Ngành bán dẫn đang phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Ngành công nghiệp bán dẫn hiện vẫn được hưởng lợi từ thương mại tự do, nhưng tình trạng khan hiếm gần đây cho thấy sự bất ổn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngành công nghiệp bán dẫn hiện vẫn được hưởng lợi từ thương mại tự do, nhưng tình trạng khan hiếm gần đây cho thấy sự bất ổn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA), John Neuffer, đã đưa ra nhận định tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc rằng ngành công nghiệp chip hiện tại phụ thuộc rất lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tế, không một quốc gia nào hoàn toàn có thể tự động hóa các chuỗi cung ứng chip, thay vì việc hạn chế xuất khẩu công nghệ, cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu cơ bản để thúc đẩy sự đổi mới trong ngành bán dẫn.

Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ đại diện cho hơn 98% các công ty trong ngành công nghiệp bán dẫn tại xứ cờ hoa. Hiện chất bán dẫn là ngành có khối lượng thương mại toàn cầu lớn thứ hai sau xăng dầu và là ngành thực sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu hóa.

"Ngành công nghiệp bán dẫn gánh một trách nhiệm nặng nề. Cho dù đó là các ngành truyền thống như năng lượng, giao thông vận tải và chăm sóc y tế hay các ngành mới nổi như AI, mạng không dây và công nghệ lượng tử, tất cả đều dựa rất nhiều vào sự phát triển của chất bán dẫn”, John Neuffer nhận định, "Chúng ta không thể chịu đựng sự phá hủy hay thất bại của chuỗi cung ứng toàn cầu, và chúng ta nên tìm kiếm sự hợp tác nhiều hơn".

Năm 2020, thương mại trong ngành bán dẫn toàn cầu đã phá kỷ lục, với doanh thu tăng 6,8% lên 440 tỷ USD. Theo dự báo của SIA, tăng trưởng doanh số bán dẫn toàn cầu sẽ đạt 8,4% vào năm 2021. Trong đó, chỉ tính riêng doanh số ngành chip Trung Quốc đã tăng 17,8% lên 819 tỷ NDT trong năm vừa qua. Chính vì vậy, hợp tác quốc tế là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng chip.

Ngành công nghiệp bán dẫn được hưởng lợi từ thương mại tự do. Trong đó, Mỹ chịu trách nhiệm chính về nghiên cứu và phát triển chip, Châu Á tiến hành sản xuất wafer bán dẫn, và Trung Quốc tiến hành đóng gói, thử nghiệm chất bán dẫn. “Nếu không có chuỗi cung ứng chuyên sâu và hiệu quả sản xuất cao, thì chúng ta không thể tích hợp hàng chục tỷ bóng bán dẫn trên một con chip”, Neuffer nói.

Nhưng trong những tháng gần đây, nhu cầu toàn cầu về chip đã tăng lên, các đơn đặt hàng liên tục đã làm giảm năng lực sản xuất chip và thậm chí làm tăng giá của tất cả các chip, cũng như giá thành của những linh kiện công nghệ thấp.

Sự thiếu hụt nguồn cung chip toàn cầu đã khiến các vấn đề về chuỗi cung ứng trở thành một trong những chủ đề được quan tâm nhất của ngành công nghiệp lắp ráp. Mặc dù dịch bệnh đã ảnh hưởng đến hoạt động của ngành công nghiệp bán dẫn nhưng khả năng phục hồi của toàn ngành là đáng ghi nhận. Theo Giám đốc điều hành của SIA: "Điều này cũng được hưởng lợi từ bản chất của toàn cầu hóa, cho phép ngành công nghiệp bán dẫn phản ứng nhanh với diễn biến của dịch bệnh”.

John Neuffer tin rằng an ninh quốc gia không nên là cái cớ cho chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. “Hầu hết các chip không nên gây ra những lo ngại về an toàn, chúng ta nên giảm thiểu các hạn chế đối với xuất khẩu công nghệ, và việc xây dựng chính sách cũng nên cố gắng tránh những ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của công nghệ”, ông nói.

John Neuffer cũng đưa ra đề xuất về các quy tắc thương mại quốc tế của ngành bán dẫn, ông tin rằng WTO rất quan trọng đối với ngành công nghiệp này. Trong tình hình kinh tế mới, cần tìm kiếm những phương pháp và quy tắc phù hợp để thúc đẩy thương mại. Đồng thời, các chính phủ nên tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu cơ bản đảm bảo việc đào tạo nhân tài trong ngành.

Trước đó vào tháng 1, Donald Trump, người có nhiều quyết sách cứng rắn gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành bán dẫn đã thất bại trong chiến dịch tranh cử và rời Nhà Trắng. Dù người kế nhiệm có tiếp tục các chính sách của ông Trump hay không, tình hình chắc chắn sẽ được cải thiện.

Theo Vietnamnet