Ngành công nghiệp chuối đứng trước 'cơn bão' lớn không kém Covid-19

Loại trái cây phổ biến nhất thế giới đang bị vùi dập bởi những "cơn bão" lớn. Nhưng cách mà nền công nghiệp này thích nghi với hoàn cảnh có thể mang lại những gợi ý quan trọng cho thời kỳ sau đại dịch.

Tại những đồn điền khắp vùng đất thấp nhiệt đới Ecuador, công nhân đang được cấp quần áo bảo hộ, trong khi các bộ dụng cụ mà họ sử dụng được phun chất khử trùng.


Những biện pháp phòng ngừa được thực hiện tại các trang trại trải dài giữa dãy Andes và bờ biển Thái Bình Dương không chỉ là để bảo vệ con người chống lại virus corona. Đó còn là những đòi hỏi cần thiết để bảo vệ loại cây trồng có giá trị cao của quốc gia này khỏi một căn bệnh khác, một mối đe dọa hiện hữu đối với ngành công nghiệp trị giá 25 tỷ đôla.

Cây chuối thường được xem như sản phẩm toàn cầu hóa đầu tiên của thế giới hiện đại và hiện vẫn là loại trái cây được xuất khẩu nhiều nhất hành tinh. Tuy nhiên, ngành công nghiệp có từ khoảng 130 năm trước giờ là một biểu tượng có sức thuyết phục cao cho sự mong manh tiềm ẩn của toàn cầu hóa. Cách mà nền công nghiệp này thích nghi và đối phó với hoàn cảnh có thể đưa ra đề xuất về hướng đi để xây dựng lại sự đồng thuận quốc tế trong thời kỳ hậu đại dịch.

Công nhân thu hoạch chuối từ đồn điền ở Milagro (Ecuador), nơi khởi đầu chuỗi cung ứng toàn cầu. Ecuador là nước xuất khẩu chuối lớn nhất thế giới.
Công nhân thu hoạch chuối từ đồn điền ở Milagro (Ecuador), nơi khởi đầu chuỗi cung ứng toàn cầu. Ecuador là nước xuất khẩu chuối lớn nhất thế giới.

Loại trái cây giàu chất xơ và vitamin là một sản phẩm phổ biến hàng ngày, khiến chúng ta dễ dàng bỏ qua các vấn đề môi trường, xã hội và chính trị ở nơi chúng được tạo ra, cùng với đó là hiện thực kinh tế trên con đường đưa mặt hàng này lên kệ siêu thị. Cây chuối được trồng nhiều nhất ở phía nam bán cầu và được chuyển đến các thị trường ở phía bắc, và phần lớn chuỗi cung ứng này được xây dựng từ thế kỷ 19 và vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.

Giống như virus corona có thể tàn phá thế giới nếu không có vắc-xin, bệnh héo rũ vàng lá Panama ở cây chuối đang tấn công một cách hung bạo trên khắp thế giới, để lại hậu quả là những đồn điền mang một màu cháy xém. Chủng vi khuẩn gây bệnh được gọi là Tropical Race 4 (TR4) lần đầu tiên được xác định ở Đài Loan khoảng hai thập kỷ trước đã lan rộng khắp châu Á đến Trung Đông, châu Phi trước khi tìm đến trung tâm sản xuất chuối của châu Mỹ Latin vào cuối năm ngoái, khi nó được phát hiện ở Colombia.

Loại virus này được coi là một trong những căn bệnh tàn phá ghê gớm nhất ở thực vật, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO). “Các biện pháp an toàn sinh học”, bao gồm cả “cách ly trang trại”, được khuyến nghị để giảm thiểu sự lây lan của nó, nhưng cũng giống như với Covid-19, người ta vẫn chưa tìm ra cách xử lý thật sự hữu hiệu. Một khi đất trồng bị ô nhiễm, ở đó không có hy vọng. Cách duy nhất là từ bỏ vùng đất đó và di chuyển đi nơi khác.

Các dòng chảy thương mại quốc tế ghi nhận khoảng 20 triệu tấn chuối đã được xuất khẩu trong năm 2019.

Các dòng chảy thương mại quốc tế ghi nhận khoảng 20 triệu tấn chuối đã được xuất khẩu trong năm 2019.

Ngành công nghiệp sản xuất chuối đã bắt đầu thích nghi với mối đe dọa từ bệnh héo rũ vàng lá Panama, và các biện pháp an toàn sinh học nhằm  chống lại căn bệnh đang được sử dụng để đối phó, theo ông Juan Jose Pons, điều phối viên của Nhóm những nhà sản xuất chuối ở Ecuador.

