USD.

Hồi năm 2017, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Phạm Long đã sửng sốt đặt vấn đề: “Chẳng lẽ danh họa Lê Phổ, một trong những học trò ưu tú nhất của Trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 1, người được cụ Victor Tardieu cưng chiều nhất và đặt hy vọng nhiều nhất, lại mắc lỗi hình họa sơ đẳng như vậy? Dường như cổ tay phải của bà mẹ này đã được cắm thêm vào ... một bàn tay trái. Danh họa Lê Phổ không bao giờ vẽ siêu thực, nên cụ không vẽ người dị dạng. Vậy không biết đây có phải là tranh của Lê Phổ không? Bình thường, cụ vẽ bàn tay điêu luyện lắm, chứ không “dại” như bức này?”

Cùng với nhà nghiên cứu Phạm Long, nhiều họa sĩ khác đã lên tiếng về việc ánh mắt trong bức tranh được cho là của Lê Phổ cũng “dại”, kém và thô ráp hơn hẳn các bức họa khác của danh họa này. Thậm chí, nhà nghiên cứu - họa sĩ Nguyễn Khắc Chinh từng gửi thư cảnh  báo tới sàn đấu giá Sotheby's Hong Kong nhưng những email gửi đi đều rơi vào im lặng, không có hồi đáp.

Một phần của bức tranh "The Family" được ghi tên danh họa Lê Phổ và bán ra với mức giá khủng, trở thành scandal ầm ĩ làng mỹ thuật Việt
Một phần của bức tranh "The Family" được ghi tên danh họa Lê Phổ và bán ra với mức giá khủng, trở thành scandal ầm ĩ làng mỹ thuật Việt 

Cùng phiên đấu với bức “The Family” ghi tên danh họa Lê Phổ, sàn đấu giá Sotheby's Hong Kong còn bán ra trong ngày 30/9/2017 hai bức tranh khác của họa sĩ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, đều có giá xấp xỉ 1 triệu HKD. 

Đặc biệt, bức “Phong cảnh chùa Thầy” ghi tên danh họa Nguyễn Gia Trí bán ra hồi đó bị các nhà nghiên cứu, phê bình mỹ thuật và các họa sĩ lên tiếng nghi là tranh giả, vì có nhiều dấu hiệu cho thấy bức tranh sơn mài khổ lớn đã nhái phong cách của họa sĩ Hoàng Tích Chù.

Mặc dù các họa sĩ, nhà nghiên cứu đã lên tiếng cảnh báo cả trên các phương tiện truyền thông và liên lạc tới sàn đấu giá Sotheby's Hong Kong nhưng các bức tranh nói trên vẫn được bán ra thành công.

Vì thế, chuẩn bị phiên đấu giá ngày 5 và 6/10/2019 tới, dư luận trong giới hội họa Việt lại nóng lên lần nữa. Nhà nghiên cứu Phạm Long và các họa sĩ lại một lần phải lên tiếng cung cấp những thông tin tới giới đầu tư và công chúng hãy cẩn thận với các bức tranh được ghi tên các danh họa Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng và Nguyễn Gia Trí sắp được bán ra với những mức giá “khủng”.

“Bức sơn mài “Dân quê Việt” ghi tên là của danh họa Nguyễn Sáng nhìn rất giống tranh mỹ nghệ. Như một số họa sĩ khác cũng đã nhận xét, liệu một bức vẽ ngô nghê như vậy có xứng để đề tên danh họa vào đó và bán ra với mức giá “khủng” hay không?” – Nhà nghiên cứu Phạm Long cảnh báo.