Nga thử tên lửa diệt vệ tinh, "đám mây mảnh vỡ" khiến trạm ISS sơ tán khẩn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mỹ chỉ trích Nga vì thực hiện vụ thử tên lửa “nguy hiểm và vô trách nhiệm” trong hôm đầu tuần để tiêu diệt một vệ tinh của Nga, tạo ra nhiều mảnh vỡ.
Trạm Không gian Quốc tế (Ảnh: Reuters)
Trạm Không gian Quốc tế (Ảnh: Reuters)

Vụ việc này, theo Mỹ, đã khiến cho đội ngũ làm việc trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) phải đưa ra biện pháp né tránh các mảnh vỡ. Washington cho hay họ không được thông báo trước về vụ thử nghiệm và sẽ thảo luận với các đồng minh để tìm cách phản ứng. Vụ việc cũng làm dấy lên quan ngại về một cuộc chạy đua vũ trang ngoài không gian: từ việc phát triển các vệ tinh có khả năng bắt giữ vệ tinh khác cho tới vũ khí laser.

“Liên bang Nga đã thực hiện một vụ thử nghiệm tên lửa diệt vệ tinh đầy nguy hiểm nhằm vào một trong số các vệ tinh của họ” – Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong một tuyên bố, thêm rằng vụ thử này đã sinh ra 1.500 mảnh vỡ có thể theo dõi được và chắc chắn sẽ tạo thêm hàng trăm nghìn mảnh vỡ nhỏ hơn trong quỹ đạo.

Đội ngũ trên ISS – hiện có 4 người Mỹ, 1 người Đức và 2 người Nga – đã được đánh thức và đầu tiên là được yêu cầu đóng hết các cửa sập của trạm, sau đó tìm nơi trú ẩn trong con tàu được sử dụng để quay trở về Trái đất của họ - vốn được xem là “nơi trú ẩn an toàn” trong trường hợp khẩn cấp.

Đội ngũ làm việc trên ISS đã phải chạy tới các tàu Dragon và Soyuz của họ vào khoảng 2h00 sáng (15h00 15/11) và ở bên trong đó trong khoảng 2 giờ đồng hồ, NASA cho hay. ISS tiếp tục đi gần hoặc băng qua đám mây mảnh vỡ này cứ 90 phút một lần.

Các phi hành gia làm việc trên ISS (Ảnh: AFP)

Các phi hành gia làm việc trên ISS (Ảnh: AFP)

Trong tuyên bố cứng rắn của mình, Ngoại trưởng Blinken nói rằng sự nguy hiểm mà vụ thử của Nga gây ra còn lâu mới kết thúc, và những mảnh vỡ sẽ tiếp tục đe dọa các vệ tinh và hoạt động của ISS. Mỹ đang cùng với các đồng minh thảo luận về biện pháp đáp trả, ông nói thêm.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace viết trên Twitter rằng: “Những mảnh vỡ tạo nên do vụ thử này sẽ ở trên quỹ đạo, gây nguy hiểm cho các vệ tinh và tàu không gian trong nhiều năm tới”.

Giám đốc NASA Bill Nelson nói trong một tuyên bố rằng ông “phẫn nộ trước hành động vô trách nhiệm và gây bất ổn này”. “Vốn có lịch sử dài kỳ trong các chuyến bay không gian, thật không thể nghĩ đến việc Nga lại gây ra mối nguy hiểm không chỉ cho các phi hành gia của Mỹ, các đối tác trên ISS, mà còn cho cả các phi hành gia của chính họ”, ông nói.

Mục tiêu của vụ thử tên lửa là Cosmos 1408, một vệ tinh thông tin tình báo có từ năm 1982 của Liên Xô đã ngừng hoạt động suốt nhiều thập kỷ qua; theo công ty phân tích không gian Seradata.

Cuộc đua trên không gian

Các vũ khí diệt vệ tinh (ASAT) là những tên lửa công nghệ cao hiện chỉ có vài quốc gia sở hữu.

Ấn Độ là nước mới nhất tham gia vào CLB các nước sở hữu ASAT sau khi thử nghiệm một vụ thử năm 2019, tạo ra hàng trăm mảnh vỡ trên không gian. Vụ việc cũng hứng phải chỉ trích của nhiều quốc gia khác, trong đó có Mỹ. Mỹ cũng bắn hạ một vệ tinh vào năm 2008 để phản ứng trước vụ thử ASAT tương tự của Trung Quốc năm 2007.

Jonathan McDowell, nhà vật lý không gian đến từ ĐH Harvard, nói rằng: “Cảm nhận chung của những người trong ngành công nghiệp không gian là chúng ta giờ có quá nhiều mảnh vỡ trên không gian – và việc tạo thêm mảnh vỡ là hành động khó có thể biện minh.”

Ông McDowell cho hay, những vật thể đầu tiên thuộc đám mây mảnh vỡ mà Nga tạo ra sẽ bắt đầu đi vào bầu khí quyển Trái đất trong vòng vài tháng tới, và tình trạng đó sẽ kéo dài tới 10 năm mới hết. Điều này sẽ gây ảnh hưởng tới một khu vực ngày càng trở nên đông đúc trong không gian có tên gọi “quỹ đạo Trái đất tầm thấp”.

Tàu Crew Dragon của SpaceX đang tiếp cận ISS (Ảnh: AP)

Tàu Crew Dragon của SpaceX đang tiếp cận ISS (Ảnh: AP)

Hiện nay có khoảng trên 4.500 vệ tinh đang bay quanh Trái đất, và hàng loạt công ty như SpaceX đang có kế hoạch phóng thêm hàng chục nghìn vệ tinh.

Nga hiện đang ra sức tăng cường sức mạnh của mình trong không gian nhằm tăng tầm ảnh hưởng toàn cầu. Năm ngoái, London và Washington cáo buộc Moscow thử nghiệm một vệ tinh “Matryoska” (búp bê lồng nhau) có thể phóng ra một tàu cỡ nhỏ để bám theo vệ tinh của Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc đang phát triển một vũ khí có tên Shijian-17 (Thực tiễn-17) được trang bị một cánh tay robot có khả năng nắm giữ các tàu không gian.

“Cả Nga và Trung Quốc đều đang biến không gian thành sức mạnh quân sự của họ” – Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Avril Haines nói trong một hội thảo về không gian ở Washington hồi tuần trước – “Họ đều sở hữu nhiều vũ khí năng lượng định hướng, cho phép họ làm mù các bộ cảm ứng lắp trên nhiều vệ tinh.”