Ngăn ngừa sự tiếp cận của giới trẻ với mọi sản phẩm về thuốc lá

Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Đặc biệt, có tới 56% người hút thuốc ở Việt Nam bắt đầu hút thuốc trước 20 tuổi.

Ước tính có khoảng 33 triệu người dân Việt Nam bị ảnh hưởng do hít phải khói thuốc lá. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, Việt Nam hiện nay có khoảng 17 triệu người hút thuốc lá, 33 triệu dân bị ảnh hưởng do hít phải khói thuốc lá.

Theo điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành công bố mới đây, có tới 56% người hút thuốc ở Việt Nam bắt đầu hút thuốc trước 20 tuổi. Đặc biệt, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người chết vì bệnh liên quan đến thuốc lá, cao hơn rất nhiều so với số lượng người chết vì tai nạn giao thông, HIV/AIDS.

Vấn đề sử dụng thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử là câu chuyện gây nhiều tranh luận không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thế giới.

Dựa trên những phân tích về các nhóm bệnh nhân EVALI (tổn thương phổi do sử dụng thuốc lá điện tử) gần đây nhất, CDC (Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ) đã phát hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử có chứa chất THC bao gồm Vitamin E Acetate là một loại hóa chất đáng lo ngại. Kết quả được tìm thấy đã chỉ ra trực tiếp chính Vitamin E Acetate là nguyên nhân chủ yếu gây ra tổn thương trong phổi.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề thuốc lá điện tử, tiến sỹ Carrie Wade - Giám đốc Phân khoa Giảm thiểu Tác hại, Khoa Chính sách, Viện Nghiên cứu R Street (Mỹ) đã có những chia sẻ về vấn đề này, khi bà vừa tham gia một hội nghị tham vấn chuyên gia về các vấn đề giảm thiểu tác hại của thuốc lá và các chất kích thích diễn ra tại Hà Nội.

Thuốc lá thế hệ mới không dành cho giới trẻ

- Theo bà, việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới có phải là con đường dẫn dắt giới trẻ đến với thuốc lá hay không?

Tiến sỹ Carrie Wade: Việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới của giới trẻ chính là mối quan tâm hàng đầu và quan trọng nhất của chính phủ Mỹ cũng như của cá nhân tôi, đó là các sản phẩm này cũng giống như sản phẩm thuốc lá truyền thống không dành cho giới trẻ.

Chúng tôi đang đề nghị một số chính sách giúp ngăn ngừa sự tiếp cận của giới trẻ tới tất cả mọi loại sản phẩm về thuốc lá.

- Bà có thể chia sẻ thêm về chính sách mà bà đang đề cập để ngăn ngừa sự tiếp cận của giới trẻ?

Tiến sỹ Carrie Wade: Có thể thấy, hai trong số các phương pháp hiệu quả để ngăn ngừa sự tiếp xúc của giới trẻ với thuốc lá gồm: nâng độ tuổi hợp pháp để sử dụng sản phẩm thuốc lá từ 18 lên 21 tuổi, tăng cường quản lý chặt chẽ hệ thống các điểm bán hàng nhằm tránh khả năng tiếp cận của giới trẻ để bảo vệ họ. Tuy nhiên, với những sản phẩm thuốc lá thế hệ mới chúng tôi vẫn đề nghị chính phủ cho phép cung cấp các sản phẩm này đến người sử dụng vì Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khi cho phép kinh doanh sản phẩm thì có 2 yêu cầu đặc biệt nghiêm ngặt, đầu tiên là tác động đối với người dùng, sau đó là tác động đối với cộng đồng xung quanh.

Hiện nay ở Mỹ chưa có sản phẩm thuốc lá điện tử nào được cấp phép chính thức trong khi đó chỉ có duy nhất một sản phẩm thuốc lá làm nóng (IQOS) đã được cấp phép lưu hành tại Mỹ. Nếu như FDA không hài lòng với các kết quả nghiên cứu thử nghiệm cho 2 mục tiêu tác động đối với người dùng và với sức khỏe cộng đồng nói chung, chắn chắn là họ sẽ không cấp phép cho sản phẩm này.

