Ngân hàng nào sẽ được ưu tiên cấp 'room' tín dụng năm 2023?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – NHNN có thể ưu tiên cấp “room” tín dụng cao hơn cho các ngân hàng có cơ cấu tín dụng lành mạnh, tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.
4 ngân hàng có thể được ưu tiên cấp 'room' tín dụng năm 2023
4 ngân hàng có thể được ưu tiên cấp 'room' tín dụng năm 2023

Quan điểm này được bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết trong báo cáo "Chiến lược đầu tư 2023: Đầu tư có trách nhiệm – xây tương lai vững bền" vừa công bố.

Theo đó, tính đến hết tháng 10/2022, tín dụng hệ thống đã tăng 16,5% so với cùng kỳ và tăng 11,5% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái (tăng 8,8% so với đầu năm).

Tuy nhiên, từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 10, tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 2% - chậm lại một cách rõ rệt khi kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời gian còn lại của năm 2022.

VNDirect cho rằng, tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục chậm lại và đạt 11-12% trong năm 2023. Nguyên nhân thứ nhất là do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại và lãi suất tăng.

Đối với bất động sản, các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn trầm lắng và lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng lên nhu cầu vay mua nhà.

Xuất khẩu – một trong những trụ cột tăng trưởng chính của Việt Nam – sẽ tăng trưởng chậm lại 9-10% trong năm 2023 (từ mức 14% trong năm 2022).

Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

Nguyên nhân thứ hai khiến tăng trưởng tín dụng chậm lại, theo báo cáo, là do lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao, do mức tăng tiền lương 20,8% (có hiệu lực từ tháng 7/2023) và sự gia tăng ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng.

Căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng. Vào cuối quý 3/2022, các ngân hàng thương mại đều ghi nhận tỷ lệ dư nợ tín dụng trên huy động vốn (LDR) tăng mạnh, một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).

4 ngân hàng được ưu tiên cấp “room” tín dụng năm 2023

Bộ phận phân tích của VNDirect cho rằng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ ưu tiên cấp “room” tín dụng cao hơn cho các ngân hàng có cơ cấu tín dụng lành mạnh, tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.

Theo đó, 4 ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, gồm VPBank, MBBank, HDBank Vietcombank, sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, qua đó cải thiện thị phần tín dụng trong năm 2023.

Dựa trên các yếu tố này, các nhà phân tích đưa ra dự phóng tăng trưởng tín dụng năm 2023 của một số ngân hàng, dẫn đầu là VPBank (ngân hàng mẹ) với tỷ lệ 24%, tiếp đến là MBBank (+18%), HDBank (+16%), ACB (+13%), VCB (+12%), VIB (+11%).

VNDirect cũng đưa ra dự báo tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho bốn ngân hàng khác, quanh mức 10%, gồm TPBank (+10%), Techcombank (+10%), LienVietPostBank (+10,5%) và VietinBank (+9,5%)./.