Nga phản ứng sau phán quyết Biển Đông: Không hoan nghênh, không bác bỏ hay bình luận trực tiếp

VietTimes -- Moscow khẳng định "Nga không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông" và "Nga ủng hộ các nỗ lực của Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova.

Thông tấn Nga Tass ngày 14/7 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ra tuyên bố cho hay: Moscow nhấn mạnh lập trường "nhất quán và không thay đổi" của Nga, theo đó các bên liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc không sử dụng vũ lực và tiếp tục tìm kiếm giải pháp chính trị - ngoại giao trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định "Nga ủng hộ các nỗ lực của Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông".

Đại diện Bộ Ngoại giao Nga cũng nêu rõ rằng "về mặt nguyên tắc Nga không đứng về bất cứ bên nào và sẽ không để bị lôi kéo vào cuộc tranh chấp". 

Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga được đưa ra 2 ngày sau khi Tòa trọng tài thường trực của Liên Hợp Quốc (PCA)ở La Hay (Hà Lan) ngày 12/7 ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc liên quan tranh chấp ở Biển Đông.

Như vậy, tuyên bố của Bộ ngoại giao Nga không hoan nghênh và cũng không bác bỏ hay có bình luận gì về phán quyết của tòa PCA. Tuyên bố lần này chỉ đơn giản là lặp lại lập trường của Moscow về vấn đề tranh chấp ở Biển Đông nói chung đã được chính quyền Nga bày tỏ trước đó trong nhiều thời điểm khác nhau.

Có thể nói, đây là một tuyên bố có tính toán kỹ lưỡng, tiếp tục thể hiện quan điểm, lập trường xuyên suốt của chính quyền Nga về vấn đề Biển Đông trong khoảng 2 năm trở lại đây. 

Nga có quan hệ tốt đẹp, truyền thống, chiến lược với Việt Nam nhưng cũng có quan hệ hopự tác cần thiết với Trung Quốc trong giai đoạn bị phương Tây cấm vận hiện nay (ảnh minh họa: Tổng thống Nga Putin)
Nga có quan hệ tốt đẹp, truyền thống, chiến lược với Việt Nam nhưng cũng có quan hệ hopự tác cần thiết với Trung Quốc trong giai đoạn bị phương Tây cấm vận hiện nay (ảnh minh họa: Tổng thống Nga Putin)

Tuyên bố của Bộ ngoại giao Nga dường như nhằm phản ứng với phán quyết PCA dù không hề đề cập trực tiếp bất cứ từ nào  đến phán quyết này.

Nếu chỉ mới lướt qua,lập trường của Moscow có vẻ khá chung chung nhưng rõ ràng nó đã đạt mục đích làm cho các bên đều vừa có chút hài lòng vừa có chút thất vọng, đặc biệt là với Trung Quốc và một đối tác quan trọng khác của Nga trong khối ASEAN.

Tuyên bố mới nhất của Moscow được đưa ra trong bối cảnh nhạy cảm, đặc biệt là sau khi Tòa trọng tài Liêp Hợp Quốc ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.

Nói một cách ngắn gọn, tuyên bố của Moscow muốn thể hiện 3 nội dung chính gồm: 1. Mong muốn và ý định của Nga (Nga không đứng về bất cứ bên nào và sẽ không để bị lôi kéo vào tranh chấp Biển Đông);

2. Muốn các bên tự dàn xếp (Nga ủng hộ các nỗ lực của Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) soạn thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông);

3. Nhấn mạnh việc tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, lấy luật pháp, công ước quốc tế làm nền tảng đàm phán chính trị - ngoại giao, kể cả Trung Quốc cũng phải chấp hành bởi hán quyết Biển Đông được Toà Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (trong vụ kiện giữa Cộng hoà Philippines và Cộng hoà nhân dân Trung Hoa) nhất trí thông qua và ban hành.(Moscow nhấn mạnh lập trường nhất quán và không thay đổi của Nga, theo đó các bên liên quan tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc không sử dụng vũ lực và tiếp tục tìm kiếm giải pháp chính trị - ngoại giao trên cơ sở luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) - PV.

Bản tin của thông tấn Nga Tass đăng tải ngày 14/7/2016.
Bản tin của thông tấn Nga Tass đăng tải ngày 14/7/2016.

Theo phán quyết, Tòa PCA đã bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc về "các quyền lịch sử" đối với các vùng biển nằm trong "đường 9 đoạn" là trái với Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS). 

Trung Quốc không có "tư cách lịch sử" đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về "các quyền lịch sử" đối với những nguồn tài nguyên trong "đường 9 đoạn". 

Theo báo Vietnamplus, nội dung phán quyết của PCA nhất mạnh, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc không có quyền hạn đối với vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của bãi Vành Khăn (Mischief) hay bãi Cỏ Mây (Thomas). 

PCA cũng khẳng định thực thể Ba Bình (Itu Aba) thuộc quần đảo Trường Sa là "bãi đá", nên không có vùng đặc quyền kinh tế. PCA cho rằng Bắc Kinh đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái san hô ở quần đảo Trường Sa.

Phán quyết của PCA cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough trên Biển Đông. Những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc đang các bên nỗ lực để giải quyết vấn đề.