Tất cả 8.000 nhà sản xuất chuối ở Ecuador cần phải “trở nên năng suất hơn, hiệu quả hơn, với các biện pháp kiểm soát an toàn sinh học tốt hơn có thể đảm bảo tính bền vững trong tương lai”, ông nói.

Trên thực tế, ngành kinh doanh chuối đã đứng trước bước ngoặt trước khi TR4 đến Mỹ Latin. Cùng với vùng Caribbean, đây là nơi chiếm hơn ba phần tư sản lượng xuất khẩu chuối của thế giới.

Cộng thêm sự xuất hiện của Covid-19, “ngành công nghiệp thực sự đang ở một bước ngoặt”, theo lời Pascal Liu, một nhà kinh tế cấp cao tại FAO ở Rome và điều phối viên của Diễn đàn Chuối thế giới, một nhóm bao gồm tất cả các bên liên quan từ người trồng trọt đến các nhà bán lẻ, tổ chức phi chính phủ (NGO) và các viện nghiên cứu.

Dưới sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, các siêu thị sử dụng quyền lực của mình để áp đặt giá cả và áp lực ngày càng gia tăng trong việc cải thiện điều kiện làm việc của rất nhiều công nhân. Ngành công nghiệp chuối đã bị bao vây trên nhiều mặt trận trong suốt một thời gian dài.

Là nhà xuất khẩu chuối lớn nhất thế giới, Ecuador nằm ở tâm điểm của khó khăn. Quốc gia trên bờ biển Thái Bình Dương của châu Mỹ Latin có sản lượng chiếm khoảng một phần ba trong số 20 triệu tấn chuối được vận chuyển trên toàn cầu vào năm ngoái. Loại trái cây này đem lại giá trị cao hơn so với ngành công nghiệp dầu mỏ của Ecuador sau khi giá dầu giảm đã làm hụt đi khoảng 3,2 tỷ USD trong ngân khố năm ngoái, tương đương khoảng 3% GDP.

Ecuador cũng là nơi xảy ra một trong những đợt bùng phát virus corona tồi tệ nhất ở châu Mỹ Latin. Có những lúc xác người chết nằm la liệt trên đường phố của cảng Guayaquil, thành phố lớn nhất của Ecuador.

Một hệ thống cáp vận chuyển những buồng chuối trong nhà máy chế biến tại đồn điền Milagro.
Một hệ thống cáp vận chuyển những buồng chuối trong nhà máy chế biến tại đồn điền Milagro.
Chuối đã thu hoạch được ngâm trong các bồn rửa lớn để rửa sạch nhựa từ các cụm mới cắt.
Chuối đã thu hoạch được ngâm trong các bồn rửa lớn để rửa sạch nhựa từ các cụm mới cắt.

Dịch bệnh gây ra những khó khăn về điều kiện hậu cần tại cảng, với sự thiếu hụt nhân viên và thiếu các container được kiểm soát nhiệt độ, dẫn đến sự gián đoạn tạm thời trong các chuyến hàng. Tuy nhiên, có rất ít hoặc không có sự gián đoạn đáng kể về việc làm trên các đồn điền.

Công nghiệp sản xuất chuối có vẻ như đã chiến thắng cuộc khủng hoảng dịch bệnh, nhờ tiếng tăm chủ quan là một món ăn nhẹ lành mạnh giúp thúc đẩy nhu cầu toàn cầu trong thời gian phong tỏa. Doanh số bán hàng đã tăng ở châu Âu, thị trường nhập khẩu chuối lớn nhất thế giới.

Nhưng điều đó đã không thể tạo ra lợi ích cho người trồng hoặc nhập khẩu chuối, do chi phí sản xuất đã tăng do gián đoạn hậu cần và việc thực hiện các biện pháp an toàn. Cân nhắc thêm các yếu tố thời vụ càng đẩy giá giao ngay xuống mức chỉ còn 2-3 đôla cho một hộp chuối 40 pound (18 kg).

Theo ông Kléber Sigüenza, Chủ tịch công ty sản xuất chuối Orodelti với gần 3.000 công nhân ở 20 đồn điền chủ yếu ở tỉnh Guyas của Ecuador, “chắc chắn có áp lực lớn đối với khoảng 30% nhà sản xuất đang bán giá rất rẻ vì họ bắt buộc phải bán”.

