Nga và Belarus bắt đầu tập trận chung, Ukraine diễn tập đáp trả, nguy cơ bùng nổ xung đột

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Những chuyển động quân sự cấp tập liên tiếp diễn ra bên trong và xung quanh Ukraine đang khiến nguy cơ xung đột Nga – Ukraine có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Quân đội Nga và Belarus bắt đầu cuộc tập trận chung kéo dài 10 ngày (Ảnh: IFeng).
Quân đội Nga và Belarus bắt đầu cuộc tập trận chung kéo dài 10 ngày (Ảnh: IFeng).

Tình hình an ninh châu Âu đang ngày càng căng thẳng. Ngày 9/2, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ John Kirby nói, trong 24 giờ qua Nga đã tiếp tục tăng quân tới biên giới với Ukraine, và quân số đã vượt xa 100.000 người. Cùng ngày 9/2, số quân Mỹ được điều động từ Đức đã đến Romania để chuẩn bị chiến đấu, Anh cũng đã ra lệnh chuẩn bị triển khai 1.000 binh sĩ tới Đông Âu để giúp đối phó với cuộc khủng hoảng nhân đạo gây nên nếu xảy ra chiến tranh giữa Nga và Ukraine.

Ông Kirby chỉ ra rằng Nga đang đưa thêm quân đến biên giới Ukraine mỗi ngày, sức chiến đấu họ đang tăng lên từng ngày, Nga cũng đã điều động 30.000 binh sĩ, hai tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400 và một số lượng lớn máy bay chiến đấu tham gia tới Belarus tập trận chung. Nhà Trắng chỉ trích Nga và Belarus tổ chức các cuộc tập trận chung để làm leo thang cuộc khủng hoảng ở Ukraine hơn là hạ nhiệt nó. Hải quân Nga cũng tăng cường các hoạt động trên biển, với ba tàu đổ bộ đi qua eo biển Bosphorus ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ và đi vào Biển Đen hôm 9/2.

Lực lượng Quân đội Mỹ triển khai đến Romania (Ảnh: Đông Phương).

Lực lượng Quân đội Mỹ triển khai đến Romania (Ảnh: Đông Phương).

Mỹ cũng đã tăng cường triển khai lực lượng ở châu Âu, với đợt đầu tiên của Trung đoàn kỵ binh số 2 của Lục quân Mỹ tại Đức đã đến Romania vào đêm 9/2 cùng với vũ khí trang bị. Họ sẽ đóng quân tại các căn cứ quân sự ở phía đông Romania để bảo vệ sườn phía đông NATO trong cuộc xung đột Nga - Ukraine. Các binh sĩ Anh cũng sẵn sàng được điều động đến Đông Âu bất cứ lúc nào khi cuộc tấn công Ukraine của Nga gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo. 350 lính thủy đánh bộ Hoàng gia Anh đã lần lượt được chuyển đến Ba Lan. Anh cũng sẽ tăng quân đến Estonia, điều động nhiều máy bay chiến đấu của Không quân Hoàng gia tới Nam Âu và đưa thêm nhiều tàu khu trục đến để tuần tra ở phía đông Địa Trung Hải.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda đã hoan nghênh một đợt luân chuyển quân NATO do Đức đảm nhận tại căn cứ quân sự ở Lukla và nói rằng ông sẽ yêu cầu Mỹ đóng quân vĩnh viễn tại đây, điều này sẽ không chỉ giúp Lithuania mà toàn bộ khu vực tăng cường an ninh và khả năng răn đe. Quân đội Mỹ kể từ năm 2019 đã triển khai 500 binh sĩ ở Lithuania và đội hình này không thuộc lực lượng tác chiến của NATO.

Ảnh vệ tinh Mỹ chụp máy bay quân sự Nga tập kết tại căn cứ Saki, Crimea

Ảnh vệ tinh Mỹ chụp máy bay quân sự Nga tập kết tại căn cứ Saki, Crimea

Trong khi đó, Nga và Belarus sẽ tổ chức một cuộc tập trận chung kéo dài 10 ngày ở biên giới Belarus với Ukraine bắt đầu từ hôm nay (10/2). Đồng thời, Ukraine cũng tổ chức các cuộc tập trận đáp trả Nga và Belarus.

Nga đã cử 30.000 quân, các hệ thống tên lửa phòng không S-400, máy bay chiến đấu và nhiều vũ khí trang bị khác tới Belarus để tham gia cuộc tập trận. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov chỉ rõ cuộc tập trận chung Nga - Belarus là nhằm chống lại các mối đe dọa an ninh chưa từng có; hai nước Nga và Belarus đang phải chống lại mối đe dọa có tính chất nguy hiểm hơn trước.

Trước sức ép của các lực lượng Nga và Belarus sát biên giới, Ukraine cũng tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật trong cùng thời gian, huy động các máy bay không người lái TB-2, tên lửa chống tăng Javelin và các loại vũ khí khác do các đồng minh cung cấp tham gia.

