Nga lại bất thần “tung chưởng”, NATO hốt hoảng tính điều quân

Sự kiện Nga phóng 26 quả tên lửa hành trình Klub bay 1.500 km qua không phận Iran, Iraq và đánh trúng 11 mục tiêu IS ở Syria gây chấn động. Đây được coi là một bước chuyển mới trong cuộc khủng hoảng Syria, NATO nhóm họp, tuyên bố xem xét điều quân bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ, Reuteurs ngày 8/10 cho biết.
Lần đầu tiên Nga cho thấy sức mạnh chiến đấu của tên lửa hành trình trong thực tế chiến trường
Lần đầu tiên Nga cho thấy sức mạnh chiến đấu của tên lửa hành trình trong thực tế chiến trường

Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đích thân báo cáo với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình chiến dịch quân sự của Nga tại Syria. Các tên lửa Klub đã bay qua không phận Iran và Iraq trước khi phá hủy mục tiêu Syria. Bộ Quốc phòng Nga cho biết các mục tiêu của IS bị tên lửa Klub của hạm đội Caspian tiêu diệt gồm các trung tâm chỉ huy, kho đạn, kho nhiên liệu, nhà máy sản xuất vũ khí, với độ sai lệch mục tiêu chỉ 3 m. "Sự kiện vũ khí chính xác của chúng ta phóng từ biển Caspian đánh trúng tất cả mục tiêu ở khoảng cách 1.500 km cho thấy sự chuẩn bị tốt của tổ hợp công nghiệp quốc phòng và sự huấn luyện tốt của binh sĩ”, Tổng thống Putin nói.

Ông Putin ca ngợi những kết quả ban đầu của chiến dịch không kích chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) của Nga tại Syria. “Chúng ta biết rõ các chiến dịch khủng bố phức tạp, khó khăn như thế nào. Còn quá sớm để đánh giá kết quả, nhưng những gì đã thực hiện xứng đáng được đánh giá cao”, tổng thống Nga nói.

Bốn tàu tên lửa Nga tham gia phóng tên lửa Klub sáng 7/10 gồm tàu hộ vệ tên lửa Dagestan  và 3 tàu tên lửa Sviyazhsk, Uglich và Great Ustyug. Các tàu này đều trang bị hệ thống tên lửa Klub-NK phóng thẳng đứng. Tên lửa Klub của Nga phóng từ tàu chiến có tầm bắn tối đa 2.600 km (loại 3M14), có thể vừa diệt tàu chiến lẫn tấn công mục tiêu trên đất liền, được xem ngang ngửa với tên lửa Tomahawk của Mỹ. Bộ Quốc phòng Nga cho hay các tên lửa phóng đi sáng 7/10 là loại 3M14.

Sự kiện này lập tức gây sự chú ý của phương Tây vì đây là lần đầu tiên Nga không không kích tại chỗ bằng máy bay mà dùng tên lửa hành trình tấn công kẻ địch từ cách xa hàng ngàn km. BBC News dẫn lời chuyên gia cho rằng Nga muốn chứng tỏ cho thế giới thấy nước Nga có tiềm lực quân sự không thua kém bất cứ siêu cường nào và còn nhắn gửi những thông điệp khác nữa.

Chiến hạm Nga phóng tên lửa hành trình từ biển Caspian, cách mục tiêu 1.500 km
Chiến hạm Nga phóng tên lửa hành trình từ biển Caspian, cách mục tiêu 1.500 km

Các nghị sĩ Mỹ đã bắt đầu điều trần về khả năng xảy ra các sai lầm về tình báo liên quan chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào Syria, lo ngại rằng cơ quan tình báo Mỹ đã quá chậm chạp trong việc nắm bắt phạm vi cũng như ý đồ can thiệp quân sự của Nga. Một tuần sau khi Nga phát động chiến dịch trực tiếp tấn công tại Syria, cộng đồng tình báo Mỹ và quốc hội muốn xem xét lại xem tình báo Mỹ đã bỏ qua những gì hoặc phán đoán sai những dấu hiệu cảnh báo quan trọng nào, Reuteurs cho biết.