Sigüenza bán sản phẩm chuối cho các nhà xuất khẩu bao gồm các công ty đa quốc gia theo hợp đồng cố định. Nhưng đội ngũ các nhà sản xuất quy mô nhỏ hơn sử dụng khoảng 40.000 nhân công không có được sự đảm bảo như vậy. Mặc dù tác động ngay lập tức có thể nằm trong mức giới hạn, nhưng thương gia này không thấy viễn cảnh của một sự phục hồi sớm và đáng kể. Điều đó có thể để lại hậu quả lớn đối với khả năng xử lý các vấn đề sâu sắc và khó lường hơn của ngành công nghiệp này.

Mức giá thấp hạn chế khả năng đối phó của nhà sản xuất với các mối bận tâm về môi trường như sử dụng thuốc trừ sâu hay ô nhiễm nước ngầm. Giá thấp cũng làm giảm khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, những tác động đã được cảm nhận rõ ở vùng biển Caribbean. Quần đảo Windward đã phải chịu thiệt hại lặp đi lặp lại do bão gây ra trong quá trình sản xuất, trong khi Jamaica đã hoàn toàn ngừng xuất khẩu chuối.

“Bạn không thể yêu cầu nhà sản xuất tăng sử dụng những giải pháp bền vững hơn nếu đồng thời bạn giảm lợi nhuận của họ”, ông Liu là chuyên gia của FAO nói. “Bản thân lợi nhuận của họ gần như không có gì đáng kể”.

Trước đây, sản xuất chuối là một ngành có khả năng sinh lợi cao. Điều này có thể thấy rõ ràng từ vị trí lý tưởng của Banana Docks trước đây ở khu Manhattan, ngay dưới Phố Wall. Tại London, chuối từ Jamaica đã hạ cánh tại Royal Docks, giờ là sân bay của thành phố (London City Airport).

Nhưng nó cũng từng có một trang sử đen tối. Trong những năm đầu của thế kỷ 20, những “cuộc chiến tranh chuối” đã nổ ra nhằm mục đích bảo đảm lợi ích của Mỹ ở những vùng đất trồng trọt tại Trung và Nam Mỹ.

Banana Docks ở Manhattan, New York khoảng năm 1906. Nguồn: Thư viện Quốc hội Mỹ
Banana Docks ở Manhattan, New York khoảng năm 1906. Nguồn: Thư viện Quốc hội Mỹ

Ngành thương mại này khiến các công ty của Mỹ sẵn sàng gia tăng kiểm soát với cái giá phải gánh chịu bởi công nhân và chính phủ các nước sản xuất, thường được biết đến với tên gọi các nước “cộng hòa chuối”. Vụ việc quân đội thảm sát các công nhân biểu tình chống lại công ty United Fruit Company vào năm 1928 đã được nhà văn nổi tiếng Gabriel Garcia Marquez chuyển thể thành cuốn tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”.

Loại trái cây được yêu thích trên toàn cầu cũng đã chiếm một vị trí quan trọng trong văn hóa đại chúng. Album đầu tay của nhóm nhạc Velvet Underground ra đời năm 1967 có bìa là bức tranh vẽ hình quả chuối của Andy Warhol. Ở những nước Đông Âu cũ, chuối là một dấu hiệu của sự sung túc, với các gia đình có đặc quyền của các quan chức đảng ở Ba Lan có biệt danh là “thanh niên chuối”. Ngay cả bây giờ, theo Google Trends, trang phục Halloween phổ biến nhất cho trẻ sơ sinh Mỹ năm 2019 là chuối.

Ảnh hưởng của các thương nhân kiểu cũ đã mất dần từ lâu khi quá trình toàn cầu hóa trở nên lớn mạnh hơn. Công ty United Fruit Company được sáp nhập vào Chiquita Brands International, hiện được nắm quyền sở hữu bởi một doanh nghiệp nông nghiệp Brazil có tên gọi Grupo Cutrale. Fyffes Plc, thương hiệu trái cây lâu đời nhất thế giới, đã được bán cho Sumitomo Corp của Nhật Bản vào năm 2016.

Cũng như rất nhiều loại nông sản khác, sức mạnh thực sự bây giờ nằm ở các chuỗi siêu thị, nơi sử dụng chuối như một vũ khí trong cuộc chiến giá cả. Họ bán loại nông sản này ở mức giá lỗ để thu hút khách hàng. Các nhà bán lẻ nắm giữ đòn bẩy thương mại giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất, cho phép họ đặt giá và thường làm giảm lợi nhuận của nhà sản xuất.

