Quốc Phong
Quốc Phong

Nhà báo

Ngành nào sẽ làm tiếp như Công an: Không bố trí người địa phương làm người đứng đầu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Suốt 2 năm qua, có thể nói ngành Công an đã lĩnh ấn tiên phong để thực hiện một cuộc Cách mạng về công tác tổ chức nhằm tinh gọn đầu mối và biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn lực lượng. 

Có thể coi đây là bước công việc đầu tiên rất quan trọng mà ngành Công an đã tập trung triển khai quyết liệt, nhằm thực hiện thành công 2 Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương khóa XII (số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập), và Nghị quyết của Bộ Chính trị số 22-NQ/TW ngày 15/03/2018 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Gần đây, cũng trong quá trình hoàn thiện bộ máy, một điểm nhấn khác nữa cũng đang được dư luận quan tâm và tán đồng. Đó là chủ trương đưa giám đốc công an không phải người địa phương về nhận nhiệm vụ.

Đến nay Bộ Công an đã hoàn thành việc đưa hơn 27.000 công an chính quy về 8.592 xã mà không tăng biên chế - Ảnh internet
Đến nay Bộ Công an đã hoàn thành việc đưa hơn 27.000 công an chính quy về 8.592 xã mà không tăng biên chế - Ảnh internet

Ngoài việc cắt giảm tầng nấc trung gian, bỏ 6 tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp cục, giảm gần 300 đơn vị cấp phòng, sáp nhập 20 sở cảnh sát PCCC, đến nay Bộ Công an đã hoàn thành việc đưa hơn 27.000 công an chính quy về 8.592 xã mà không tăng biên chế.

Về chủ trương giám đốc công an tỉnh không phải là người địa phương, trong 6 tháng đầu năm nay, Bộ Công an đã luân chuyển, điều động, bổ nhiệm 33 giám đốc công an tỉnh, 29 cục trưởng và tương đương...

Đó quả là một cuộc cách mạng không hề dễ dàng, được thực hiện với một yêu cầu nghiêm ngặt và xuyên suốt: Phải tuyệt đối giữ vững sự ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Người viết xin có nhận định và đánh giá cao như vậy là vì cho đến giờ, trên phạm vi cả nước, cũng đâu có những bộ, ban, ngành làm được việc này một cách thực chất, quyết liệt và hiệu quả như thế.

Việc sắp xếp bộ máy thời gian qua đã giúp ngành Công an giảm nhiều đầu mối, giảm cấp trung gian, đặc biệt là giảm rất nhiều lãnh đạo. Thế nhưng, như tôi vừa nêu, nét đặc biệt trong đó, chính là chuyện rút dần để tiến tới không để giám đốc Công an tỉnh, thành phố là người địa phương.

Đến đây một câu hỏi tất sẽ nảy ra: vậy thì ở những ngành có quan hệ, tiếp xúc với dân tạm cọi là ngành “nhạy cảm” như Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, Hải quan, Quản lý Thị trường, Thuế, Tài Nguyên Môi trường, Thanh tra Chính quyền hoặc Kiểm tra Đảng, tổ chức xây dựng Đảng, việc người đứng đầu không nên là người địa phương có nên được đặt ra hay không và sẽ được thực hiện ra sao?

Tôi nghĩ có lẽ chúng ta cũng nên suy nghĩ và làm như ngành Công an từng làm: Tại mỗi đơn vị hành chính (tỉnh, huyện, xã), không nên để người đứng đầu những ngành như trên là người địa phương. 

Cần phải làm kỹ ở nhiều lĩnh vực đó nữa, nhất là khi nhìn về thời phong kiến, theo sử cũ ghi chép lại, chúng ta cũng thấy ngay những liệt tổ liệt tông xa xưa của mình cũng đã nhìn xa trông rộng “để tránh, để né” những điều không nên, một khi đã tham chính.

Theo tác giả Thạch Viết Hà từng viết trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì “Hồi tỵ" nguyên nghĩa tiếng Hán được cổ nhân giải nghĩa là "tránh đi" hoặc "lánh đi". Sau rồi nó trở thành một khái niệm để chỉ chế độ làm việc của quan lại và của Nhà nước phong kiến.

Theo Luật Hồi tỵ, những người có quan hệ như cha con, anh em, thầy trò, bạn bè hay là người cùng quê… thì không được cùng làm quan hay làm việc một chỗ; hoặc quan lại không được làm việc tại bản quán, quê mẹ, quê vợ v.v.

 Luật này chặt chẽ đến độ nếu như ai gặp một trong những trường hợp trên đây thì phải tự giác tâu bẩm lên để thuyên chuyển đi nơi khác.

Các triều đình phong kiến quan niệm rằng những người có quan hệ thân thuộc, gần gũi nhau thì dễ nể nang nhau, làm việc sẽ không còn vô tư, khách quan. Một khi người thân, người nhà của mình có chuyện thì người xử lý dễ sinh tâm lý bao che, nâng đỡ. Điều này sẽ gây ra nhiều tiêu cực, có thể khiến cho bộ máy nhà nước kém công minh, chính trực, kém hiệu lực.