Tại Mỹ, có một số bang thực hiện lệnh cấm khẩn cấp thuốc lá điện tử như một biện pháp tức thời khi xảy ra sự vụ bùng nổ về tổn thương sức khỏe liên quan đến thuốc lá điện tử. Sau đó, các bang này có gỡ bỏ lệnh cấm, rồi đến giai đoạn này đang cố gắng đưa việc cấm trở thành luật chính thức.

Đối với trường hợp bang Massachusetts, 3 tháng trước đây họ ra quyết định tạm cấm lưu hành tất cả các sản phẩm thuốc lá điện tử từ đó cho đến tháng 1/2020. Sau đó họ bỏ lệnh cấm và gần đây họ lại công bố lệnh cấm đối với các hương liệu (flavors), chỉ được phép sử dụng tại chính điểm bán. Đây là một lệnh cấm khá nghiêm ngặt nhưng vẫn không phải là áp dụng chung cho tất cả sản phẩm thuốc lá điện tử nói chung.

Tiến sỹ Carrie Wade - Giám đốc Phân khoa Giảm thiểu Tác hại, Khoa Chính sách, Viện Nghiên cứu R Street (Mỹ). (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tự bào chế hương liệu dẫn tới tác hại khôn lường

- Vậy theo bà, đâu là phương án kiểm soát toàn diện đối với thuốc lá điện tử?

Tiến sỹ Carrie Wade: Quản lý hương liệu thuốc lá điện tử là một vấn đề phức tạp, bởi vì cấm một loại hương liệu nào đó cũng không giúp giới trẻ ngừng sử dụng thuốc lá điện tử. Tôi cho rằng, nếu cấm một loại hương liệu thì giới trẻ cũng sẽ chuyển sang sử dụng một loại hương liệu khác thay thế. Đơn cử như nếu cấm mùi dâu thì họ sẽ chuyển sang bạc hà, xoài...

Tôi nghĩ một phương án tốt hơn có thể là tăng số tuổi hợp pháp để sử dụng bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào. Có thể nói cách tiếp cận của các cơ quan quản lý nhà nước là cực kỳ quan trọng.

Chẳng hạn như tại Anh, Bộ Y tế tuyên truyền các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng… là sản phẩm giúp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá điếu và quản lý cách tiếp thị, bán hàng của các sản phẩm này sao cho không hấp dẫn giới trẻ.

Trong khi đó, Mỹ lại có cách tiếp cận hoàn toàn khác khi mọi thông tin truyền thông đều tập trung vào vấn đề giới trẻ, rằng sản phẩm này không dành cho giới trẻ, như vậy vô hình trung càng khiến cho sản phẩm này trở nên rất hấp dẫn đối với họ hơn.

Một trong những mối quan tâm lớn nhất của tôi đối với việc cấm các loại hương liệu của thuốc lá điện tử có thể khiến người dùng tự bào chế hương liệu riêng tại nhà. Điều này sẽ dẫn tới rủi ro lớn hơn đối với các loại sản phẩm "thủ công" này.

Như vậy vai trò của nhà quản lý là làm sao để mọi người hiểu rõ tác hại của việc tự bào chế hương liệu tại nhà (vì đây chính là nguyên nhân dẫn tới "đại dịch" về sức khỏe cho người dùng vừa xảy ra tại Mỹ).

Xu hướng không hút thuốc lá được tuyên truyền vận động ở nhiều nơi tại Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Hiện nay, là người nắm giữ vai trò lãnh đạo các tiến trình liên quan đến chiến lược giảm thiểu tác hại của Viện Nghiên cứu R Street (Mỹ), bà có thể cho biết Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) có quy định đối với thuốc lá điện tử hay không?

Tiến sỹ Carrie Wade: Theo quy định của FDA hiện nay, tất cả những sản phẩm thuốc lá điện tử đang lưu hành trên thị trường phải nộp hồ sơ đăng ký FDA trước với điều kiện có dán nhãn cảnh báo sức khỏe trên bao bì và công bố thành phần của sản phẩm cũng như đảm bảo tuân thủ khi ra thị trường thì vẫn tạm thời được quyền bán hàng.

