Nga ra lệnh chặn ngay lập tức ứng dụng nhắn tin Telegram

VietTimes – Telegram là ứng dụng lớn thứ 9 toàn cầu với hơn 200 triệu người dùng đang hoạt động, rất phổ biến ở Nga và Trung Đông. Tuy nhiên, một tòa án ở thủ đô Moskva đã ra lệnh chặn ngay Telegram tại Nga do không cung cấp cho Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) chìa khóa giải mã các tin nhắn của người sử dụng. Lệnh này có thể  có hiệu lực ngay lập tức. 
(Ảnh: The Verge)
(Ảnh: The Verge)

Tòa án Nga đã phán quyết chặn ứng dụng nhắn tin Telegram trong phạm vi quốc gia này. Quyết định được đưa ra sau nhiều tháng chiến đấu pháp lý giữa Telegram và Roskomnadzor, cơ quan giám sát viễn thông của Nga. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) muốn truy cập dữ liệu người dùng từ Telegram thông qua chìa khóa giải mã các tin nhắn của người sử dụng, nhưng Telegram đã từ chối tuân thủ ngay cả sau khi có phán quyết của tòa án.

Cơ quan thông tấn Nga Tass báo cáo rằng dịch vụ nhắn tin sẽ bị "chặn lại ngay lập tức" theo phán quyết của tòa án và lệnh cấm sẽ được kéo dài  cho đến khi Telegram cung cấp chìa khóa giải mã tới FSB. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ là lệnh cấm sẽ có hiệu lực ngay lập tức như thế nào. Tờ Financial Times báo cáo rằng lệnh cấm có thể thực thi ngay khi Telegram không còn khả năng kháng cáo trong tháng tới.

Nga thực hiện luật chống khủng bố nghiêm ngặt vào năm 2016, yêu cầu các dịch vụ nhắn tin cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền giải mã tin nhắn. Năm 2017, FSB đã yêu cầu nhà sáng lập Telegram Pavel Durov cung cấp thông tin để giải mã các tin nhắn mà bọn khủng bố quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Nga đã sử dụng. Tuy nhiên, Telegram đã từ chối giao chìa khóa mã hóa vì cho rằng mình không có quyền truy cập vào chúng do cách ứng dụng đã được phát triển. Telegram đã và đang thách thức những luật lệ này. Ngay sau thông tin bị cấm hoạt động trên nước Nga được đưa ra, Pavel Durov đã đáp trả: "Với Telegram, chúng tôi xây dựng nên sự sang trọng riêng khi không quan tâm đến luồng doanh thu hoạt động hoặc doanh thu quảng cáo. Sự riêng tư không phải để bán, và nhân quyền không cần phải thỏa hiệp dưới sự sợ hãi hay tham lam”.