Ngân hàng Nhà nước làm gì sau khi mua OceanBank với giá 0 đồng?

Ngân hàng Nhà nước đã mua Ocean Bank với giá 0 đồng để trở thành chủ sở hữu ngân hàng này, qua đó chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu", Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra vào chiều qua (25/4), Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã mua bắt buộc toàn bộ cổ phần của các cổ đông hiện hữu tại TMCP Đại Dương (OceanBank). 

Việc này căn cứ vào quy định của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD), Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD được kiểm soát đặc biệt và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 

Theo Phó thống đốc Hồng, thời gian qua OceanBank là ngân hàng yếu kém đã bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt cần tái cơ cấu. Vì quá trình hoạt động, có hiện tượng thất thoát vốn, khiến vốn thực có giảm thấp hơn vốn điều lệ. Tại đại hội cổ đông, các cổ đông đã không nhất trí góp thêm vốn.

"Do đó, Ngân hàng Nhà nước đã mua OceanBank với giá 0 đồng để trở thành chủ sở hữu ngân hàng này, qua đó chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu", Phó thống đốc Hồng nhấn mạnh. 

Ngoài ra, bà Hồng cũng thông tin, để đảm bảo ổn định công tác quản trị, điều hành, Ngân hàng Nhà nước chỉ định Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) tham gia quản trị, điều hành Ocean Bank. Toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại OceanBank sẽ được đảm bảo.

Trước đó, vào sáng ngày 25/4, Đại hội đồng cổ đông của OceanBank diễn ra tại Hải Dương với số cổ đông đến tham dự đạt 71% tỷ lệ phiếu bầu. Tài liệu phát cho cổ đông chỉ có Điều lệ của OceanBank. Tài liệu này cũng cho biết, OceanBank đang bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước.

Ban lãnh đạo OceanBank cũng xin ý kiến cổ đông về việc chia tách, giải thể hoặc yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản. 

Đồng thời, HĐQT nhà băng này cũng xin ý kiến cổ đông về phương án phát hành cổ phần để bổ sung vốn song chỉ có 33% cổ đông đồng ý, nên phương án này đã không được cổ đông thông qua tại đại hội.

Theo Bizlive