Trong khi FDA chưa có luật định rõ ràng đối với sản phẩm thuốc lá điện tử thì họ vẫn cho phép bán tạm thời đến năm 2021. Đến 2021, các công ty sản xuất bắt buộc phải rút khỏi thị trường nếu không có ý kiến phê duyệt cuối cùng của FDA đối với sản phẩm của mình.

Trong giai đoạn tranh tối tranh sáng này, sau sự bùng nổ nguy cơ sức khỏe liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử tại Mỹ vừa qua, cách đây 3 tháng FDA mới đưa ra quy định hướng dẫn thủ tục nộp hồ sơ xin cấp phép. Đã có vài công ty nộp hồ sơ nhưng chưa được xét duyệt vì thời gian quá ngắn, nhưng chắc chắn năm tới sẽ là một năm vất vả cho FDA vì họ phải xem xét hết tất cả các hồ sơ để quyết định cấp phép hoặc không cấp phép bất kỳ sản phẩm thuốc lá điện tử nào.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh chuyện này chỉ đang áp dụng đối với thuốc lá điện tử, còn đối với thuốc lá làm nóng thì IQOS là sản phẩm đầu tiên đã được FDA cho phép lưu hành từ tháng 4/2019.

- Được biết Báo cáo khoa học của R Street trong đó đánh giá khả năng sử dụng các sản phẩm thay thế - thuốc lá thế hệ mới - nhằm mục đích cai thuốc lá, bà có thể chia sẻ thêm về báo cáo này?

Tiến sỹ Carrie Wade: Đây là một nghiên cứu hoàn toàn độc lập không được tài trợ hoặc có liên đới tới bất kỳ một nhà sản xuất nào và là nghiên cứu được bình duyệt bởi cộng đồng các nhà khoa học.

Nghiên cứu này đánh giá bằng chứng của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc là điện tử (e-cigarettes/vape), thuốc lá làm nóng (heat-not-burn) và sản phẩm thuốc lá dạng ngậm (snus).

Báo cáo đánh giá mức độ phát thải các hóa chất có hại trong khói thuốc và tác động đối với sức khỏe giữa người tiếp tục hút thuốc lá điếu và những người đã chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế này.

Nghiên cứu này cũng đề xuất một số ý tưởng, đề xuất của Viện đối với các quy định quản lý mới (đối với các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới) nhằm giải quyết vấn đề sử dụng trong giới trẻ cũng như sự vụ bùng nổ các tổn thương về sức khỏe liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử dẫn đến 42 trường hợp tử vong tại Mỹ vừa qua.

Tuy nhiên các trường hợp tổn thương này đã được xác nhận bởi CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ) và FDA (cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) là không có liên quan tới chất nicotine. Đây là thông tin trọng yếu nhưng thường không được nhắc tới trong thông tin báo chí tại Mỹ cũng như trên toàn cầu.

- Việt Nam có luật không bán thuốc lá cho trẻ dưới 18 tuổi. Kinh nghiệm ở như Mỹ được thực thi vấn đề này như thế nào?

Tiến sỹ Carrie Wade: Tại Mỹ vẫn có trường hợp bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi, bởi rất để khó quản lý 100%, nhưng việc thực thi pháp luật ở Mỹ có vẻ chặt hơn. Chẳng hạn như một nhà bán lẻ nếu bị phát hiện bán cho người dưới 18 tuổi 3 lần sẽ bị rút giấy phép kinh doanh. Theo tôi, việc siết chặt nhà bán lẻ tuy là một giải pháp tốt nhưng không có một giải pháp nào toàn diện. Do đó, mọi người cần cùng chung tay tuyên truyền để làm sao mọi người cùng thấy trách nhiệm để ngăn chặn giới trẻ sử dụng thuốc lá hoặc chất gây nghiện nói chung.

Đây cũng là điều mà Việt Nam có thể nghiên cứu trong thời gian tới gồm biện pháp nghiêm minh, và sau cùng là tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức.

- Xin trân trọng cảm ơn bà!./.

Theo Vietnam+

http://www.vietnamplus.vn/ngan-ngua-su-tiep-can-cua-gioi-tre-voi-moi-san-pham-ve-thuoc-la/613308.vnp