Nga nói đàm phán Nga-Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ đã “có tiến triển thực chất”, Anh và Mỹ nghi ngờ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các nhà đàm phán Nga và Ukraine hôm 29/3 lại đối mặt tại bàn đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ sau khi các vòng đàm phán trước đó không đạt được tiến triển.
Nga nói vòng đàm phán Nga-Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ "đã có tiến bộ thực chất" (Ảnh: Reuters).
Nga nói vòng đàm phán Nga-Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ "đã có tiến bộ thực chất" (Ảnh: Reuters).

Đây là cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Ukraine và Nga về lệnh ngừng bắn trong gần ba tuần. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chào mừng các nhà đàm phán của hai bên tại dinh tổng thống ở Istanbul. Ông Erdogan nói, việc chấm dứt "tấn thảm kịch" nằm trong tay cả hai bên, lệnh ngừng bắn ngay lập tức sẽ có lợi cho tất cả các bên.

Các bức ảnh do truyền thông Nga công bố cho thấy, tỷ phú người Nga Roman Abramovich cũng có mặt tại buổi lễ đón. Abramovich là một trong những nhà tài phiệt Nga bị các nước phương Tây trừng phạt vì có quan hệ thân thiết với Tổng thống Nga Putin. Cách đây vài ngày, Moscow đã xác nhận rằng ông Abramovich từ đầu tháng 3 đã đóng vai trò trung gian trong các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga.

Ukraine đã nhờ ông Abramovich đứng ra làm trung gian hòa giải ngay từ khi Nga bắt đầu “Chiến dịch quân sự đặc biệt”. Tờ Wall Street Journal đưa tin hôm thứ Hai (28/3) rằng Abramovich và các nhà đàm phán Ukraine có các triệu chứng nghi bị đầu độc sau cuộc hội đàm ở Kiev hồi đầu tháng. Các nguồn tin nghi ngờ vụ này là do những người theo phái cứng rắn ở Moscow, những người muốn phá hoại các cuộc đàm phán nhằm kết thúc chiến tranh.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tiếp hai đoàn đại biểu và khai mạc vòng đàm phán tại Dinh Tổng thống (Ảnh: AP).

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tiếp hai đoàn đại biểu và khai mạc vòng đàm phán tại Dinh Tổng thống (Ảnh: AP).

Các đại biểu đàm phán Nga và Ukraine cho biết các cuộc đàm phán hôm 29/3 tại Istanbul đã đạt được tiến triển "thực chất" và mở đường cho cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky; nhưng Mỹ, Anh đều thận trọng. Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho rằng các cuộc đàm phán Ukraine-Nga "không có tiến triển thực chất".

AFP đưa tin, đại diện Nga và Ukraine đã hội đàm tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm thứ Ba. Sau ba giờ thảo luận tại Cung điện Mabachce, trưởng phái đoàn Nga kiêm đại diện Điện Kremlin, Medinsky, nói rằng hai bên đã tiến hành "Cuộc thảo luận mang tính thực chất", và nói thêm rằng các đề xuất "rõ ràng" của Ukraine về một hiệp nghị sẽ "sớm" được đệ trình lên Tổng thống Vladimir Putin để nghiên cứu.

Medinsky nói thêm rằng ông nghĩ rằng một hội nghị thượng đỉnh giữa Putin và Zelensky sẽ có thể xảy ra nếu hai bên đạt được thỏa thuận chấm dứt các hành động thù địch. Moscow đã từ chối yêu cầu của Kiev kể từ khi Nga đưa quân vào Ukraine ngày 24/2.

Theo AFP, sau cuộc hội đàm, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Fomin tuyên bố Nga sẽ cắt giảm đáng kể các hoạt động quân sự ở Kyiv và Chernihiv nhằm "tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và tạo điều kiện cần thiết cho các cuộc đàm phán tiếp theo để đạt được mục tiêu cuối cùng là ký kết hiệp nghị."

Tổng thống Erdogan phát biểu khi tiếp hai đoàn đại biểu (Ảnh: AP).

Tổng thống Erdogan phát biểu khi tiếp hai đoàn đại biểu (Ảnh: AP).

Theo ông Medinsky, các đề nghị bằng văn bản mà phía Nga nhận được bao gồm: Ukraine tuyên bố trở thành một quốc gia trung lập vĩnh viễn, không liên kết, phi vũ khí hạt nhân dưới sự bảo vệ của luật pháp quốc tế và đề xuất danh sách các quốc gia đảm bảo an ninh cho Ukraine; Không có sự đồng ý của các bên bảo đảm an ninh, bao gồm cả Nga, Ukraine từ bỏ việc tham gia liên minh quân sự, không cho thiết lập các căn cứ quân sự nước ngoài và quân đội nước ngoài đóng trên lãnh thổ của mình, không tổ chức các cuộc tập trận; Nga không được phản đối việc Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU); Ukraine đã yêu cầu một cuộc họp của hai nguyên thủ quốc gia để chính thức đưa ra quyết định cuối cùng.

