Ngày 14/9, Indonesia sẽ trao trả 228 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ vì vi phạm lãnh hải

VietTimes -- TTXVN dẫn nguồn Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia cho biết, ngày 14/9 phía Indonesia sẽ trao trả  228 ngư dân Việt Nam bị bắt giữ trước đó do vi phạm lãnh hải. Đây là lần đầu tiên Indonesia áp dụng hình thức trao trả ngư dân trên biển và là đợt trao trả số lượng ngư dân lớn nhất từ trước tới nay. 

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn (áo trắng) trong lần đưa tiễn các ngư dân được Indonesia trao trả hồi cuối năm 2015 tại sân bay Soekarno-Hatta - Ảnh: ĐSQ VN tại Indonesia
Đại sứ Hoàng Anh Tuấn (áo trắng) trong lần đưa tiễn các ngư dân được Indonesia trao trả hồi cuối năm 2015 tại sân bay Soekarno-Hatta - Ảnh: ĐSQ VN tại Indonesia

Dự kiến, Indonesia sẽ điều 3 tàu để chở số ngư dân Việt Nam nói trên đến vùng biển Natuna thuộc Indonesia để thực hiện cuộc trao trả sang tàu của Việt Nam.

Số ngư dân này sẽ được đưa về Việt Nam sau hành trình khoảng 4 - 5 ngày. Trước đó, việc trao trả ngư dân thường tiến hành qua đường hàng không nên khá tốn kém, số lượng ngư dân được trao trả ít. 

Indonesia cho biết, dù số lượng trao trả ngư dân là lớn nhất từ trước tới nay, nhưng không phải tất cả các ngư dân Việt Nam bị bắt giữ vì vi phạm lãnh hải nước này được thả. Trước thời điểm trao trả số ngư dân này, có khoảng 312 ngư dân Việt Nam đang bị tạm giữ tại các đảo của Indonesia. 

TTXVN không cho biết số phận các tàu cá Việt Nam bị phía Indonesia bắt giữ sẽ xử lý ra sao. Tuy nhiên, từ hai năm gần đây Indonesia có cách xử lý khá cứng rắn với tàu cá nước ngoài bị bắt giữ vì vi phạm lãnh hải.

Nước này đã tổ chức nhiều đợt đánh đắm các tàu cá bị bắt giữ, với số lượng lên tới hàng trăm tàu, trong đó có cả tàu cá của Trung Quốc, Việt Nam và nhiều nước khác.

Do vậy, dù được Indonesia trao trả, nhưng khi về đến Việt Nam, các ngư dân sẽ đối mặt với áp lực nợ nần rất lớn.

Ngư dân Việt Nam chịu bỏ tiền mua bảo hiểm cho tàu và cho người làm công trên tàu đã ít, nhưng ngay những chủ tàu đã mua đủ hai loại bảo hiểm này thì cũng khó được đền bù. Lý do vì trong quy định bảo hiểm hiện nay đã loại trừ việc đền bù cho những lỗi chủ quan do chủ tàu gây ra, trong đó có lỗi vi phạm lãnh hải nước khác.

Nói cách khác, các ngư dân - chủ tàu sẽ tay trắng hoàn toàn khi về tới Việt Nam và vẫn chịu nợ với ngân hàng, chủ cho vay lãi, dù công cụ sản xuất đã không còn.