David McCann, Chủ tịch của Fyffes, nhà cung cấp chuối lớn nhất châu Âu, cho biết sự xuất hiện của các “nhà bán lẻ lớn” là một trong những thay đổi đáng kể nhất trong thương mại những thập kỷ gần đây. Ông ủng hộ giá chuối cao hơn để “mọi bên tham gia đều có thể chia sẻ thêm một chút lợi nhuận”.

“Ở vị thế một nhà bán lẻ không có gì dễ dàng, vì vậy đương nhiên họ sẽ thúc đẩy sản phẩm chất lượng tốt với mức giá tốt nhất có thể cho họ”, ông nói. 

Tại thành phố Antwerp của Bỉ - cảng chuối lớn nhất thế giới - mỗi sáng lại có một chuyến tàu sẽ bốc dỡ hơn 2 triệu quả chuối được đóng gói trong 50 container. Từ đó, chúng được đưa đi khắp châu Âu bằng đường sắt, đường bộ hoặc sà lan để đạt được độ chín tùy theo sở thích tiêu thụ khác nhau (người Bỉ và người Đức thích chuối xanh hơn người Anh; người Bắc Âu thích những quả chuối kích cỡ lớn hơn).

Do tác động của virus corona, nhiều biện pháp an toàn mới được đưa vào thực hiện. Các thiết bị đầu cuối và kho giữ hàng lạnh vẫn hoạt động đầy đủ, và sản lượng chuối “khá ổn định”, một phát ngôn viên của cảng cho biết.

Khu vực đóng gói cho ra thị trường khoảng 6.000 đến 7.000 hộp mỗi tuần, với mỗi container có thể vận chuyển khoảng 1.100 hộp.
Khu vực đóng gói cho ra thị trường khoảng 6.000 đến 7.000 hộp mỗi tuần, với mỗi container có thể vận chuyển khoảng 1.100 hộp.

Những điều nêu trên phản ánh tầm quan trọng của chuối đối với chuỗi thực phẩm. Trong viễn cảnh một thế giới nơi an ninh lương thực chiếm vị trí quan trọng của chương trình nghị sự, cây chuối và những loại cây cùng họ với nó chiếm vị trí của cây ngô, trở thành loại cây chủ lực ở khoảng 80 quốc gia. Thủ tướng Ireland Leo Varadkar đã chọn một cơ sở làm chín của Fyffes ở Dublin để trấn an công chúng rằng thực phẩm tươi sống sẽ vượt qua khủng hoảng dịch bệnh.

Đối với Alistair Smith, điều phối viên quốc tế của Banana Link, một nhóm vận động ủng hộ công nhân và các nhà sản xuất quy mô nhỏ, đại dịch đang khiến nhà sản xuất và buôn bán tập trung tâm trí để đánh giá lại cách thức hoạt động.

Trong khủng khoảng dịch bệnh, trên tất cả, việc giao thương xuất khẩu của ngành công nghiệp phụ thuộc vào một giống chuối duy nhất có tên gọi Cavendish đã đặt ra những câu hỏi khó về khả năng tồn tại trong tương lai.

“Công nghiệp chuối đang đứng trước những lo lắng về tính bền vững của chính mình trong mọi khía cạnh: kinh tế, môi trường hoặc xã hội”, ông Smith cho biết. “Chúng ta cần phải nhìn giới kinh doanh chuối khác với cách mà chúng ta đã làm từ trước đến nay - như một mặt hàng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu thị trường phía bắc, giữ giá rẻ và đảm bảo nguồn cung dồi dào”.

Tuy nhiên, trong suốt lịch sử của mình, ngành công nghiệp này vốn không còn xa lạ với những khó khăn, rắc rối. Cho đến những năm 1950, một giống chuối được biết đến với tên gọi là “Gros Michel” hay “Big Mike” thống trị thị trường xuất khẩu. Một chủng cũ của bệnh héo rũ vàng lá Panama đã xóa sổ giống chuối này, nhưng ngành công nghiệp đã tập hợp lại và giới thiệu giống Cavendish đến với người tiêu dùng.