Về Crimea và Donbass ở miền Đông Ukraine vẫn là khu vực tranh chấp. Ông Mykhailo Podolyak, đại biểu đàm phán Ukraine và cố vấn Chánh văn phòng của tổng thống, cho biết phái đoàn Ukraine đã đề nghị "thông qua các cuộc đàm phán song phương trong vòng 15 năm” để giải quyết vấn đề bán đảo Crimea mà Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

Hiện Ukraine vẫn chưa đạt được nhất trí với Nga về vấn đề đảm bảo an ninh quốc tế. Ngoài các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Ukraine coi Đức, Canada, Ba Lan, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ là những nước bảo đảm cho địa vị trung lập của Ukraine, một số quốc gia trong số họ đã dự kiến ​​đồng ý với đề xuất này. Trong trường hợp có tình huống xảy ra, các cuộc tham vấn phải được tổ chức trong vòng ba ngày và các quốc gia đảm bảo an ninh sẽ hỗ trợ Ukraine. Chính phủ Ukraine sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về hiệp nghị đảm bảo an ninh, nó phải nhận được sự ủng hộ của công chúng trước khi được quốc hội thông qua.

Ông Roman Abramovich (Thứ 3, phải sang, hàng đầu) có mặt tại buổi đàm phán (Ảnh: Reuters).

Ông Roman Abramovich (Thứ 3, phải sang, hàng đầu) có mặt tại buổi đàm phán (Ảnh: Reuters).

Mặc dù cuộc đàm phán Istanbul đã đạt được những bước tiến quan trọng nhưng vẫn chỉ là ở cấp độ ngoại giao, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết về lệnh ngừng bắn và rút quân của Nga, vì vậy, người ta dự tính chiến sự sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian nữa. .

Mỹ và Vương quốc Anh tỏ ra nghi ngờ và thận trọng về tuyên bố này. Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Maroc Britta hôm 29/3 rằng ông không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu "tiến bộ" nào trong các cuộc đàm phán giữa Ukraine và Nga, và phía Mỹ không thấy Nga có ý định "xem xét các cuộc đàm phán một cách nghiêm túc" .

Ông Blinken nói: "Những gì Nga đã nói và những gì Nga đã làm, chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến vấn đề sau (tức hành động của Nga)”. Ông nói thẳng, hành động quan trọng hơn lời nói, và Mỹ không được buông lỏng cho đến khi thấy rằng Nga thực sự đã đồng ý ngừng bắn. Ông cũng cảnh báo rằng mặc dù Nga cho biết sẽ giảm thiểu các hoạt động quân sự ở Kiev và Chernihiv, nhưng nhiều khả năng chỉ là chuyển hướng trọng tâm mà thôi.

Trong khi đó, số người chết ở nhiều thành phố lớn của Ukraine đang gia tăng. Thị trưởng Kiev Vitali Klitschko cho biết trong bài phát biểu trước hội đồng thành phố Florence hôm thứ Hai (28/3) nói hơn 100 người đã thiệt mạng ở Kiev kể từ khi chiến tranh nổ ra, trong đó có 4 trẻ em và 82 tòa nhà nhiều tầng đã bị phá hủy.

Ông Klitschko cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy Nga từ bỏ kế hoạch bao vây Kiev. Mặt khác, phát ngôn viên của thị trưởng thành phố cảng phía đông Mariupol, nơi đã bị quân Nga bao vây và pháo kích trong nhiều tuần, ngày 28/3 nói rằng số người chết ở thành phố là 5.000 người, và 90% các kiến trúc bị hư hại, 40% số tòa nhà bị phá hủy.

Ngày 28/3, Liên hợp quốc xác nhận rằng kể từ khi chiến tranh bùng nổ, 1.119 dân thường Ukraine đã thiệt mạng và 1.790 người bị thương, nhưng cũng nhấn mạnh rằng số người chết thực tế có thể cao hơn nhiều.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói rằng Ukraine mong muốn có sự đảm bảo nhất từ ​​cuộc đàm phán hòa bình mới nhất với Nga rằng hai bên thực sự sẽ ngừng bắn. "Lựa chọn tối thiểu để đàm phán sẽ là các vấn đề nhân đạo, và lựa chọn tối đa là đạt được một lệnh ngừng bắn", ông Kuleba nói trên truyền hình Ukraine.

