Ngày 24/5, Quốc hội sẽ bàn về dự thảo Luật Tố cáo và Luật Cạnh tranh sửa đổi

VietTimes -- Theo chương trình Kỳ họp thứ 5, ngày 24/5. Quốc hội sẽ thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi) và Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đây là hai dự thảo luật sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.
Luật Tố cáo (sửa đổi) và Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận trong ngày 24/5 - Ảnh: Quochoi.vn
Luật Tố cáo (sửa đổi) và Luật Cạnh tranh (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận trong ngày 24/5 - Ảnh: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu sẽ điều hành phiên họp này. Trong buổi sáng, Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi). Sau đó, các đại biểu thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.  Cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi), sau đó tiếp tục được thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận một số vấn đề còn ý kiến khác nhau: Về hình thức tố cáo (Điều 22); thời hiệu tố cáo (Điều 27); quy định rút tố cáo (Điều 33); cấp giải quyết tố cáo cuối cùng (Điều 29, 37); bảo vệ người tố cáo (Chương VI) và một số vấn đề cụ thể khác…

Buổi chiều, Quốc hội sẽ nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Trên cơ sở báo cáo này, các đại biểu Quốc hội thảo luận các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật. Cơ quan trình, cơ quan chủ trì thẩm tra báo cáo, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Trước đó, Dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi) đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Dự thảo Luật đã được giải trình, tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 121 điều. Phạm vi điều chỉnh (Điều 1); Đối tượng áp dụng (Điều 2); Giải thích từ ngữ (Điều 3); Áp dụng luật này và các luật khác có liên quan (Điều 4); Chính sách của Nhà nước về cạnh tranh (Điều 6); Trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh (Điều 7); Hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước (Điều 8)...  sẽ là những vấn đề sẽ được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp lần này.