Nga sa thế khó trước Israel, Iran toan “quyết đấu” tại Syria

Va chạm quân sự giữa Israel và Iran trên lãnh thổ Syria, ngày 10/02/2018 đặt Nga trong một tình thế lưỡng nan mới trong chiến lược bảo vệ chế độ Damascus.
Quân đội Israel rất hùng hậu và thiện chiến
Quân đội Israel rất hùng hậu và thiện chiến

Bất chấp sự thù nghịch lẫn nhau, nhưng Israel và Iran chưa bao giờ đi đến đối đầu trực diện. Ngày 10/2 vừa qua, một chiếc F-16 của Israel bị bắn hạ trên không phận Syria khi đang không kích một trung tâm chỉ huy của Iran đặt trên lãnh thổ Syria, bị cáo buộc điều khiển một chiếc máy bay không người lái xâm nhập lãnh thổ Israel. Hiện nay, Nga phải đau đầu xử lý mối quan hệ với Israel và với Iran, để mọi nỗ lực tại Syria không bị rơi vào tình trạng «xôi hỏng bỏng không".

Trước tiên là quan hệ với Israel. Hai nước cho đến nay vẫn duy trì mối quan hệ chặt chẽ. Do vậy, bất chấp sự hiện diện của hệ thống phòng không S-300 và S-400 được Nga triển khai tại Syria từ đầu cuộc nội chiến năm 2011, nhưng Israel đã có ít nhất hàng trăm lần oanh kích vào lãnh thổ Syria.

Nga được cho là hầu như bỏ qua mỗi khi Israel cho rằng một trong số những «lằn ranh đỏ» do nước này ấn định sắp hay đang bị vượt qua. Đó là không chuyển giao tên lửa tầm xa cho Hezbollah, cũng không cho thiết lập căn cứ quân sự Iran gần với cao nguyên Golan và sát với biên giới phía bắc của Israel.

Mặt khác, trong chiến lược tại Syria, Nga cần đến Iran, một đồng minh quan trọng. Chính sự yếu kém của chế độ Damascus đã đưa Nga lâm vào thế kẹt. Nếu Nga không ủng hộ nữa, chế độ Assad sụp đổ, thì đó sẽ lại là một thất bại nặng nề của Matxcơva. Trong cuộc đấu này, Nga cần đến các lực lượng trong khu vực, cụ thể Iran và lực lượng Hezbollah để tiêu diệt phiến quân Syria.

Chính vì hiểu được ý định của điện Kremlin, Israel đành miễn cưỡng chấp nhận sự hiện diện tạm thời của Iran tại Syria. Nhằm tránh điều mà quân đội Israel gọi là «một cuộc chiến tranh giữa các cuộc chiến», một đường dây điện thoại đỏ giữa trung tâm chỉ huy của Israel với căn cứ quân sự Nga tại Hmeimim, Syria, đã được thiết lập. Tất cả những điều đó là chỉ vì quyền lợi của một triệu dân Nga đang sinh sống tại Israel, như lời nhắc khéo của thủ tướng Netanyahu nhân chuyến công du Matxcơva hồi tháng 1/2018.

Ông Alexandre Choumiline, giám đốc Trung tâm Phân tích xung đột Trung Đông trên báo Pháp Le Monde kết luận rằng: «Điện Kremlin đang bị giam hãm trong tình huống do chính mình tạo ra. Lìa bỏ các đối tác của mình giờ là điều không thể, nhưng điều đó cũng có nghĩa là Nga vẫn sẽ trả giá đắt cho việc tiếp tục sống chung với nhau».

Đó là chưa kể đến một yếu tố khác đang làm cho khủng hoảng Syria thêm phức tạp, đó là hành động can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào người Kurd ở Afrin, bắc Syria.

Trong bối cảnh «dầu sôi lửa bỏng» này, Nga và Iran buộc phải ở bên cạnh tổng thống Assad. Nhưng đối với Israel, sự hiện diện của quân đội Iran tại Syria lại là một điều không thể chấp nhận được.

Theo giới phân tích, Nga lẽ ra sẽ phải thương lượng các cuộc thỏa thuận nhằm hỗ trợ cho việc «hạ nhiệt leo thang» qua việc đẩy lui dần các lực lượng được Iran hỗ trợ xa khỏi lằn ranh đình chiến giữa Israel và Syria. Iran sẽ phải từ bỏ việc xây dựng các cơ sở sản xuất tên lửa có tầm bắn chính xác cao và các cơ sở quân sự khác.

Về phía Israel, có thể Tel Aviv có thể phải chấp nhận sự hiện diện tạm thời của các lực lượng nước ngoài tại phần lãnh thổ còn lại của Syria, trong khi chờ đợi đạt được một thỏa thuận về tương lai Syria. Do thiếu vắng những dàn xếp trên, nguy cơ leo thang xung đột giữa Israel với Iran và Hezbollah là rất cao và nếu xung đột tái bùng nổ trên lãnh thổ Syria thì đó là thất bại đối với Nga.