Hai nước đã tổ chức nhiều vòng đàm phán nhưng cho đến nay vẫn chưa đạt được nhiều tiến bộ. Trước đó, Kuleba đã nói rằng Ukraine sẽ không đánh đổi về con người, đất đai hoặc chủ quyền của đất nước trong các cuộc đàm phán.

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết ông đã có các cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong những ngày gần đây, đồng thời cho biết cuộc nói chuyện đang diễn biến theo chiều hướng tích cực.

Ông không cho biết thêm chi tiết, nhưng nói ông sẽ gặp các phái đoàn Ukraine và Nga trước cuộc hội đàm của họ tại Istanbul vào ngày 28/3. Người phát ngôn Chính phủ Nga Dmitry Peskov ngày 27 cho biết rằng dự kiến không có "thành công hay bước đột phá lớn" nào được mong đợi trong các cuộc đàm phán ở Thổ Nhĩ Kỳ. Các quan chức Ukraine cũng đánh giá thấp khả năng có một bước đột phá lớn trong cuộc đàm phán.

Mặt khác, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết trong bài phát biểu tại quốc hội nước này vào ngày 27/3 rằng Ukraine quyết không được "bán đứng" trong các cuộc đàm phán với Nga. Bà nói rằng cộng đồng quốc tế cần rút ra bài học từ "giải pháp" đạt được sau những xáo trộn của Nga về việc sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Bà nói: "Putin chỉ quay lại và yêu cầu nhiều hơn. Đó chính là lý do vì sao chúng ta không cho phép Nga giành được thắng lợi lần này".

Bà Truss nói thêm rằng bất kỳ thỏa thuận dài hạn nào cũng cần phải bao gồm "các biện pháp trả đũa trừng phạt rõ ràng" để đảm bảo rằng bất kỳ hành vi hung hăng nào của Nga đều sẽ dẫn đến các lệnh trừng phạt. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tweet rằng ông đã liên lạc với Thủ tướng Anh Boris Johnson và chia sẻ thông tin với ông về các cuộc đàm phán hòa bình.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 28/3 cho biết ông hy vọng có thể đàm phán về một lệnh ngừng bắn nhân đạo giữa Nga và Ukraine. Ông cho biết đã hướng dẫn Martin Griffiths, quan chức phụ trách viện trợ của Liên Hợp Quốc, "ngay lập tức tìm hiểu các sắp xếp và thỏa thuận có thể có cho một lệnh ngừng bắn nhân đạo ở Ukraine" với các bên liên quan.

Thành phố Kiev

Thành phố Kiev bị tàn phá nặng nề sau 1 tháng chiến tranh (Ảnh: Getty).

Thành phố Kiev bị tàn phá nặng nề sau 1 tháng chiến tranh (Ảnh: Getty).

Griffith sau chuyến đi Afghanistan sẽ tới Moscow và Kyiv trong thời gian sớm nhất có thể. Tuần trước, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã áp đảo thông qua một nghị quyết không ràng buộc kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine.

Ngoài ra, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thảo luận về tiến độ của các cuộc đàm phán hòa bình với Nga trong một cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào ngày 28. Ông Zelensky kêu gọi ông Scholz tiếp tục gây sức ép và thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.

Sau cuộc gặp với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson, ông Scholz cho rằng việc Nga sử dụng vũ lực để di chuyển đường biên giới đã vi phạm tất cả các quy tắc của trật tự quốc tế. Ông nói: “Mọi người sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/3 lại lên tiếng về lời lẽ của ông rằng “Putin cần phải từ chức” trong bài phát biểu ở Ba Lan hôm 26/3. Ông cho biết phát biểu của mình phản ánh sự tức giận về đạo đức của chính ông, chứ không thúc đẩy một "thay đổi chính sách".

"Tôi muốn nói rõ rằng tôi khi đó không và hiện giờ cũng không nêu rõ một sự thay đổi chính sách. Tôi chỉ biểu đạt sự phẫn nộ đạo đức mà tôi cảm nhận. Tôi sẽ không xin lỗi vì sự cảm nhận của mình", Biden nói.

Joe Biden nói rằng ông không lo ngại rằng những bình luận của mình sẽ làm gia tăng căng thẳng về cuộc chiến Ukraine. Ông nói: “Đây chỉ là nêu một thực tế đơn giản rằng hành vi của Nga là hoàn toàn không thể chấp nhận được.

Sau khi bình luận của Biden gây ra tranh cãi, chính phủ Nga đã bác bỏ tuyên bố của ông, nói rằng ai sẽ lãnh đạo đất nước nên để người Nga quyết định. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng phủ nhận Mỹ có kế hoạch thay đổi chính quyền ở Nga hoặc những nơi khác.