Nga giúp Việt Nam, bắt Trung Quốc phải trả giá đắt

Chuyên gia Anton Tsvetov cho rằng tuy Việt Nam chắc chắn không vui về những phát biểu gần đây của Moscow. Nhưng Nga vẫn là đối tác cung cấp vũ khí chủ chốt cho Việt Nam, giúp Việt Nam có những hệ thống vũ khí bắt Trung Quốc phải trả giá đắt nếu Trung Quốc tấn công.
Tàu ngầm Kilo của hải quân Việt Nam
Tàu ngầm Kilo của hải quân Việt Nam

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 14/4, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã nói rằng không nên quốc tế hóa vấn đề tranh chấp Biển Đông ở các diễn đàn quốc tế như Diễn đàn An ninh Khu vực ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, hay Hội nghị Á-Âu. Ông Lavrov cũng kêu gọi các bên không có tuyên bố chủ quyền không đứng về bên nào.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc sau đó đã tự cho là Nga và Trung Quốc có quan điểm trùng với nhau về Biển Đông. Ngay sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định tranh chấp Biển Đông “phải được bàn bạc và  phải được giải quyết với tất cả các nước có chung lợi ích và có chung mối quan tâm”.

Nhiều nhà bình luận xem cuộc tranh luận trên như bằng chứng về việc mối quan hệ đối tác đang phát triển mạnh giữa Nga và Trung Quốc có thể gây tác hại đến quan hệ vững mạnh của Nga với Việt Nam. Một số ý kiến cho rằng việc Nga xoay trục sang châu Á sẽ ngày càng tập trung vào Trung Quốc đến mức Bắc Kinh có thể lợi dụng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nước để đưa Nga vào thế phải ủng hộ các chính sách Trung Quốc ở Biển Đông.

Tuy nhiên, ông Anton Tsvetov, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế Nga, là nhóm cố vấn chính sách đối ngoại có trụ ở Moscow, cho rằng quan điểm của Nga về việc quốc tế hóa Biển Đông không có gì mới vì đã được nêu ra nhiều lần trong các cuộc gặp ngoại giao song phương, và ít nhất ông Lavrov đã nói với báo chí một lần khi trả lời phỏng vấn hồi tháng 8/2015.

Liệu điều này có nghĩa là Nga đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông hay không, ông Anton Tsvetov nói tuy cả Moscow lẫn Bắc Kinh đều chống việc quốc tế hóa các tranh chấp lãnh thổ song họ làm thế là vì những lý do khác nhau. Trung Quốc muốn là bên mạnh nhất trong tranh chấp, nếu giải quyết trực tiếp với từng nước một càng tốt. Đối với Bắc Kinh, quốc tế hóa còn bao gồm phân xử qua trọng tài và việc các nước nhỏ liên kết đối phó với Trung Quốc với sự giúp đỡ từ các nước bên ngoài khu vực.

Nhưng Nga chống việc quốc tế hóa vì các nhà hoạch định chính sách Nga có xu hướng xem việc quốc tế hóa là bước đi đầu tiên dẫn đến việc can thiệp vào công việc của Nga và mở rộng NATO sang phía đông. Moscow đã nhiều lần chỉ trích các nước và tổ chức như Mỹ, NATO, EU về can thiệp các công việc các nước ở Đông Âu, vùng Balkan và những nơi khác.

Theo ông Anton Tsvetov, Biển Đông không phải là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga. Đang chịu gánh nặng khó khăn kinh tế trong nước, tham gia cuộc chiến ở Syria và xung đột lợi ích với phương Tây, Nga hướng sự chú ý trở lại châu Á và tập trung vào Trung Quốc, nhưng không hào hứng với việc dính líu vào tranh chấp Biển Đông.

Chuyên gia Tsvetov cho rằng tuy Việt Nam chắc chắn không vui về những phát biểu gần đây của Moscow, song Hà Nội sẽ không gây áp lực thêm nữa. Ông nói Nga vẫn là đối tác cung cấp vũ khí chủ chốt cho Việt Nam, giúp Việt Nam có những hệ thống vũ khí bắt Trung Quốc phải trả giá đắt nếu Trung Quốc tấn công.

Theo ông Tsvetov, Biển Đông là một vấn đề phức tạp, đa diện. Chủ quyển, sự kiểm soát thực tế, quân sự hóa, bồi đắp, tự do hàng hải và quản lý tài nguyên là tất cả những vấn đề mà Nga không thể hiện quan điểm. Không đứng về bên nào trong các vấn đề đó cho phép Nga đứng ngoài một cuộc tranh chấp có nguy cơ leo thang nhanh chóng.

Theo The Diplomat, VOA