Nga ứng dụng chiến thuật “đu quay pháo binh”, kinh nghiệm từ chiến trường Syria

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trên chiến trường vùng Donetsk, quân đội Nga sử dụng pháo binh như lực lượng tấn công chủ lực với phương châm hỏa lực “mềm hóa mục tiêu” với đạn dẫn đường độ chính xác cao Krasnapol trong chiến tranh đô thị.

Kênh truyền hình TV Zvezda công bố video, quay lại hoạt động của một khẩu đội pháo tự hành "Msta-S" Quân khu phía Tây (ZVO), tấn công các mục tiêu trong chiều sâu chiến tuyến phòng thủ của đối phương đến 30 km.

Pháo tự hành Msta-S quân đội Nga, sử dụng đạn dẫn đường laser bán chủ động tấn công các mục tiêu quân đội Ukraine. Video TV Zvezda.

Trong các tình huống tấn công theo chiều sâu chiến trường với các mục tiêu có giá trị cao hoặc địa hình phức tạp, để đảm bảo trúng đích, các khẩu đội pháo Nga thường sử dụng đạn dẫn đường laser bán chủ động Krasnopol.

Trên chiến trường vùng Donetsk, các bên đều tích cực sử dụng pháo binh. Trinh sát pháo binh thường kết hợp các tổ đội luồn sâu và các máy bay không người lái (UAV). Khi trinh sát phát hiện mục tiêu ẩn nấp, ngụy trang kỹ lưỡng trong địa hình rừng cây hoặc các khu dân cư, một UAV sẽ được gửi tới để xác định chính xác tọa độ và phần tử bắn. Sở chỉ huy cấp cao sẽ quyết định, có sử dụng đạn "Krasnopol" hay không.

Các UAV trinh sát thực hiện nhiệm vụ xác định tọa độ mục tiêu, cung cấp dữ liệu hình ảnh và sử dụng thiết bị đo xa laser chiếu xạ chỉ thị mục tiêu.

Đạn Krasnapol bay theo quỹ đạo được tính toán. Thiết bị dẫn đường gắn trên đầu đạn nhận tín hiệu phản xạ laser và điều chỉnh đường bay. Độ chính xác của đạn rất cao. Thông thường, đạn Krasnapol được sử dụng để tấn công các mục tiêu quan trọng của quân đội Ukraine, nằm lẫn trong các khu dân cư.

Trên chiến trường Ukraine, pháo binh Nga thường sử dụng đạn nổ phá phân mảnh để vô hiệu hóa sinh lực, xe thiết giáp và pháo binh. Hỏa lực pháo binh Nga được duy trì liên tục ngày đêm trên chiến trường. Tại vị trí hỏa lực, pháo tự hành không duy trì sự hiện diện kéo dài mà liên tục thay đổi vị trí sau từ 10 - 15 phút để tránh bị phản pháo.

Trên chiến trường Ukraine, sử dụng ưu thế hỏa lực và kinh nghiệm chiến trường Syria trong các cuộc chiến đường phố và trận địa phòng ngự vững chắc, kiên cố, quân đội Nga đang phát triển kỹ thuật “đu quay xe tăng” thành chiến thuật “đu quay pháo binh” khi các pháo tự hành thực hiện các đợt hỏa lực thường xuyên, liên tục cho đến khi đối phương không thể chịu đựng nổi và buộc phải rút lui do tiêu hao sinh lực và binh khí kỹ thuật. Chỉ khi đó, bộ binh cơ giới mới tiến công đánh chiếm mục tiêu.

Thực hiện chiến thuật này, quân đội Nga tiếp tục tăng cường cho các đơn vị đổ bộ, đường không, bộ binh cơ giới các phương tiện hỏa lực mạnh. Bộ Quốc phòng Liên bang Nga công bố video về hoạt động tác chiến của những tổ hợp pháo tự hành 2S23 "Nona-SVK" thuộc lữ đoàn bộ binh cơ giới rừng núi Quân khu Trung tâm Ukraine.

Các cối tự hành 120 mm 2S23 "Nona-SVK" thuộc lực lượng Bộ binh Cơ giới rừng núi Nga chiến đấu trên chiến trường Donetsk. Video TV Zvezda.

Đây là các súng cối tự hành 120 mm, hỏa lực đi cùng của các đơn vị bộ binh cơ giới, rất phù hợp trên chiến trường Ukraine, khi các phương tiện hỏa lực đóng vai trò chủ lực trong chiến đấu tiến công và phòng ngự chủ động trên địa hình rừng núi, đô thị.