Daily Mail trích phát biểu của đại sứ Mỹ trước thềm hội nghị bộ trưởng quốc phòng NATO, khen ngợi Nga về khả năng nhanh chóng thiết lập sự hiện diện quân sự “ấn tượng” chỉ trong một thời gian ngắn. Ông Douglas Lute nhận xét hỏa lực của Nga tại Syria bao gồm một sự hiện diện quan trọng và đáng kể hải quân, tên lửa tầm xa và một tiểu đoàn trên bộ được yểm trợ bằng các xe tăng hiện đại nhất tại hai căn cứ Tartous và Latakia.

Giới chức phương Tây cho biết về chiến lược, chiến dịch không kích mới của Nga tại Syria có vẻ được lên kế hoạch để đẩy lui đà tiến của phiến quân đe dọa chế độ của tổng thống Bashar al-Assad, bảo vệ các tài sản quân sự của Nga tại nước này và khẳng định lại vị thế của Mátxcơva như một siêu cường quốc tế cạnh tranh với Mỹ.

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu tiếp tục chỉ trích các cuộc không kích của Nga tại Syria, nhấn mạnh Nga chủ yếu tấn công các nhóm đối lập ôn hòa và do đó giúp IS mạnh thêm. Ông Davutoglu yêu cầu Nga tôn trọng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tình hình Syria. Thủ tướng Thổ kêu gọi Nga tôn trọng không phận Thổ Nhĩ Kỳ, tuyên bố nước này sẽ tuyệt đối không nhượng bộ về vấn đề liên quan an ninh biên giới. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 8/10 cảnh báo hành động quân sự của Nga tại Syria đang gây tổn hại tới quan hệ thương mại với Ankara.

NATO họp khẩn

Các chiến đấu cơ Nga được cho là đã hai lần vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ trong tuần này, khiến Thổ và NATO phản đối mạnh mẽ. Thổ Nhĩ Kỳ đã xuất kích máy bay F-16 để ngăn chặn và triệu tập đại sứ Nga để phản đối. Trước đó,  ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói nước này đã đề xuất một cuộc gặp giữa quan chức quân sự Thổ và Nga tại Ankara nhằm tránh Nga vi phạm không phận.

Quan chức Mỹ cũng cáo buộc các máy bay chiến đấu Nga đã chặn máy bay không người lái của Mỹ ít nhất ba lần từ khi bắt đầu chiến dịch không kích. Hai quan chức Mỹ giấu tên nói với Fox News rằng hai vụ xảy ra ở khu vực phiến quân IS chiếm giữ, bao gồm cả thủ phủ của chúng tại Raqqa và dọc biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Vụ thứ ba xảy ra ở phía tây bắc, gần thành phố Aleppo. Đại úy Jeff Davis, Phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết, một máy bay F-16 Mỹ khi đang bay ở Syria đã phải chuyển hướng "một chút" để tránh chiến đấu cơ Nga ít nhất một lần.

NATO cho biết chuẩn bị điều quân tới Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ đồng minh sau khi máy bay chiến đấu Nga vi phạm không phận nước này. Giới chức thuộc liên minh do Mỹ dẫn đầu vẫn đang phản ưng mạnh trước việc chiến đấu cơ Nga bay vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới phía bắc Syria và các bộ trưởng quốc phòng NATO gặp nhau tại Brussel với nghị trình bị bao phủ bóng đen cuộc khủng hoảng Syria.

“NATO sẵn sàng và đủ khả năng bảo vệ tất cả các đồng minh, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ trước bất cứ mối đe dọa nào”, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố với báo chí, lưu ý rằng các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa hành trình của Nga là những lý do gây quan ngại. Sự kiện 2 chiến đấu cơ Nga tiến vào không phận Thổ Nhĩ Kỳ đưa cuộc xung đột Syria tới biên giới NATO, thử thách khả năng ngăn chặn xung đột mà không gây đối đầu trực tiếp với Nga.

