Nga ra đòn tại Syria: 6 lý do chủ yếu

Cuộc tấn công của Anh-Pháp-Mỹ vào 3 cơ sở được cho là liên quan đến việc nghiên cứu và tàng trữ vũ khí hóa học tại Syria khiến Nga nổi giận. Đã 7 năm kể từ khi cuộc chiến nổ ra tại Syria, Mátxcơva luôn ủng hộ chính quyền của tổng thống Assad, báo Pháp Journal du Dimanche phân tích.
Phi công Nga tham chiến tại Syria
Phi công Nga tham chiến tại Syria

Nga hỗ trợ Syria trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, nhưng trên thực tế Matxcơva đang cứu chế độ Bashar Al Assad. Sau một thập kỷ rút khỏi trường quốc tế khi Liên Xô tan rã, Nga đã nối lại chính sách đối ngoại. Theo Journal du Dimanche, tham gia vào cuộc xung đột tại Syria, Nga theo đuổi 6 mục đích khác nhau:

Nga thể hiện là nước bảo vệ cộng đồng Cơ đốc giáo 

Biện minh cho hành động tham chiến, Nga thường xuyên nêu mối đe dọa đè nặng lên cộng đồng Cơ Đốc giáo Phương Đông. Tại Syria, lkhoảng 7-9% dân số là giáo dân. Theo nhà sử học Frédéric Pichon, tác giả cuốn «Syria: Thách thức nào đối với Nga?», cách thể hiện vai trò của điện Kremlin và Tòa Thượng phụ Chính thống Matxcơva «khiến Nga thành nước che chở truyền thống cho các cộng đồng Cơ đốc giáo thiểu số trong thế giới Ả Rập».

Lợi ích kinh tế tại Syria

Nga có hai căn cứ quân sự tại Syria. Cảng Tartus là nơi neo đậu duy nhất của Nga hướng ra Địa Trung Hải và cũng là cửa ngõ duy nhất dẫn ra các vùng «biển nóng» ; căn cứ không quân Latakia là cũng là lối vào khu vực Trung Đông của Nga.

Điện Kremlin còn muốn ngăn chặn ý đồ của Qatar xây dựng một đường ống dẫn khí đi qua Syria vì đường ống này có thể cạnh tranh với khí đốt của Nga tại châu Âu. Ngoài ra, chế độ Bashar Al Assad cũng là một khách hàng vũ khí quan trọng của Matxcơva.

Tuy nhiên, theo đánh giá của sử gia Frédéric Pichon, đây là «một thách thức quan trọng, nhưng không hẳn là trọng yếu» vì lợi ích kinh tế của Nga tại Trung Đông dường như không quan trọng bằng vị trí chiến lược của vùng này đối với phương Tây, kể cả đối với việc xuất khẩu khí đốt.

Ngăn tình hình bất ổn ở Syria lan đến các nước láng giềng của Nga

«Nga lập luận rất nhiều về vùng đệm. Nhưng trước hết, Nga muốn chú ý đến các nước lân cận và kiểm soát tình hình bất ổn ở những nước này», theo nhận định của nhà nghiên cứu Isabelle Facon, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược. Nga quan niệm rằng tình hình tại Trung Đông rất có nguy cơ «thành vết dầu loang tại Trung Á và vùng Kavkaz, nằm sát sườn Nga».

Vì vậy, mục tiêu giảm đà phát triển của Hồi giáo cực đoan trong khối hậu Xô Viết không phải là một cái cớ. «Đối với Nga, tình hình bất ổn ở Trung Đông có liên quan đến an ninh cho nước Nga và các nước láng giềng», vẫn theo giải thích của bà Facon. Đó là chưa kể đến các nhóm thánh chiến hiện diện trên lãnh thổ Nga và ở các nước Cộng hòa Xô viết cũ. Chính vì những lý do này, tổng thống Putin cho rằng làn sóng cách mạng Mùa xuân Ả Rập là một mối đe dọa cho an ninh đối với Nga.

Nga không muốn chỉ là "cường quốc trong khu vực"

Năm 2014, tổng thống Barack Obama đã khiến Kremlin tức giận khi đánh giá Nga là «một cường quốc trong khu vực» đang mất ảnh hưởng. Tham chiến vào Syria là cách trực tiếp phản đối phát biểu trên và cũng là một lời cảnh báo: «Chúng tôi là một cường quốc có tầm cỡ thế giới, có thể can thiệp khi lợi ích bị thách thức».

Nước Nga của tổng thống Putin đang tìm cách lấy lại vị thế trong trật tự quốc tế mà Nga từng bị loại khi Liên bang Xô Viết tan rã. Điện Kremlin tìm cách thu hẹp sự hiện diện khắp nơi của Mỹ để phát triển một thế giới đa cực. Và để làm được việc này, Nga cần nhiều đối tác như với Syria, Iran, Trung Quốc…

Khi can thiệp vào Syria, Nga cũng muốn buộc phương Tây phải đối thoại với mình. Tuy nhiên, kết quả lại không như mong đợi vì phương Tây vẫn không dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và vẫn chưa quên vấn đề Ukraine.

Ngăn ngừa thay đổi chế độ trong vòng ảnh hưởng của Nga
Một kịch bản mà Nga muốn tránh bằng mọi giá: Thay đổi chế độ Syria hiện nay. Đây cũng là «chiến mã của Matxcơva trong cuộc xung đột Syria», theo sử gia Frédéric Pichon. Còn nhà nghiên cứu Isabelle Facon nhận định: «Đối với Nga, các nước phương Tây một lần nữa lại theo đuổi chiến dịch thay đổi chế độ từ nhiều năm gần đây, như các cuộc cách mạng màu (ở Gruzia, Ukraine, Kirghizistan, Belarus, Liban), lật đổ chế độ ở Iraq, Libya… ».
Tất cả những sự kiện này, đều có vai trò của phương Tây, đã đẩy xa những nước trên khỏi vòng ảnh hưởng của Nga. Vẫn theo bà Facon, «ý nghĩ một nước phương Tây chấm dứt các chế độ không theo tiêu chí của họ ngày càng trở nên quan trọng với Nga».
Những ý đồ này lại càng mất uy tín trong mắt Nga khi mà các chế độ được dựng lên, tại Iraq hay Libya chẳng hạn, cũng không phải là những nền dân chủ từng được hứa hẹn để biện minh cho các chiến dịch can thiệp quân sự của phương Tây.

Bác bỏ ý đồ "can thiệp để bảo vệ" của phương Tây

Ngoài nỗi sợ mất ảnh hưởng, một cuộc xung đột về giá trị cũng được tiến hành trong cuộc chiến tại Syria. Nga tỏ ra rất nghi ngờ về những giới hạn «trách nhiệm bảo vệ», lý do được phương Tây đưa ra để giải thích các tình huống can thiệp. Vì theo Nga, những tiêu chí được đưa ra quá bấp bênh.

Nga rút kinh nghiệm từ cuộc chiến tại Libya. Thay vì sử dụng quyền phủ quyết như mọi lần, Nga đã quyết định bỏ phiếu trắng về dự thảo nghị quyết lập vùng cấm bay tại Libya với điều kiện là nghị quyết này không nhằm lật đổ chế độ. Với điện Kremlin, vụ giết hại tổng thống Muammar Kadhfi là sự vi phạm nghị quyết trên. Từ đó, Nga luôn phủ quyết mọi hành động được tiến hành dưới danh nghĩa của Liên Hiệp Quốc tại Syria.