Nga đã bị Mỹ-NATO “dắt mũi” thế nào?

VietTimes - Theo những tài liệu năm 1990 mới được giải mật, lãnh đạo Xô Viết Mikhail Gorbachev đã nhận được rất nhiều lời cam kết của các lãnh đạo phương Tây rằng liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ không vượt qua biên giới Đông Đức. 
Các nhà lãnh đạo Nga thường phàn nàn về việc NATO mời các nước Hungary, Ba Lan và Czechoslovakia tham gia liên minh này năm 1997 tại hội nghị Madrid, đã vi phạm cam kết họ đưa ra với Liên Xô trước khi Liên Xô sụp đổ năm 1991. NATO đã phủ nhận có những thỏa thuận như vậy được đưa ra. Những học giả vẫn tranh cãi về vấn đề này trong nhiều năm. Nhưng những tài liệu mới được giải mật cho thấy: thực tế, ông Gorbachev đã nhận được những cam kết là NATO sẽ không mở rộng qua Đông Đức.
"Những tài liệu này cho thấy rất nhiều lãnh đạo đã cân nhắc và từ chối cho các nước Trung và Đông Âu tham gia NATO vào khoảng đầu 1990 và năm 1991", các nhà nghiên cứu Svetlana Svaranskaya và Tom Blanton thuộc tài liệu mật quốc gia được lưu giữ tại Đại học George Washington cho biết. 
"Những bản ghi nhớ các cuộc đàm thoại và hội đàm qua điện thoại của những lãnh đạo cao nhất cho thấy điều kiện để diễn ra những cuộc đàm phán thống nhất nước Đức năm 1990 là NATO không được vượt qua lãnh thổ Đông Đức và sự phản đối của lãnh đạo Liên Xô và Nga sau này về việc bị lừa dối về sự mở rộng của NATO".

Thực tế, tổng thống Nga Boris Yeltsin và Vladimir Putin đã quyết liệt phản đối việc mở rộng khối NATO dọc những đường biên giới của họ trái ngược lại những gì đã được bảo đảm trước đó. "Điều gì đã xảy ra với những cam kết mà các đối tác phương Tây của chúng ta đưa ra sau khi khối Vác-sa-va tan vỡ? Ngày nay, những tuyên bố đó đâu?", ông Putin đã phát biểu tại một hội nghị tại Munich về chính sách an ninh vào năm 2007. 
"Không ai nhớ tới chúng. Nhưng tôi tự cho phép được nhắc lại với các thính giả những gì đã được nói ra. Tôi sẽ đưa lại lời của tổng thư ký NATO, ông Woerner tại Brussels vào 17.5.1990. Ông ta đã nói: "Sự thật là việc chúng ta sẵn sàng không đưa quân đội NATO ra khỏi lãnh thổ Đức sẽ là một bảo đảm chắc chắn với Liên Xô về mặt an ninh". Vậy hiện tại những bảo đảm đó đâu?
Nga đã bị Mỹ-NATO “dắt mũi” thế nào? ảnh 1Michail Gorbachev bàn về việc thống nhất nước Đức với Bộ trưởng Ngoại giao Tây Đức, Hans-Dietrich Genscher và Thủ tướng Tây Đức, Helmut Kohl tại Nga ngày 15.07.1990.

Những tài liệu mới được giải mật cho thấy, người Nga có cái lý của họ. Trong khi, lời của Tổng thư ký NATO cam kết với Gorbachev vào ngày 9.2.1990 sẽ không mở rộng "1 inch về phía đông" thường được coi như là lời nói về việc thống nhất nước Đức thì những tài liệu cho thấy lời này ở trong một ngữ cảnh khác. Ông Gorbachev chỉ đồng ý cho Đức tái thống nhất (Liên Xô khi đó có quyền phủ quyết việc thống nhất này) bởi ông nhận được những lời cam kết NATO sẽ không mở rộng sau khi ông rút quân khỏi Đông Âu.

Cam kết này tới từ Tổng thư ký NATO James Baker, tổng thống Mỹ George H.W. Bush, Bộ trưởng Ngoại giao Tây Đức Hans-Dietrich Genscher, Thủ tướng Tây Đức Helmut Kohl, Giám đốc CIA Robert Gates, Thủ tướng Pháp Francois Mitterrand, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Douglas Hurd, Thủ tướng Anh John Major và Tổng thư ký NATO Manfred Woerner.

Thực tế, vào tháng 3.1991, người Anh lại một lần nữa cam kết với Gorbachev họ không dự kiến mở rộng NATO ra Đông và Trung Âu. Như cựu Đại sứ Anh quốc tại Liên Xô, Rodric Braithwaite kể lại vào 5.3.1991, cả Bộ trưởng ngoại giao Anh Douglas Hurd và Thủ tướng Anh John Major đều nói với Liên Xô, NATO sẽ không mở rộng về phía Đông.
"Tôi tin rằng những suy nghĩ của ông về vai trò của NATO trong tình huống hiện tại là kết quả của một sự hiểu lầm", ông Major đã nói với ông Gorbachev như vậy. Chúng tôi không bàn về việc tăng sức mạnh cho NATO. Mà chúng tôi đang bàn về những nỗ lực hợp tác đang xảy ra giữa NATO và Tây Âu hiện tại với viễn cảnh cho phép mọi thành viên Cộng đồng Châu Âu đóng góp để nâng cao an ninh trong khu vực".
Tất nhiên, sau đó vào năm 1994, Bill Clinton đã quyết định mở rộng NATO về phía Đông bất chấp một loạt cam kết với Gorbachev của những nhà lãnh đạo tiền nhiệm và bất chấp một loạt cảnh báo của nhà Ngoại giao lừng lẫy George F.Kennan.