Máy bay Nga chuẩn bi vũ khí cho chiến dịch không kích tại Syria
Máy bay Nga chuẩn bi vũ khí cho chiến dịch không kích tại Syria

Trong khi Mỹ bác bỏ khả năng hợp tác quân sự với Nga tại Syria thì các bộ trưởng quốc phòng NATO sẽ thảo luận làm sao khuyến khích Nga giúp giải quyết khủng hoảng, tin rằng Nga cũng muốn tranh bị sa lầy trong một cuộc xung đột kéo dài. “Cần có một giải pháp chính trị, một sự chuyển tiếp”, ông Stoltenberg nói. “Nga đang khiến tình hình rất nghiêm trọng ở Syria trở nên nguy hiểm hơn nhiều”, bộ trưởng quốc phòng Anh Michael Fallon nhận xét.

Sau hơn một thập kỷ can dự vào Afghanistan, NATO đối mặt với thực tế vô số mối đe dọa kề sát biên giới. NATO hiện chia rẽ giữa các thành viên phía đông muốn tập trung giải quyết khủng hoảng Ukraine và số còn lại lo lắng về các chiến binh IS khiến nguy cơ không đạt được sự thống nhất của 28 thành viên. Pháp và Anh, hai quốc gia NATO là cường quốc châu Âu muốn sử dụng lực lượng phản ứng nhanh mới gồm 5.000 lính bên ngoài biên giới NATO, để giúp ổn định các chính quyền hậu xung đột tại Libya hay Syria.

Trong khi số khác, bao gồm Ba Lan và các nước Baltics lại muốn NATO hiện diện thường trực trên lãnh thổ của mình để phản ứng ngăn chặn trước bất kỳ động thái nào của Nga nhằm khôi phục lại ảnh hưởng tại các nước thuộc Liên Xô cũ.

Nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng Syria, NATO hiện đang thúc đẩy lập lực lượng phản ứng nhanh 13.000 quân sẵn sàng được triển khai tới bất cứ điểm nóng nào trên thế giới trong vòng 3-7 ngày. Trong khi Anh đang điều quân tới vùng Baltic nhằm phòng ngừa mối đe dọa từ phía Nga, bộ quốc phòng Anh thông báo. Bộ trưởng Michael Fallon cho biết Anh sẽ triển khai một đơn vị 120 binh sĩ tới các căn cứ tại Estonia, Latvia và Lithuania. Bên cạnh đó,  không quân Anh cũng điều động các chiến đấu cơ Typhoon tới bảo vệ không phận Baltics.

New York Times ngày 8/10 dẫn lời giới chức phương Tây cho biết, chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào Syria là kết quả lên kế hoạch của 4 đồng minh gồm Nga, Iran, Syria và lực lượng Hezbollah ở Lebanon trong ít nhất 4-6 tháng qua. Chiến dịch đã làm hồi sinh các lực lượng chính phủ Syria. Các đợt tấn công trên bộ ngày 7/10 lần đầu tiên đánh dấu quân đội Syria chuyển từ thế phòng thủ sang tấn công. Các cuộc giao chiến dữ dội nổ ra khi phiến quân dùng tên lửa chống tăng TOW do CIA cung cấp bắn xe tăng Nga sản xuất,  khiến người ta có cảm tưởng đây là cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga và Mỹ.

Giám đốc Tổ chức giám sát nhân quyền Syria Rami Abdurrahman mô tả các cuộc tấn công của quân đội Syria và đồng minh, có sự yểm trợ của không quân Nga là dữ dội nhất từ đầu chiến dịch. Chỉ trong ngày 7/10, Nga đã oanh kích 37 lần vào khu vực. Thủ lĩnh một nhóm phiến quân được Mỹ hậu thuẫn là Tajammu Alezzah cho rằng quân Nga và Iran đã tham chiến.

Theo Tiền Phong