Nga có thể trở thành nước đầu tiên phê duyệt vaccine ngừa COVID-19

VietTimes – Nga có dự định trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt vaccine ngừa virus corona chủng mới, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần lễ - mặc dù còn một số quan ngại về tính an toàn, hiệu quả cảu chủng vaccine này.
Nga có thể trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 (Ảnh: CNN)
Nga có thể trở thành quốc gia đầu tiên phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 (Ảnh: CNN)

Theo kênh CNN, giới chức Nga nói rằng họ dự định sẽ phê duyệt vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 10/8 hoặc sớm hơn. Được biết chủng vaccine này được chế tạo bởi Viện Gamaleya có trụ sở tại thủ đô Moscow, và sẽ được phê duyệt để sử dụng rộng rãi cho người dân, đầu tiên là dành cho các nhân viên y tế tuyến đầu.

"Đó là một khoảng khắc Sputnik" - Kiril Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga hiện đang tài trợ nghiên cứu vaccine, nói và nhắc tới vụ phóng thành công vệ tinh đầu tiên trên thế giới của Liên Xô vào năm 1957 - "Người Mỹ đã rất ngạc nhiên khi nghe thấy tiếng bíp của Sputnik. Cũng tương tự như với chủng vaccine này. Nga sẽ về đích đầu tiên".

Tuy nhiên, hiện Nga vẫn chưa công bố dữ liệu khoa học về thử nghiệm vaccine này, nên giới chuyên gia chưa thể xác nhận về độ an toàn và tính hiệu quả của nó. Một số nhà phê bình cho rằng Moscow sớm phê duyệt vaccine dưới áp lực chính trị của Điện Kremlin trong khi "giới chuyên gia vẫn lo ngại về các thử nghiệm lâm sàng".

Một số chuyên gia cũng lo ngại về quá trình thử nghiệm trên người vẫn chưa hoàn thiện của chủng vaccine này.

Trên thế giới, hàng chục cuộc thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 đang diễn ra và chỉ một số ít đang trải qua giai đoạn thử nghiệm hiệu quả với quy mô lớn. Phần lớn các nhà phát triển đều cảnh báo rằng vẫn còn rất nhiều công việc phải làm trước khi vaccine của họ được phê duyệt.

Mặc dù một số vaccine đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm, nhưng vaccine của Nga vẫn chưa hoàn thành giai đoạn 2. Các nhà phát triển Nga dự định hoàn thiện giai đoạn đó vào ngày 3/8, và sau đó thực hiện thử nghiệm giai đoạn 3 song song với việc thử nghiệm vaccine với các nhân viên y tế tuyến đầu.

Giới khoa học Nga nói rằng chủng vaccine của họ phát triển nhanh hơn là bởi nó là một phiên bản được chỉnh sửa của một chủng vaccine sẵn có. Đây là hướng tiếp cận cũng được nhiều quốc gia và các công ty khác áp dụng.

Đáng chú ý trong số đó, Moderna - công ty dược có chủng vaccine được chính phủ Mỹ tài trợ phát triển và đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm - cũng điều chế vaccine ngừa COVID-19 dựa trên một chủng vaccine mà họ đã phát triển để ngừa virus MERS. Mặc dù hướng tiếp cận này giúp họ đẩy nhanh quá trình phát triển, nhưng các nhà quản lý ở Mỹ và châu Âu vẫn yêu cầu vaccine này phải thực hiện đầy đủ các thử nghiệm về độ an toàn và tính hiệu quả.

Bộ Quốc phòng Nga nói rằng các binh sĩ nước này đã đăng ký tham gia làm tình nguyện viên trong quá trình thử nghiệm vaccine trên người.

Theo CNN, ông Alexander Ginsberg, Giám đốc dự án vaccine của Nga, cho hay ông đã tự tiêm chủng vaccine mới.

Giới chức Nga nói rằng chủng vaccine của họ đang được thúc đẩy nhanh tới giai đoạn được phê duyệt là bởi đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, và do cả diễn biến dịch trong nước. Nga hiện ghi nhận trên 800.000 ca nhiễm COVID-19.

"Các nhà khoa học của chúng tôi không chỉ tập trung vào việc trở thành nước về đích đầu tiên, mà cả việc bảo vệ người dân" - ông Dmitriev nói.

Chủng vaccine mới của Nga sử dụng vector adenovirus đã được làm suy yếu để chúng không nhân bản trong cơ thể người. Khác với phần lớn các chủng vaccine đang được phát triển, nó dựa vào 2 vector, chứ không phải 1, và bệnh nhân sẽ nhận được một mũi tiêm nhắc lại thứ hai.

Giới chức Nga cho hay dữ liệu khoa học của họ hiện đang được hoàn tất và sẽ sớm công bố vào đầu tháng 8 để đánh giá.

"Nga vẫn đang ở vị trí tiên phong trong phát triển vaccine, và các chủng vaccine ngừa Ebola và MERS của chúng tôi trước kia đã mang tới giải pháp an toàn và hiệu quả đầu tiên cho vấn đề lớn nhất của thế giới" - ông Dmitriev nói.

Bộ Y tế Nga, hiện chưa xác nhận về ngày phê duyệt vaccine mới, nói rằng các nhân viên y tế tuyến đầu sẽ là những người đầu tiên được tiêm vaccine ngay khi nó được phê duyệt để sử dụng rộng rãi.

Các cuộc thử nghiệm vaccine quy mô lớn cũng đang được thực hiện ở Anh, Mỹ và nhiều nước khác và tiến trình này diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, các nhà phát triển không đưa ra thời hạn chót để phê duyệt.

Theo CNN