Trong thực tế, không chỉ trong quá khứ mà cả hiện tại cũng vậy. Phàm đã là người thân quen thì thường dễ có sự đồng lõa trong việc thu vén quyền lợi, có thể dẫn đến vây bè, kéo cánh với nhau để tham nhũng tiền của của nhà nước và thâu tóm quyền lực theo kiểu “nhóm lợi ích”.

Vì thế, các vị vua phong kiến nước nhà đã tiếp thu và vận dụng chế độ Hồi tỵ vào việc xây dựng bộ máy chính quyền và thiết đặt cung cách làm việc của các cơ quan nhà nước.

Người đầu tiên áp dụng khá chi tiết và chặt chẽ đến độ khó hình dung có lẽ phải nhắc đến Vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức (1486). Ông đã ra chỉ dụ cấm quan lại lấy vợ tại nơi làm quan, nhằm ngăn chặn từ xa tình trạng các bà vợ quan điều hành, chi phối các ông chồng làm quan, hầu thao túng quyền lực của chồng.

Năm Mậu Thân (1488), Vua  còn xuống chiếu cấm tới cả những người là chú, bác - cháu ruột, anh em ruột làm cùng nơi (đến năm Bính Thìn - 1496), quy định được mở rộng đến cả những người là anh em con cô - con cậu, con dì -con già và cả những người là thông gia với nhau nếu cùng làm xã trưởng.

Rồi đến như nếu đã “lỡ” làm xã trưởng rồi thì chỉ cho giữ lại một người nào "đứng đắn nhất", có thể làm được việc, còn những người khác thì phải về làm dân.

Trong Quốc triều hình luật (thường gọi là Luật Hồng Đức) cũng có một số điều khoản mang tính "Hồi tỵ" và Vua Minh Mạng là người thực hiện Luật Hồi tỵ một cách tích cực và triệt để nhất.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã thấy được sự nguy hại của tình trạng người có quan hệ họ hàng cùng làm việc tại một công sở, nên đã từng bước đưa ra một số quy định mang tính "hồi tỵ". Song, tính khả thi và tính hiệu quả của các quy định đó còn khá hạn chế.

Chuyện buồn và đáng chỉ ra nhất có lẽ là những ví dụ điển hình ở tỉnh Hà Giang, Bắc Ninh vài năm nay, khi nhiều anh em ruột thịt nhờ có người thân giữ cương vị cao nhất tỉnh mà được thăng quan, tiến chức “thần tốc”. Cấp huyện thì phải kể đến huyện Mỹ Đức, Hà Nội khi mà nhiều vị trí quản lý ở đó đều là người nhà bí thư huyện ủy. Điều này cho thấy, một khi vai trò của cấp ủy bị tê liệt thì ông bí thư cấp tỉnh hoặc cấp huyện mà tôi vừa nêu ví dụ, họ có quyền ghê gớm ra sao !

Để bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, các cơ quan chuyên môn hoạt động có hiệu quả, nên chăng cần học ngay cái cách người xưa từng làm. Rõ ràng, trong chế độ phong kiến xưa kia, đâu phải cái gì cũng đáng phê phán như tư tưởng đã ngự trị trong đầu các ông “quan cách mạng”, có “thói kiêu ngạo cộng sản” rất lạ, luôn cho mình là đúng .

Trong vài nhiệm kỳ trước, không những không thế, chúng ta đã từng chọn ngược lại: đưa những người cần luân chuyển, thử thách về chính quê hương họ.

Tôi thấy cũng mừng, nhiệm kỳ gần đây đã ít đi rất nhiều trường hợp như vậy so với trước. Vừa qua, ngành Công an đã lĩnh ấn tiên phong thực hiện căn cơ nhất tinh thần trên, trong công tác bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo. Điều này rất đáng nhân rộng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực .

Công tác cán bộ đã và đang được Đảng ta xem như một vấn đề mấu chốt đặc biệt quan trọng để đi đến thành công trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nó đang được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết sau những bài học về hàng loạt cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật trong nhiệm kỳ này. Một việc cần đặc biệt phải lưu tâm, đó là phải có những chế tài ngăn chặn kiên quyết lối bổ nhiệm, đề bạt người nhà, người thân vào bộ máy nhà nước và các tổ chức chính trị như vừa qua. Nó vừa triệt tiêu hy vọng cống hiến, phấn đấu vì cái chung của những cán bộ có năng lực thực sự, vừa tạo sự nguy hại hơn là gián tiếp góp phần làm cho bộ máy nhà nước thiếu đi những người tài giỏi để gánh vác trọng trách.

Một xã hội nếu còn như vậy, thì dễ thấy là khó có thể phát triển nhanh và lành mạnh - điều mà tất cả chúng ta mong muốn. Nên chăng, nếu chưa thể đề ra những quy định chặt chẽ mang tính luật pháp, thì cũng nên tiến hành tiếp ở một số ngành khác như tôi vừa đề cập ở trên, giống như ngành Công an đã và đang triển khai.