Nga hỗ trợ lực lượng đối lập ôn hòa ở Syria

Tại cuộc họp với các tùy viên quân sự nước ngoài hôm 14.12, Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga khẳng định Nga ủng hộ lực lượng nổi dậy ở Syria là Quân đội tự do Syria (FSA).
Chiến binh FSA ở khu vực ngoại ô Damascus, Syria tháng 7.2015 - Ảnh: Reuters
Chiến binh FSA ở khu vực ngoại ô Damascus, Syria tháng 7.2015 - Ảnh: Reuters

Hiện nay, các đơn vị FSA với quân số hơn 5.000 binh sĩ đang phối hợp với quân đội chính phủ Syria thường xuyên tiến hành tấn công các lực lượng IS ở các tỉnh Homs, Hama, Aleppo và Raqqa, theo báo Sự thật Komsomol.

Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov cho biết, để hỗ trợ FSA, không quân Nga mỗi ngày tiến hành 30-40 cuộc không kích nhắm vào các nhóm IS đang giao tranh với lực lượng này. Ngoài ra, phía Nga cũng cung cấp cho FSA nhiều đạn dược, vũ khí, khí tài, quân trang quân dụng.

Ông Gerasimov một lần nữa nhấn mạnh rằng các cuộc không kích bằng tên lửa và bom của không quân Nga chỉ nhắm vào những mục tiêu IS như sở chỉ huy, trại lính, kho vũ khí, đạn dược và các cơ sở huấn luyện.

Tổng thống Nga Putin cũng từng tuyên bố Moscow đã hỗ trợ các đơn vị FSA tấn công quân IS tại nhiều tỉnh ở Syria. Tuy nhiên, rất khó để đánh giá mức độ hỗ trợ này.

Trước đây, quân số của FSA được ước tính là khoảng 30.000 người, nhưng từ đầu tháng 11 đã diễn ra sự phân rã trong lực lượng này: nhiều người bỏ về nhà, người khác chuyển qua chiến đấu cho quân đội chính phủ, và một số ít chạy qua tham gia hàng ngũ IS.

Nga hỗ trợ phe đối lập ôn hòa vì họ đang cùng tổng thống Bashar Assad chiến đấu chống lại tổ chức khủng bố IS và không thực hiện những hành động tàn ác với dân chúng, theo ông Igor Korotchenko, trưởng ban biên tập tạo chí Quốc phòng của Nga. Giúp chính phủ đánh quân IS, họ trông chờ vào một vị trí tại bàn đàm phán chính trị quyết định tương lai của Syria, ông Korotchenko nhận định.

Có một điều đáng chú ý là các chiến binh phe đối lập Syria chiến đấu với IS bằng các loại vũ khí do cả Mỹ và Nga cung cấp, trong đó đáng gờm nhất là tên lửa chống tăng do Mỹ chế tạo.

Theo Phạm Bá Thủy - Thanh Niên