Nga thừa nhận cần ngân sách "khổng lồ" cho chiến sự ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Giới chức Nga thừa nhận nước này cần khoản ngân sách rất lớn để tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, cũng như để kích thích kinh tế dưới "bão" trừng phạt phương Tây.
Xe bọc thép của lực lượng thân Nga tại Mariupol, Ukraine (Ảnh: Reuters).
Xe bọc thép của lực lượng thân Nga tại Mariupol, Ukraine (Ảnh: Reuters).

Trong bài phát biểu ngày 27/5, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, nước này cần một nguồn tài chính "khổng lồ" để tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Nga đã điều hàng chục nghìn quân nhân tới Ukraine kể từ ngày 24/2 để thực hiện chiến dịch đặc biệt, động thái đã khiến phương Tây áp hàng loạt lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ. Nền kinh tế Nga đã bị ảnh hưởng nhất định, với tỷ lệ lạm phát đã tăng lên gần 18%.

"Cần phải có tiền và nguồn lực khổng lồ cho chiến dịch quân sự", ông Siluanov nói.

Trước đó, Moscow Times dẫn dữ liệu do Bộ Tài chính Nga công bố hôm 17/5 cho biết, ngân sách quốc phòng của Nga đã tăng hơn gấp đôi kể từ khi Nga bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2.

Vào tháng 1, chính phủ Nga đã chi 233,7 tỷ rúp cho quân đội, sau đó số tiền này tăng lên 369 tỷ rúp vào tháng 2 khi Nga bắt đầu chuyển binh sĩ và thiết bị quân sự đến biên giới Ukraine. Vào tháng 4, ngân sách quốc phòng của Nga đã tăng lên khoảng 628 tỷ rúp, tương đương khoảng 21 tỷ rúp mỗi ngày.

Theo Newsweek, tính trung bình, Nga đã chi số tiền gần 1 tỷ rúp, tương đương 15,5 triệu USD, cho mỗi giờ tham chiến tại Ukraine.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Nga cho biết, nước này sẽ áp dụng gói kích thích kinh tế khoảng 8.000 tỷ rúp (120 tỷ USD) để đối phó với những thách thức hiện tại.

Trong tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị tăng 10% lương hưu và lương cơ bản để đối phó với lạm phát. Tuy nhiên, ông bác bỏ thông tin rằng, các vấn đề kinh tế của Nga có liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt.

Ông Putin thừa nhận, năm 2022 sẽ là năm khó khăn cho kinh tế Nga. "Khi tôi nói khó khăn, nó không có nghĩa là mọi khó khăn đều liên quan tới chiến dịch quân sự đặc biệt. Bởi vì ở các quốc gia không tiến hành bất kỳ chiến dịch nào - chẳng hạn như ở Bắc Mỹ, ở châu Âu - lạm phát cũng khá cao", nhà lãnh đạo Nga cho biết.

Việc Nga tăng lương hưu và lương cơ bản sẽ khiến ngân sách liên bang phải chi thêm 600 tỷ rúp trong năm nay và 1.000 tỷ rúp trong năm tới.

Chiếc áo phông được in chữ Z - ký tự trên các xe quân sự của Nga Ukraine - bên trong một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Moscow (Ảnh: Reuters).
Chiếc áo phông được in chữ Z - ký tự trên các xe quân sự của Nga Ukraine - bên trong một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở Moscow (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, trong một bài trả lời phỏng vấn trên truyền hình tối qua, ông Siluanov tiết lộ doanh thu từ dầu và khí đốt của Nga trong năm nay sẽ tăng thêm 1.000 tỷ rúp và khoản này sẽ được dùng để chi cho các khoản phúc lợi xã hội.

Trước đó, ông Siluanov cũng lên tiếng nhằm bảo vệ việc Nga áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn và đóng băng tài sản đối với các nhà đầu tư nước ngoài từ các quốc gia "không thân thiện" để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ông Siluanov cho biết: "Chúng tôi sẽ giữ các khoản đầu tư của người nước ngoài từ các quốc gia không thân thiện ở Nga giống như cách họ giữ dự trữ vàng và ngoại hối của chúng tôi". Ông đề cập đến động thái của phương Tây khi đóng băng khoảng 300 tỷ USD dự trữ của Nga.

Theo Dantri.com.vn