Nga bắt đầu sản xuất tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc, sẽ bán cho cả Ấn Độ, Việt Nam?

VietTimes -- Trung Quốc sở hữu tên lửa phòng không S-400 sẽ gây ảnh hưởng quan trọng đến tình hình khu vực đảo Senkaku và eo biển Đài Loan, nhưng Nga sẽ bán S-400 cho cả Việt Nam và Ấn Độ.
Nga sản xuất tên lửa phòng không S-400. Ảnh: Sina
Nga sản xuất tên lửa phòng không S-400. Ảnh: Sina

Nga bắt đầu sản xuất tên lửa S-400 cho Trung Quốc

Tờ Sputnik Nga dẫn lời Giám đốc Victor Kladov phụ trách hợp tác quốc tế và chính sách khu vực của Tập đoàn công nghệ quốc doanh Nga (Rostec) cho biết hợp đồng cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Trung Quốc đang ở giai đoạn sản xuất.

Ông Victor Kladov cho biết: “Đến nay, có tồn tại hợp đồng cung cấp S-400 đã ký với Trung Quốc, hợp đồng này đang ở giai đoạn sản xuất”.

Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết Quân đội Nga trang bị hệ thống tên lửa phòng không S-400, đồng thời có ngoại lệ khi cung cấp S-400 cho các nước đối tác chiến lược là Trung Quốc và Ấn Độ.

Ông Dmitry Rogozin cho biết: “Đây là hệ thống mới nhất của chúng tôi. Chúng tôi hiện nay sử dụng chúng để trang bị cho lực lượng vũ trang của mình, chỉ phá lệ cung ứng cho những nước thân thiết với chúng tôi như Trung Quốc và Ấn Độ”.

Ông cho biết thêm: “Sự thực cho thấy, chúng tôi đạt được thỏa thuận như vậy với Trung Quốc và Ấn Độ có ý nghĩa quan trọng. Bởi vì, Nga cung cấp công nghệ tốt nhất của mình cho các nước tin cậy, xây dựng quan hệ chiến lược với họ”.

Nga sản xuất tên lửa phòng không S-400. Ảnh: Sina
Nga sản xuất tên lửa phòng không S-400. Ảnh: Sina

Liên quan đến vấn đề này, Đài tiếng nói Hoa Kỳ ngày 15 tháng 2 cho rằng Nga nhanh nhất sẽ bàn giao lô tên lửa phòng không S-400 đầu tiên cho Trung Quốc trong năm nay (2017). S-400 có thể gây ảnh hưởng quan trọng đến tình hình eo biển Đài Loan và khu vực đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), đồng thời tăng thêm phiền phức cho Quân đội Mỹ.

Nhưng Nga cũng sẽ đồng thời cung ứng loại vũ khí tiên tiến này cho Ấn Độ.

Thỏa thuận S-400 giữa Trung Quốc và Nga đạt được vào tháng 4 năm 2015. Dự kiến đến trước năm 2020, Nga sẽ hoàn thành thực hiện hợp đồng này với Trung Quốc.

Theo hợp đồng ký kết vào mùa thu năm 2014, Trung Quốc mua 6 đại đội tên lửa phòng không S-400 của Nga, tổng trị giá trên 3 tỷ USD. Đồng thời, Nga cũng đã cung cấp máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc, triển khai trên hướng Biển Đông, khu vực cách Đài Loan cũng không xa.

Nếu Trung Quốc triển khai tên lửa phòng không S-400 ở khu vực Phúc Kiến và Sơn Đông thì chắc chắn sẽ tăng thêm sức ép to lớn cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và Quân đội Đài Loan, làm cho phương thức tác chiến của hai khu vực điểm nóng này có sự thay đổi căn bản.

Tầm bắn của tên lửa S-400 có thể đạt 400 km, khi triển khai ở khu vực Phúc Kiến và Sơn Đông thì nó sẽ kiểm soát được vùng trời rộng lớn ở eo biển Đài Loan và khu vực đảo Senkaku. Điều này làm cho việc bảo vệ đảo Senkaku của Nhật Bản trở nên khó khăn hơn.

Trung Quốc triển khai S-400 ở Phúc Kiến sẽ có thể bắn trúng máy bay chiến đấu Đài Loan khi nó vừa mới cất cánh. Điều này làm cho cán cân sức mạnh quân sự hai bờ eo biển Đài Loan tiếp tục nghiêng về phía Trung Quốc.

Trung Quốc triển khai tên lửa S-400 cũng sẽ gây khó khăn cho hoạt động của Quân đội Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, từ đó tăng thêm “quân bài” để Trung Quốc có thể “giao dịch” với Tân Chính phủ Mỹ do ông Donald Trump đứng đầu.

Trên thực tế, Nga bán Su-35 và S-400 cho khách hàng nước ngoài đầu tiên Trung Quốc cho thấy quan hệ hai nước ngày càng gần gũi, đồng thời đạt được mục đích tăng thêm phiền phức cho Mỹ ở các khu vực liên quan đến Trung Quốc. Nga bán 2 loại vũ khí này cho Trung Quốc chủ yếu cân nhắc về nhân tố chính trị.

Nga bán cho Trung Quốc 2 loại vũ khí này cũng cho thấy Nga không lo ngại việc Trung Quốc sao chép chúng và thể hiện năng lực nghiên cứu chế tạo, sản xuất vũ khí của Nga đã có một bước tiến rất lớn.

Nga sản xuất tên lửa phòng không S-400. Ảnh: Sina
Nga sản xuất tên lửa phòng không S-400. Ảnh: Sina

Trung Quốc rõ ràng sẽ không thể nhanh chóng sao chép được hai loại vũ khí này, trong khi đó các bước tiến của ngành công nghiệp quân sự Nga sẽ không dừng lại. Đồng thời với việc sản xuất tên lửa S-400 cho Trung Quốc, Nga còn bắt đầu thử nghiệm tên lửa phòng không mới S-500 và dự kiến sẽ nhanh chóng biên chế cho Quân đội Nga.

Việt Nam đã đàm phán với Nga về S-400?

Theo Đài tiếng nói Hoa Kỳ, Việt Nam và Ấn Độ có khả năng sẽ trở thành khách hàng tiếp theo của tên lửa phòng không S-400 Nga. Từ năm 2016, Việt Nam đã đàm phán với Nga mua 4 đại đội tên lửa phòng không S-400.

Theo thông tin từ phía Nga, đến trước cuối năm 2017, Nga và Ấn Độ sẽ ký kết hợp đồng cung cấp tên lửa phòng không S-400 cho Ấn Độ. Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Ấn Độ vào năm 2016, hai bên đã ký kết thỏa thuận chính phủ về việc Nga bán tên lửa phòng không S-400 cho Ấn Độ.