Ngành than, khoáng sản sẽ gặp khó trong năm 2016

Trong năm 2016 dự báo ngành than, khoáng sản của Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của giá bán thấp và chi phí khai thác ngày một tăng cao.
Sản xuất than tại mỏ than Vàng Danh, Quảng Ninh - Ảnh: Văn Nam
Sản xuất than tại mỏ than Vàng Danh, Quảng Ninh - Ảnh: Văn Nam

Ngay trong tháng 1-2016 vừa qua, sản lượng khai thác alumin đã giảm sút và giá xuất khẩu quặng và khoáng sản cũng giảm mạnh, theo Bộ Công Thương.

Tổng sản lượng than sạch khai thác trong tháng 1 đạt 3,7 triệu tấn (tương đương với cùng kỳ năm 2015) và sản lượng khai thác alumin tháng 1 đạt khoảng 36.000 tấn, giảm gần 27% so với cùng kỳ năm 2015. Riêng về giá xuất khẩu trong tháng 1 đối với mặt hàng quặng và khoáng sản giảm rất mạnh đến gần 70% so với cùng kỳ năm 2015.

Theo nhận định của Bộ Công Thương, dự báo năm 2016 ngành than, khoáng sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn do giá bán thấp, điều kiện khai thác ngành than, khoáng sản càng khó khăn khiến chi phí tăng.

Theo Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), sản lượng than thương phẩm năm 2015 đạt xấp xỉ 40 triệu tấn, đáp ứng đủ cho nhu cầu than trong nước và xuất khẩu.

Trong một cuộc họp về điều chỉnh quy hoạch ngành than mới đây, Thủ tướng Chính phủ đồng ý kiểm soát việc phát triển nguồn nhiệt điện than một cách hợp lý và yêu cầu ngành than và ngành điện tập trung phát triển 4 trung tâm nhiệt điện than tại miền Nam gồm nhiệt điện Vĩnh Tân, nhiệt điện Duyên Hải, nhiệt điện Sông Hậu và nhiệt điện Long Phú.

Đối với đề án điều chỉnh quy hoạch than 60 (quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020 có xét đến năm 2030), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát triển ngành than bền vững trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ưu tiên đáp ứng nhu cầu than trong nước, giảm xuất khẩu than.

Theo các chuyên gia năng lượng, các lớp than tầng cạn vỉa mỏ được khai thác cạn kiệt đã phá tan hành lang an toàn bảo vệ mỏ, than lộ vỉa khai thác cạn kiệt bởi đây là tầng dễ khai thác, ít tốn chi phí, nhưng vô tình đã phá tan tất cả sự an toàn mỏ.

Trong khoảng 20 năm nay TKV đã khai thác hơn 150 triệu tấn than tầng vỉa mỏ và chính điều này đã làm mất đi hành lang bảo vệ các mỏ than.

Theo các nhà khoa học, Việt Nam không phải là quốc gia có tiềm năng lớn về khoáng sản năng lượng, trong đó có than đá, mặc dù có trữ lượng nhiều tỉ tấn nhưng ngày càng phải khai thác sâu hơn. Bể than sông Hồng chẳng hạn, tuy được dự báo vài trăm tỉ tấn, nhưng nằm ở độ sâu hàng ngàn mét dưới lòng đất, điều kiện khai thác cực kỳ khó khăn, phức tạp cả về công nghệ, an sinh xã hội lẫn môi trường.

Theo ghi nhận của phóng viên TBKTSG Online mới đây tại mỏ than Vàng Danh ở Quảng Ninh - một mỏ than lớn nhất của TKV nơi mỗi năm có lượng khai thác 3,5 triệu tấn, có thời gian khai thác từ năm 1964 đến nay cho thấy: tầng khai thác ngày một xuống sâu dưới lòng đất hơn nên điều kiện khai thác ngày càng khó khăn hơn. Hiện nay hơn 6.220 công nhân của mỏ than Vàng Danh đang khai thác ở tầng sâu 150 mét dưới lòng đất và TKV tiếp tục khoan thăm dò để dẫn độ sâu khai thác xuống mức 175 mét.

Theo TBKTSG