Ngoài các cuộc tập trận trên bộ và trên không, Hải quân Nga cũng thông báo sẽ tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Biển Đen và Biển Azov từ ngày 13 đến ngày 19/2, tất cả các tàu buôn và máy bay thương mại được yêu cầu tránh xa các vùng biển liên quan trong thời gian nêu trên. Một trong những khu vực diễn tập liên quan đến lối vào phía bắc của eo biển Kerch, nghĩa là cắt đứt tuyến đường biển từ các cảng trên biển Azov đến Ukraine. Tại Biển Đen, quân đội Nga cũng tiến hành phân định ranh giới hai khu vực tập trận kéo dài ra ngoài bán đảo Crimea, một ở phía tây về phía Odessa, Ukraine và một ở phía tây nam hướng tới Bulgaria. Khu vực diễn tập chỉ để lại một dải ven biển hẹp nối Odessa với eo biển Bosphorus.

Dân chúng Kiev (Ukraine) được huấn luyện sử dụng vũ khí tiến hành "chiến tranh đường phố" (Ảnh: Reuters).

Dân chúng Kiev (Ukraine) được huấn luyện sử dụng vũ khí tiến hành "chiến tranh đường phố" (Ảnh: Reuters).

Quốc hội Slovakia hôm thứ Tư (9/2) đã phê chuẩn một hiệp ước phòng vệ quân sự kí với Mỹ, cho phép quân đội Mỹ sử dụng hai căn cứ không quân của Slovakia trong 10 năm với giá Mỹ chi 100 triệu USD để hiện đại hóa các căn cứ này

Theo Hãng thông tấn Nga Sputnik ngày 10/2, ông Gennady Gatilov, Đại diện thường trực của Nga tại Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva, trong một cuộc phỏng vấn với hãng này đã nói cần phải chuẩn bị cho bất kỳ diễn biến nào, dù là xấu nhất, trong đó bao gồm việc Kiev sử dụng vũ lực đối với các công dân Nga ở Crimea.

Ông Gatilov nói: "Tất nhiên, không thể loại trừ khả năng Kiev có thể có hành động vũ lực tuyệt vọng, chẳng hạn như chống lại các công dân Nga ở Crimea hoặc các vùng giáp biên giới với Ukraine. Ít nhất thì có lúc giới truyền thông Ukraine, có lúc một số chính trị gia Ukraine vô trách nhiệm đang kêu gọi áp dụng các hành động nguy hiểm như vậy. Chúng ta không thể bỏ qua những lời lẽ này và phải chuẩn bị cho mọi diễn biến, kể cả điều tồi tệ nhất.”

Ông Gatilov chỉ ra rằng kể từ khi chính quyền Ukraine công bố các hoạt động chống khủng bố ở miền đông nam nước này, họ đã không ngừng các hành động khiêu khích khác nhau. "8 năm trước, điều này đã dẫn đến một chiến dịch quân sự toàn diện, thực tế là một cuộc nội chiến chống lại chính công dân của mình của một nhóm các chính trị gia vô trách nhiệm đã chiếm đoạt quyền lực ở Kiev", ông nhắc nhở.

"Chiến dịch quân sự toàn diện 8 năm trước" mà ông Gatilov đề cập đến chính là “Sự kiện Crimea”. Sau khi tình hình bất ổn ở Ukraine năm 2014, "nước Cộng hòa tự trị Crimea" được sáp nhập vào Liên bang Nga và Nga đã tiếp quản trên thực tế khu vực này.

Binh lính Ukraine huấn luyện quân sự (Ảnh: Reuters).

Binh lính Ukraine huấn luyện quân sự (Ảnh: Reuters).

Sau đó nổ ra cuộc chiến tranh Donbass, chiến sự đã dịu lại kể từ khi kí kết hai hiệp nghị ngừng bắn Minsk vào năm 2014 và 2015, nhưng những cuộc xung đột lẻ tẻ vẫn chưa dừng lại trong nhiều năm qua.

Lấy Sự kiện Crimea làm bài học, Mỹ luôn nhấn mạnh Nga có thể "xâm lược" Ukraine bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, Nga liên tục bác bỏ các cáo buộc của Mỹ, đồng thời khẳng định họ không có ý định tấn công bất kỳ ai.

Về việc triển khai quân đội Nga ở biên giới Nga - Ukraine, ông Dmitry Peskov Thư ký Báo chí của Tổng thống Nga Putin cho biết, Nga có quyền điều động quân đội bên trong lãnh thổ của mình theo ý muốn.

Hiện nay, cuộc tập trận chung "Alliance Resolve-2022" giữa Nga và Belarus đã bắt đầu; đáp trả cuộc tập trận giữa Nga và Belarus, Ukraine cũng đã quyết định tổ chức một cuộc tập trận trong cùng lúc. Điều này dẫn đến nguy cơ bùng phát chiến tranh nếu một bên cố tình có hành động khiêu khích tính toán trước.