Ông McCann của Fyffes đã tận mắt thấy một khả năng có thể xảy đến trong tương lai: khi đến thăm các trang trại chuối ở Colombia vào tháng Hai, ông phải mặc một bộ đồ bảo hộ, không phải để chống lại Covid-19 mà là để che chắn khỏi bệnh héo rũ vàng lá Panama. Tuy nhiên, ông vẫn bảo lưu ý kiến rằng “có đủ mọi lý do để tiếp tục tự tin”.

“Bằng cách nào đó, tôi luôn nghĩ rằng chúng ta sẽ gặp rắc rối, phiền toái, phí tổn hay mất mát, và cuối cùng một chủng loại mới với khác biệt nhỏ sẽ giải quyết tất cả”, ông McCann cho hay. “Chúng ta đang dần dần đạt được điều đó”.

Để minh chứng cho điều này, đã xuất hiện nhiều dấu hiệu đáng khích lệ. Những nhân tố tham gia chính trong nền công nghiệp đang bắt đầu tập hợp các nguồn lực nghiên cứu và phát triển của họ để phát triển một giống kháng bệnh. Vào tháng 2, tập đoàn bán lẻ khổng lồ của Pháp Carrefour đã giới thiệu hai giống mới là Pointe d’Or hữu cơ và một giống chuối được sản xuất không có thuốc trừ sâu bằng phương pháp canh tác “sinh thái nông nghiệp”.

Antwerp trích dẫn sự gia tăng nhu cầu về chuối hữu cơ, có giá trị cao đối với các nhà sản xuất, trong khi Bộ trưởng Phát triển Đức Gerd Mueller đã kêu gọi các tiêu chí bền vững trở thành một phần trong mọi thỏa thuận thương mại mà EU đặt bút ký. Theo ông, chỉ có 13% lợi nhuận từ giá bán của một quả chuối thông thường về tay nhà sản xuất, trong khi đối với chuối Fairtrade là 43%, đưa ra lý lẽ ủng hộ một mức giá tối thiểu để ngăn chặn “tiền công nô lệ” ở các nước sản xuất.

Một công nhân bọc nylon quanh cây để bảo vệ mầm hoa chuối.
Một công nhân bọc nylon quanh cây để bảo vệ mầm hoa chuối.
Buồng được rửa bằng tay với chất tẩy rửa để loại bỏ bất kỳ côn trùng và chất bẩn còn sót lại.
Buồng được rửa bằng tay với chất tẩy rửa để loại bỏ bất kỳ côn trùng và chất bẩn còn sót lại.

Ngay cả những nhà bán lẻ từng là một trong những người tích cực nhất trong việc giảm tỷ suất lợi nhuận cũng đã tăng giá bán của họ, mặc dù ở mức khiêm tốn, ông Smith của Banana Link cho biết. Ông trích dẫn một “sự thay đổi lớn lao trong nhận thức” của một số công ty lớn “về việc tương lai sản xuất sẽ trở nên như thế nào”.

Tuy nhiên, tại Ecuador, sự thay đổi vẫn còn khó nắm bắt, theo ông Jorge Acosta, lãnh đạo Nghiệp đoàn công nhân chuối ASTAC tại thành phố Guayaquil. Các trang trại lớn, hay còn gọi là “haciendas”, đang ít nhiều giữ hoạt động ở mức bình thường, nhưng các nhà sản xuất nhỏ lẻ không được trả mức giá chính thức, điều mà gần như chính phủ bất lực trong việc thực thi.

Đối với Acosta, bây giờ là “thời điểm thích hợp để các công ty Mỹ Latin liên kết với nhau và yêu cầu một mức giá công bằng hơn” cho sản phẩm chuối của cả vùng. ASTAC đề xuất rằng các đồn điền và công ty cắt giảm sản lượng, trong khi các nhà nhập khẩu và nhà bán lẻ siêu thị bù đắp bằng cách trả một tỷ lệ cao hơn. Ông vẫn đang chờ đợi phản hồi. “Người lao động là những người cuối cùng luôn phải trả giá cho các cuộc khủng hoảng của cây chuối”, ông Acosta nói.

Cuộc khủng hoảng này có thể sẽ khác. Ảnh hưởng của Covid-19 sẽ dẫn đến những cách thức sản xuất và tiêu thụ mới, và do đó, nó có thể thúc đẩy ngành công nghiệp chuối thay đổi, ông Liu của FAO cho biết. “Đại dịch này là một thảm họa đối với thế giới, nhưng niềm an ủi trong cơn bĩ cực là con người có thể nghĩ về việc làm mọi thứ theo cách bền vững hơn”./.

Theo NDH